Biểu diễn hát Xẩm tại Rạp Hồng Hà. Ảnh: skda.edu.vn
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Chiếu xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm và biểu diễn "Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu".
Sự kiện diễn ra vào lúc 14 ngày Chủ nhật 18/11/2018 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đại diện BTC cho biết, chương trình sẽ giới thiệu những đặc trưng căn bản của xẩm từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình... nhằm giúp công chúng hiểu và yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Theo đó, các nghệ nhân, diễn giả tham gia chương trình sẽ giới thiệu với công chúng từng chặng đường phát triển của xẩm.
Từ một hình thức đàn hát dân gian, được những người khiếm thị dùng mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông, đến nay hát xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, và là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, dù phát triển đến đâu, hát xẩm vẫn luôn gần gũi với người dân lao động. Tiếng nói trong hát xẩm là tiếng nói của nhân tình thế thái. Tiếng đàn, tiếng hát của xẩm kể những câu chuyện đời với nội dung đa dạng, phong phú đủ cả hỉ, nộ, ái, ố...
Trong chương trình tọa đàm và biểu diễn "Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu" lần này, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng cả một bức tranh lịch sử thông qua nội dung của những bài hát xẩm ở từng thời kỳ: Hát xẩm trước Cách Mạng tháng 8 (1945), hát xẩm từ Cách Mạng tháng 8 đến khi thống nhất đất nước (1975) và hát xẩm đương đại (từ 1975 đến nay).
Chương trình có sự tham gia trao đổi và trình diễn của NSND Xuân Hoạch, người được xem là "trưởng lão" của làng xẩm Việt Nam đương đại, ông có nhiều năm nghiên cứu, kế thừa và phát triển tinh hoa của các thế hệ đi trước. NSND Xuân Hoạch còn được biết đến là người có công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt,... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay.
Bên cạnh đó, chương trình quy tụ nhiều nghệ nhân dân gian là những cây đa, cây đề trong làng xẩm ngày xưa như nghệ nhân Lê Minh Sen (Thanh Hóa), người đã từng ôm cây đàn nhị cùng với giọng hát xẩm của mình ra mặt trận, mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái động viên tình thần các chiến sĩ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa.
Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Hải Phòng) và một số nghệ nhân "ẩn mình" ở các làng quê, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng cùng đến từ chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và một số nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau.
Đại diện BTC cho biết, chương trình lần này còn có một vị khách mời đặc biệt, cụ Nguyễn Thị Lạt, sinh năm 1923 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Khoảng 75 năm về trước cụ đã dắt người anh trai mù loà của mình đi hát xẩm. Trong quá trình hành nghề, cụ từng tiếp xúc với rất nhiều "huyền thoại của làng xẩm" như: Trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình - chồng cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu), Trùm xẩm Nguyễn Văn Tự và Lý Văn An (ở Hải Phòng)... cùng nhiều nghệ nhân xẩm lão làng.
Năm nay đã 96 tuổi, tuy bị nặng tai nhưng cụ vẫn minh mẫn, trí nhớ đặc biệt tốt, vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh, và đặc biệt, cụ cụ Nguyễn Thị Lạt là một kho tư liệu sống các lời ca, các bài hát xẩm.
"Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu" có thể xem như một đại hội không chính thức của làng xẩm Việt Nam đương đại khi có sự tham dự của đại diện nhiều hội, nhóm, Câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm như: Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ,...
Chương trình còn có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân gian, đồng thời mở cửa tự do cho tất cả những khán thính giả quan tâm đến nghệ thuật hát xẩm./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận