Tín dụng đen len lỏi vào tận những khu dân cư và về các làng quê - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Không chỉ ở thành phố, nông thôn ngày nay đi đâu chúng ta cũng thấy trên tường nhà, trụ điện ngoài đường, tờ rơi vương vãi đó đây, trong sân nhà, ngoài đường phố những lời chào mời cho vay có cánh: vay nhanh, gọn, dễ dàng, lãi suất thấp... chỉ cần chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu gia đình.
Đây là các kiểu "quảng cáo" của những người cho vay TDĐ.
Đó là những người lười lao động, có máu "đỏ đen", không ngại lãi cao ngất ngưởng. Đó là những người nghèo, buôn gánh bán bưng, mua đầu chợ bán cuối chợ, ăn buổi sáng phải lo buổi chiều.
Cũng không loại trừ nguyên nhân những người cho vay dùng chiêu dụ người dân, không cần thiết cũng vay vì vay quá dễ.
Cách làm của các nhóm cho vay không mới. Bước đầu ngọt ngào tình cảm. Bước hai kèm theo sự đe dọa. Tiếp sau đó (có thể) tấn công bằng chất thải, nước sơn, cảnh cáo bằng bạo lực, làm tổn hại đến sức khỏe.
Một thực trạng ở thôn quê là nông dân nghèo, có ít đất canh tác, không đủ ăn, lúc bí quá dù biết phải vay với lãi suất từ 10%, thậm chí 20-30% mà vẫn phải vay.
Nhiều hộ nông dân ở nông thôn có 2-3 công ruộng mà phải lo "cơm áo gạo tiền" cả một gia đình 3-4 người con thì không dễ chút nào. Cảnh ăn trước trả sau là chuyện "thường ngày ở huyện" đối với họ.
Nông dân nghèo thường đi vay dài hạn ở ngân hàng với lãi suất ưu đãi để làm nông nghiệp, nhưng họ lại không sử dụng vốn vay đúng mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi con ăn học. Nhiều khi đáo hạn, không có tiền trả cho ngân hàng cả vốn lẫn lãi.
Khi TDĐ cho vay dễ dàng trước mắt, họ đành "đưa chân" với hi vọng "trúng mùa được giá" sẽ giải quyết phần nào món nợ vay nóng chết người theo từng mùa vụ, từng năm, chờ đến khi... có thể trả nợ.
Trúng hay mất mùa, món nợ vẫn tiếp tục quay vòng, có khi đến đỉnh điểm mất khả năng chi trả, mà con cái họ vẫn chưa có việc làm, gia đình chưa có nguồn thu thêm... thì bị nợ vây, mất khả năng chi trả là chuyện phải đến.
Ở quê, có trường hợp vay chăn nuôi, trồng cây trái, vay ngân hàng, mục đích rõ ràng, đầu tư đúng chỗ.
Nhưng chuyện không may xảy đến, heo giảm giá chẳng hạn, ngân hàng không ưu tiên cho vay tiếp. Người vay biết làm sao nếu không "nhờ" vào TDĐ? Đâu phải cứ thấy tiền là người dân "nhắm mắt nhắm mũi" vay để phải ra cớ sự không mong muốn đâu!
Câu chuyện không có công ăn việc làm, chăn nuôi, trồng trọt thất bát, vỡ nợ, mất vốn là chuyện không lạ ở quê.
Bên cạnh việc người dân cẩn trọng hơn với vốn vay TDĐ, cần chính sách của Nhà nước tháo gỡ cái khó "nuôi con gì, trồng cây gì" và trúng mùa mất giá, những cái khó đeo đẳng người dân quê bao năm qua.
Và cần nhất là phải mạnh tay xử lý TDĐ với việc đưa nhiều người dân khốn khó vào tròng với lãi suất "cắt cổ" hoặc xiết nhà, xiết ruộng vườn của dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận