Phóng to |
Vik Muniz và một trong những tác phẩm trong loạt tranh Những bức tranh từ bãi rác của anh - Ảnh: NYTimes |
Nhà nhiếp ảnh Vik Muniz thường nói anh là nghệ sĩ Mỹ, nhưng anh tưởng tượng theo cách của người Brazil - quê hương anh, nơi anh từng sống tuổi thơ nghèo khó.
Vik Muniz, 48 tuổi, là một trong những nghệ sĩ thị giác nổi tiếng nhất thế giới. Các hình ảnh hay tác phẩm nghệ thuật của anh được làm từ những chất liệu gây ngạc nhiên, như nước xirô, bơ đậu phộng, đồ chơi bằng nhựa...
"Tôi là sản phẩm của chế độ độc tài quân sự - Vik Muniz nói tại phòng trưng bày tranh Sikkema Jenkins & Company ở New York - Dưới chế độ độc tài, bạn không thể tin được những thông tin mình có hoặc không thể phát tán thông tin tự do được vì bị kiểm duyệt. Bởi vậy, người Brazil chúng tôi sử dụng các phương pháp ẩn dụ một cách linh hoạt. Họ rành rẽ cách trao đổi thông tin hai nghĩa".
Phóng to |
Bộ phim tài liệu Bãi rác do Lucy Walker (đã làm các phim như Blindsight, Countdown to zero) đạo diễn, kể câu chuyện về những người nhặt rác tại bãi rác Jardim Gramacho ở ngoại ô Rio de Jainero. Với diện tích hơn 1,2km2, đây là bãi rác lộ thiên lớn nhất thế giới với khoảng 7.000 tấn rác được chở đến mỗi ngày.
Trong hơn hai năm, bộ phim quay quá trình Vik Muniz sáng tác các bức chân dung làm từ các chất liệu khác nhau được nhặt từ bãi rác. Lấy cảm hứng từ chính những con người được coi là bị bỏ rơi trong xã hội, Vik đặt cho loạt tác phẩm tên Những bức tranh từ bãi rác.
Những người nhặt rác, vốn là lực lượng lao động không chính thức ở Brazil, đã giúp đất nước này thực hiện chương trình tái chế rác hiệu quả, vì thực tế ở Brazil chỉ có một số ít chương trình tái chế rác ở cộng đồng đang hoạt động.
"Điều thần tiên thật sự là điều xảy ra ngay trước mặt bạn. Ta hay mất thời gian để đi tìm kiếm vẻ đẹp, sự hoàn mỹ nhưng nó ở ngay đây, trong cuộc sống này. Chỉ cần chú ý hơn ta sẽ thấy nó" |
Mọi việc bắt đầu từ nhà của Muniz ở Brooklyn (Mỹ). "Tôi ở thời điểm muốn tạm rời xa thế giới mỹ thuật. Tôi nghĩ bãi rác là nơi rất riêng, rất giới hạn với nhiều người. Tôi muốn thay đổi cuộc sống của những người này chính bằng những vật liệu họ vẫn tiếp xúc hằng ngày". Anh đến và ở lại Gramacho hai năm, làm việc với những người nhặt rác. "Tôi lớn lên trong nghèo khó. Bây giờ đã đến lúc tôi cần trả món nợ cuộc đời" - anh nói.
Dưới những thước phim của Lucy và các tác phẩm thị giác của Vik Muniz trong Bãi rác, những người nhặt rác Brazil nhanh chóng trở nên có tính cách: Tião Santos, chủ tịch hiệp hội những người nhặt rác thị thành tại Jardim Gramacho; Zumbim "bác học" - vốn tự học, tự đọc sách từ những cuốn sách bị người khác vứt đi; Suellem, một bà mẹ ở tuổi thiếu niên đã sống và làm việc ở Gramacho từ bé và Magna - người bị cuộc đời xô đẩy đến bãi rác khi quan hệ với chồng không còn êm ấm.
Họ được trả tiền công cho thời gian và công sức khi tham gia phim và trở thành những nhân vật trong tác phẩm của Muniz.
Riêng với bức chân dung của Tião được bán đấu giá, Muniz đã tặng 50.000 USD vào hợp tác xã của những người nhặt rác tại đây. Năm 2009, những người nhặt rác đã dành thời gian đến thăm bảo tàng nghệ thuật ở Rio để thấy chính mình trong các tác phẩm thị giác của Muniz. Họ nói trong đó họ rất đẹp. Ðợt triển lãm của Muniz ở Brazil đã chứng kiến lượng người đến xem kỷ lục dành cho chương trình triển lãm của một cá nhân, chỉ kém mỗi danh họa Picasso.
Tham vọng của Muniz không chỉ có nghệ thuật, không chỉ biến rác thành nghệ thuật, nghệ thuật thành tiền, mà là dùng tiền để biến đổi cuộc sống con người. Khi bộ phim đóng máy, một số người nhặt rác có được việc làm mới.
Muniz và các nhà làm phim đã tặng tổng cộng 276.000 USD cho hợp tác xã để mua xe tải, máy tính, lập thư viện và cấp tiền cho các khóa đào tạo kinh doanh nhỏ, dành rất nhiều thời gian và tiền bạc vào các dự án phi lợi nhuận hầu hết đặt tại Rio de Janeiro, và dự định cung cấp các chương trình giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ em đường phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận