Các nghệ nhân đang hoàn thiện gốm mộc, làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Ban xây dựng hồ sơ gốm Chăm
Đây là nội dung quan trọng trong kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, khai mạc hôm 28-11 tại thủ đô Rabat, Vương quốc Morocco, cũng là lần đầu tiên phía Việt Nam tham gia kể từ khi trúng cử (lần thứ hai sau 10 năm) vào Ủy ban liên chính phủ của Công ước 2003, nhiệm kỳ 2022 - 2027 do Đại hội đồng các quốc gia thành viên công ước bầu ra.
Nghị quyết thông qua việc ghi danh chính thức hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam" (The art of pottery making of Chăm people in Vietnam) đã được ủy ban thông qua và gửi cho đoàn Việt Nam, đồng thời nghi thức thông qua tại phiên họp được diễn ra vào chiều 29-11 giờ địa phương (21h giờ Việt Nam).
Đoàn Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 17 của UNESCO đang diễn ra ở Vương quốc Morocco - Ảnh: Đinh Văn Hạnh gửi về từ Morocco
Theo chương trình nghị sự của phiên họp lần thứ 17 này, có 4 di sản được xem xét để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đại diện của nhân loại, bao gồm:
Đồ gốm Quinchamali và Santa Cruz de Cuca của Chile; Đồ đá Ahlat truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ; Xhubleta: kỹ năng, nghề thủ công và hình thức sử dụng của Albania và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam.
Theo Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam" đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp:
Nghệ thuật làm gốm được tạo tác từ đôi bàn tay của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản, không bàn xoay và không tráng men. Sự thực hành và trao truyền kỹ năng, bí quyết, nghệ thuật tạo hình gắn việc nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; là nơi lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; đặc biệt là nghi lễ liên quan đến vị Tổ nghề gốm Chăm (Po Klaong Can).
Nghi lễ cúng Tổ nghề gốm tại đền thờ Po Klaong Can, khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Ban xây dựng hồ sơ gốm Chăm
Hiện tại số lượng nghệ nhân, người thực hành nghề và người học nghề gốm ở hai làng Chăm còn rất ít.
Bất chấp nhiều nỗ lực bảo vệ và khả năng tồn tại của nghề thủ công làm gốm, đến nay nghề làm gốm vẫn đứng trước những nguy cơ đe dọa bởi những lý do: quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến không gian và cảnh quan của làng nghề truyền thống, vùng đất làm gốm chưa được quy hoạch và chi phí mua nguyên liệu cao, nghệ nhân lành nghề cao tuổi đang lần lượt qua đời và rất ít thế hệ trẻ tiếp nối nghề…
Đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc Việt Nam, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại và tôn trọng sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa theo đúng mục tiêu và tôn chỉ của các công ước của UNESCO mà Việt Nam là thành viên.
Trẻ em làng gốm Bàu Trúc học và thực hành làm gốm - Ảnh: Ban xây dựng hồ sơ gốm Chăm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận