02/04/2021 15:40 GMT+7

Nghe theo hướng dẫn nâng cấp lên 4G, mất cả sim lẫn hàng chục triệu

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phát cảnh báo việc nhiều người tiêu dùng mất hàng chục triệu đồng bởi các chiêu thức giả mạo nhà mạng viễn thông, nhắn tin hướng dẫn nâng cấp sim 4G nhằm chiếm đoạt quyền kiểm soát sim.

Nghe theo hướng dẫn nâng cấp lên 4G, mất cả sim lẫn hàng chục triệu - Ảnh 1.

Tin nhắn lừa đảo được người tiêu dùng phản ảnh đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Nguồn: MOIT

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa phát cảnh báo nhiều trường hợp người tiêu dùng bị người lạ mạo danh là nhân viên của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo.

Khi người tiêu dùng thực hiện các yêu cầu, người lừa đảo có thể chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.

Người lừa đảo đã lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi sim 4G của các nhà mạng và đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục như thực hiện đổi sim theo cú pháp, không giao sim trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh, đổi sim ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ…

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chiêu thức lừa đảo này hiện đang xảy ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại TP.HCM, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận đã có nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng từ chiêu thức lừa đảo nêu trên.

Chiêu thức lừa đảo là nạn nhân sẽ nhận được cuộc gọi, có người tự xưng là nhân viên của hãng viễn thông hỗ trợ nâng cấp từ 3G lên 4G cho sim điện thoại. Việc đổi sim miễn phí sẽ được thực hiện qua hướng dẫn, do dịch COVID-19 nên không thể gặp mặt trực tiếp.

Tin tưởng, nạn nhân đã làm theo cú pháp mà "nhân viên nhà mạng" hướng dẫn qua tin nhắn.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thao tác trên để đổi sim 4G, ngay lập tức sim điện thoại của nạn nhân bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa, không thể sử dụng được nữa. Thậm chí, tài khoản thẻ tín dụng cũng thông báo qua email, ghi nhận giao dịch phát sinh trị giá hàng chục triệu đồng.

Để bảo vệ chính mình, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị người tiêu dùng cần phải kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ. Vì người lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Song song đó, cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại nếu thường xuyên sử dụng cho các hoạt động xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử… nhằm giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử… trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất.

Đồng thời, sử dụng các ứng dụng xác thực, khóa thẻ sim ngay khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, bị chiếm đoạt tiền qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Lừa bán xe máy trên mạng xã hội cho hơn 100 người, chiếm gần 3 tỉ đồng tiền "cọc" Lừa bán xe máy trên mạng xã hội cho hơn 100 người, chiếm gần 3 tỉ đồng tiền 'cọc'

TTO - Ngày 23-12, Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) tạm giữ Võ Ngọc Trung, 23 tuổi, trú tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến vụ lừa đảo gần 3 tỉ đồng.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên