Nhà nghiên cứu - họa sĩ Phan Cẩm Thượng trong thời gian lưu trú tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh - Ảnh: NVCC
Phan Cẩm Thượng kể năm 2008, ông ra tập sách từ sự hối thúc của bạn bè và học trò.
Tập sách tập hợp lại những bài viết đã đăng rải rác trên báo và cả những bài viết ngắn chưa xuất bản. Nhưng không ngờ cuốn sách khi ra mắt lập tức lọt vào "mắt xanh" của bạn đọc, đã liên tục được nối bản với hàng ngàn ấn bản.
Cũng nhờ "hiện tượng lạ" này mà Phan Cẩm Thượng bỗng phát hiện con đường để những tri thức trong nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật có thể đến được với đông đảo công chúng. Đúng 10 năm sau, Như Books và NXB Đà Nẵng xuất bản cuốn sách thứ 2, nhân thể phát hành luôn cuốn thứ nhất, làm thành bộ Nghệ thuật ngày thường 2 cuốn.
Đây có lẽ cũng chính là một thành công đáng kể khi nói về Phan Cẩm Thượng: một trong số ít người có thể đem những nghiên cứu học thuật của mình đến với đông đảo bạn đọc.
Bộ sách tưởng chỉ gồm những "bài viết vặt" - như cách tác giả nói, mà gói hết cả 30 năm miệt mài đi giữa những vùng nhân gian để quan sát, để "thấy được đời sống nhân sinh" mà viết.
Phan Cẩm Thượng kể trong 30 năm đời người của ông, bắt đầu từ những năm 1980, có lẽ thời gian ở nhà của ông cộng lại chắc chỉ được 3 năm, còn lại là thời gian lang thang trên đường, "sống vạ vật đủ các thứ".
Tuy vạ vật đấy, nhưng sau này ông nhận ra điều đó là hay với ông. Bởi đi chậm, ở kỹ (ông từng đi bộ từ thị trấn Nghĩa Lộ vắt qua Cổng Trời của tỉnh Lào Cai và đi xe đạp trên những con đường làng vòng quanh các tỉnh) nên ông thấy được nhiều điều.
Đó là: công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa - ba vấn đề này đã ảnh hưởng toàn diện tới từng gia đình Việt thời kỳ sau chiến tranh, thời kỳ rất lộn xộn giữa cái tốt - cái xấu, gây ra nhiều rạn nứt trong đời sống, nhất là đời sống của nông dân trong các làng xã.
Bằng những bài viết như Biến động văn hóa thập kỷ đầu tiên, Một thoáng Tây Bắc, Nâu sồng nhà quê, Sống thực vật, Sức ép của các làng đô thị... Phan Cẩm Thượng đã dựng lên một đời sống hỗn độn, hoang mang từ thành thị tới nông thôn, khi các giá trị truyền thống bị đứt gãy mạnh mẽ nhưng những giá trị mới chưa kịp hình thành.
Ở những bài viết ấy, người ta thấy rõ lòng xót thương của tác giả cho những mất mát của văn hóa truyền thống, nhưng tuyệt nhiên không có sự cuống cuồng tuyệt vọng hay đổ lỗi.
Điều đặc biệt, đọc những tản văn của Phan Cẩm Thượng trong tập 2 của bộ sách như Đàn chim xao xác, Nhớ một nhà sư, Về những con người, nhiều người hẳn sẽ không nghi ngờ về sự hiện diện của một nhà văn trong nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng.
Những tản văn ấy, tác giả không chỉ dựng lên những chân dung ấn tượng về những con người "vô danh" xung quanh ông, mà còn dựng lên được cả một cuộc đổ vỡ bi tráng của nền văn hóa truyền thống giàu có.
Nghệ thuật ngày thường tập 2 là những bài viết trong giai đoạn từ 2009 - 2014. Tác giả chia sách thành 5 hồi: “Suy nghĩ về nghệ thuật”, “Nghệ sĩ”, “Đời sống ngày thường”, “Văn hóa sử” và “Tản văn nhàn đàm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận