03/04/2021 09:30 GMT+7

Nghe vay nợ, lòng lại vui

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Người Việt ngại đi vay nợ, phải vay mượn là việc chẳng đặng đừng. Với Chính phủ, vay nợ kéo theo lo lắng nợ công tăng.

Với cá nhân phải đi vay thường giấu giếm, thậm chí có lúc nhiều người chỉ muốn xài thẻ debit (xài tiền có sẵn trong tài khoản) thay vì thẻ tín dụng (xài trước trả sau), hơi khác thông lệ thế giới.

Vậy mà tuần qua, khi nghe Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ vay 2 tỉ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người lại thấy lâng lâng. Vâng, thêm 2 tỉ USD rót vào Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình thay da đổi thịt ở khu vực này.

Với kinh tế, vay nợ không xấu, chúng ta không vay để tiêu xài mà để đầu tư phát triển, vay để phát triển một vùng đầy tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long là rất hoan nghênh. Thêm 2 tỉ USD, theo tỉ giá hiện hành là gần 47.000 tỉ đồng, cộng thêm vốn đối ứng của trung ương và địa phương.

Trong số này, sẽ có những khoản do trung ương nhận nợ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, có khoản cho tỉnh vay lại để thực hiện dự án. Không chỉ thế, vốn mồi từ ngân sách sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp về làm ăn.

Nói chung, tiền sẽ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Mong rằng rồi đây Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành đại công trường với những dự án cơ sở hạ tầng, dự án của doanh nghiệp.

Với dự án của doanh nghiệp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải chọn hay từ chối dự án nào, linh hoạt và tháo gỡ cho nhà đầu tư ra sao nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật để sau một thời gian không để lại những hậu quả phải khắc phục như nhiều tỉnh thành đang vướng...

Đó là những thử thách đang đặt ra cho lãnh đạo của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tiền cũng có hệ lụy của nó. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực để biết "xài tiền" (xây dựng và triển khai dự án), xài hết tiền (giải ngân hết vốn cho dự án) với hiệu quả cao nhất.

Đặt vấn đề biết xài tiền là không hề xa vời bởi nhiều tỉnh thành trong cả nước đã từng chịu cảnh đóng băng dự án, dự án dở dang vì không thể giải ngân do lập dự án không tốt, chậm đền bù giải phóng mặt bằng.

Làm sao để xây dựng nhưng không làm xáo trộn lớn đời sống người dân khi phải nhường đất cho công trình. Không biết tiêu tiền sẽ để lại những dự án dở dang, đội vốn, xây xong không phát huy tác dụng...

Các công trình hạ tầng cho sản xuất phải tính đến "nước biển dâng", không thể "thau chua rửa phèn" như trước để có thể tạo ra một hạ tầng "chuẩn" cho Đồng bằng sông Cửu Long đi vào nông nghiệp "thuận thiên", sinh thái.

Tất nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long không đơn độc. Một quy hoạch phát triển về Đồng bằng sông Cửu Long phải được sớm hoàn chỉnh làm xương sống cho các địa phương định hình, kể cả điều chỉnh đường hướng phát triển của tỉnh nhà, không cạnh tranh lẫn nhau...

Vay 2 tỉ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tâm lý sợ vay nợ còn đó. Thêm một khoản vay, nếu sử dụng tốt, đó sẽ là một minh chứng để hình thành quan điểm mà nhiều nước đã thực hiện, đó là không sợ vay nợ, vay để đầu tư phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm, không chỉ đủ trả nợ mà còn tạo ra sung túc, giàu có.

Chỉ sợ làm không tốt, không có tiền trả, sợ vay nợ cũng phải. Với chúng ta chỉ có một đường đi duy nhất, dứt khoát phải làm tốt để các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày rất gần không chỉ tự cân đối thu chi mà ngân sách còn dư dả để lo cho dân, thậm chí có dư để đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Và câu nói mà một lãnh đạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã từng thốt ra:"thu ngân sách của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng Bình Dương" trở thành quá khứ.

Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển ĐBSCL

TTO - Đây là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt trong phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ vào chiều 31-3.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên