Ngày 14-9, sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "TP.HCM, làm sao xóa điểm nghẽn giao thông Cộng Hòa"?, nêu thực tế điểm nghẽn của khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và đặc biệt là đường Cộng Hòa và các giải pháp mà cơ quan chức năng đang và đã làm để giảm ùn tắc, một bạn đọc cho biết là người dân sống ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hơn 30 năm nay, cho biết đường xá khu vực quanh sân bay thay đổi lớn nhất vẫn là Phạm Văn Đồng. Còn lại đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn thì kiểu "bụng con voi, đầu con chuột", chưa mở rộng đồng bộ.
Đứng từ trên cầu vượt đoạn Lăng Cha Cả nhìn xuống dòng ô tô đổ xuống Hoàng Văn Thụ, xe máy vất vả luồn lách rất mệt mỏi.
Còn bạn đọc Tâm chia sẻ có nhà ở đường Trường Chinh mà mỗi khi muốn về nhà thường là phải vòng vèo qua nhiều con hẻm. Theo bạn đọc này, đoạn đường Trường Chinh từ Cộng Hòa đến Âu Cơ là "con đường đau khổ" thường xuyên tắc, không an toàn vì không có lề cho người đi bộ…
"Không biết ở nơi khác ra sao. Đường Cộng Hòa không đủ để xe chạy mà lề đường làm quá khổ. Cầu vượt Hoàng Hoa Thám thì làm quá hẹp. Các xe chờ vào cầu giống như chờ qua phà vậy, không hợp lý tí nào", bạn đọc Phan Tấn Tài ý kiến.
Nhiều bạn đọc cho rằng cơ quan nhà nước cần tính toán quy hoạch cho cả một khu vực cửa ngõ sân bay rộng lớn chứ không chỉ đường Cộng Hòa, giải tỏa một phần đất ở các giao lộ quan trọng để tăng khả năng thoát xe.
Như bạn đọc Phạm Sanh cho biết Công Hòa là trục đường ngắn nhưng xung quanh nối kết toàn các trục giao thông huyết mạch và xe dày đặc như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, các nút Nguyễn Thái Sơn, Lăng Cha Cả, Tân Kỳ Tân Quý và nối các huyện ngoại thành…
Để giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông ở đường Cộng Hòa, phải tính toán mô phỏng quy hoạch cho cả một hệ thống mạng lưới giao thông, khu vực ảnh hưởng rộng lớn chứ không chỉ riêng Cộng Hòa và làm từng đoạn từng nút.
Trước mắt do tình hình và điều kiện thực tế, nên tập trung các dự án khả thi cao và đã nghiên cứu lâu như đường song hành Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, nút Tân Kỳ Tân Quý, Metro 2, đường trên cao. Đồng thời, thêm các giải pháp giao thông công cộng đồng bộ.
Trong khi đó, bạn đọc Lê Quang Tuấn cho rằng với điều kiện đặc thù của nhiều tuyến đường ở thành phố, nên việc giải tỏa đền bù để mở rộng đường là rất khó khả thi. Do đó, bạn đọc này góp ý trước hết, phải làm giảm những điểm gây xung đột giao thông trên đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ.
Cụ thể, nối dài cầu vượt qua vòng xoay Lăng Cha Cả vượt qua giao lộ Út Tịch và Cộng Hòa. Giải tỏa thêm một phần đất ở góc giao lộ Hoàng Văn Thụ và Phan Đình Giót để xe dễ dàng đi về hướng sân bay.
Làm cầu vượt qua giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa nối dài vượt qua giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Lê Tấn Quốc. Phương án khó hơn là mở thêm đường trên cao từ đầu đường Cộng Hòa - Trường Chinh dài đến lối ra đường Phan Đình Giót, qua giao lộ Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi.
Bảng số liệu quan trắc giao thông ở TP.HCM. Trong đó, Cộng Hòa thuộc top 10 đường chịu 'áp lực' nhất TP.HCM:
STT | Tên khu vực | Mức phục vụ | khả năng thông hành % | Lưu lượng PCU/h |
1 | Cách Mạng Tháng Tám | F | 147 | 7714.56 |
2 | Cộng Hòa | F | 142 | 16763.1 |
3 | Nguyễn Hữu Thọ | F | 137 | 7189.76 |
4 | Âu Cơ | F | 134 | 7032.32 |
5 | Hoàng Văn Thụ | F | 130 | 15346.5 |
6 | Quang Trung | F | 126 | 6612.48 |
7 | Điện Biên Phủ | F | 123 | 11092.14 |
8 | Lý Thường Kiệt | F | 120 | 25190.4 |
9 | Trường Chinh | F | 118 | 6192.64 |
10 | Cầu Kênh Xáng | F | 118 | 13929.9 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận