NSƯT tập tiết mục thăng bằng trên con lăn cho học trò - Ảnh: NVCC
Đấy là câu chuyện của NSƯT Lê Văn Thể, vốn là diễn viên Đoàn Nhân dân trung ương, sau này là Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Ở tuổi gần 80 này mà vẫn say sưa với học trò như thế, trong ngành xiếc Việt Nam có lẽ chỉ một mình ông
NSƯT CÁT NGỌC THANH
Pha cà phê... đợi trò
"Ông ơi, cà phê ạ..." - ngày mới của ông Thể suốt 16 năm gắn bó với học sinh trường xiếc thường được bắt đầu bằng lời chào ấy của đám học trò.
Chuyện đám học trò hay vòi cà phê sáng cũng tại ông cả. 7h30 mới bắt đầu buổi tập nhưng ngày nào NSƯT Lê Văn Thể cũng có mặt ở trường từ trước 7h. Ông đến sớm để chuẩn bị đạo cụ và pha cà phê... đợi trò.
Dù đã gần tuổi 80 nhưng NSƯT Lê Văn Thể vẫn sẵn sàng làm trụ cho học sinh tập luyện - Video: NVCC
Bắt đầu từ những tách cà phê ấm nồng như thế, thầy trò tíu tít bước vào những tiết mục liên quan đến con lăn (vẫn thường được gọi là tiết mục "gia truyền" của ông Thể) như thăng bằng trên con lăn, xếp cốc trên con lăn, thăng bằng cốc trên con lăn ổ bi quay, thăng bằng trên ống, tạo hình trên xà đơn hai tầng, tạo hình trên đu, đu cánh buồm...
Quá tuổi cổ lai hi nhưng động tác thị phạm của thầy Thể vẫn luôn chính xác, gọn ghẽ và đẹp. Những học trò xuất sắc của ông bảo rằng họ phải chạy theo dài mà vẫn không kịp.
Với học sinh năm thứ nhất, ông còn quỳ gối hoặc nằm dài dưới sàn làm trụ cho học trò thăng bằng và trồng cây chuối trên đôi tay của mình.
Thậm chí có lần cùng trò biểu diễn ở Quảng Ninh chẳng may gặp mưa dông, trụ đế bị đổ, thế là ông lao cả người vào thay thế để bốn học trò thỏa sức sáng tạo. Lần ấy về đầu gối ông bị dập rồi đau đến tận bây giờ.
NSƯT Lê Văn Thể thị phạm cho học sinh khi tập tiết mục tạo hình trên xà đơn - Ảnh: NVCC
"Có khó khăn gì cứ gọi ông!..."
Người học trò nào cũng bảo được ông Thể huấn luyện là điều vô cùng may mắn. Dù nghiêm khắc nhưng ông không bao giờ mắng. Ông chỉ kiên trì bằng mọi giá giúp trò vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu rồi bước vào những đam mê và cùng thầy tập thuần thục.
Không chỉ thế, biết học sinh không có tiền, ông đều lo hết đạo cụ, hoặc tìm cách tẩm bổ cho trò lúc tập luyện bằng toàn bộ số tiền lương ông được nhận từ trường.
Luôn gọi người thầy này là ông một cách thân thương, Thu Trang - cô học trò được NSƯT Lê Văn Thể huấn luyện tiết mục thăng bằng kiếm trên đu trong suốt ba năm - nhớ mãi hôm cô sắp thi tốt nghiệp thì ông bị tai biến do ngồi dưới nắng hè suốt hai giờ trên sân Mỹ Đình tuốt dây cáp chuẩn bị cho tiết mục bay trên không.
Vậy nhưng vừa tạm ổn, ông đã trốn bệnh viện để về tập cho Trang kịp bước vào buổi thi.
Tiết mục tạo hình trên xà đơn giành giải đồng tại liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 11 tại Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: NVCC
Phương Thảo - cô học trò được ông phát hiện khả năng giỏi thăng bằng trên cao và đã dạy thêm cho Thảo tiết mục tạo hình trên xà đơn nữ (tiết mục giành huy chương đồng tại Liên hoan xiếc quốc tế Vũ Hán lần thứ 11, Hồ Bắc, Trung Quốc) - nhớ lại:
"Giữa chúng tôi và ông không hề có khoảng cách của thầy và trò mà là tình thân giữa ông và cháu nên chúng tôi đều gọi thầy Thể là ông. Ở ông, nghiêm khắc có, động viên có, vỗ về có, hài hước có... với mong ước duy nhất là học trò trưởng thành.
Như lần thấy tôi sợ cắn răng chuôi kiếm khi thăng bằng trên đu, ông đã kiên trì suốt hơn hai tháng để hướng dẫn cho tôi. Ông luôn nói với tôi: Đừng sợ, con sẽ làm được mà! Nếu có khó khăn gì cứ gọi ông!...".
Với ông, chăm học trò là chuyện đương nhiên vì học trò chính là linh hồn của mình.
Đôi khi trễ xe buýt, NSƯT Lê Văn Thể vẫn phóng mô-tô đến trường cho kịp giờ - Ảnh: NVCC
Có nhiều học sinh do thầy Thể huấn luyện đã và đang là những tài năng của nghệ thuật xiếc Việt Nam. Vậy nên, từ những lặng thầm cống hiến của ông, tôi mong rằng ông sớm được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
NSND VŨ NGOẠN HỢP
Bù vào thành công, cũng như bao nghệ sĩ xiếc, chuyện đổ máu trên sàn tập hay bị vôi hóa cột sống cổ và lưng thì ông Thể không tránh khỏi.
Nhớ nhất là khi tập tiết mục đu thể thao (xoay nghiêng bằng vai mà đến giờ vẫn chưa có ai làm được) đã được ông kỳ công tập chui dưới gốc đa vùng tản cư Bắc Thái. Lúc mới tập xoay, vai ông bị sái nên phải tiêm thuốc giảm đau suốt sáu tháng. Đau đớn là vậy nhưng ông vẫn không bỏ cuộc và tập thành công. Cuối cùng tiết mục đu thể thao đã được ông biểu diễn trong nước và cả ở Liên Xô cùng bảy nước Đông Âu.
Gần như năm nào ông cũng sáng tạo, dàn dựng và huấn luyện thành công tiết mục mới nên đến giờ ông có trong tay đến gần 50 tiết mục, trong đó có hơn mười tiết mục giành giải cao tại liên hoan xiếc trong nước và quốc tế.
Làm việc để thỏa "cơn nghiện" xiếc
Vừa lau những giọt mồ hôi sau giờ tập, ông Thể vừa cười thật giòn và bảo: "Đời tôi mắc nghiện hai thứ: xiếc và thể hình. Chắc chẳng bao giờ cai được, trừ phi nhắm mắt xuôi tay...".
NSƯT Lê Văn Thể quê ở Huế nhưng vốn được sinh ra và lớn lên tại Thái Lan khi cha mẹ sang đó định cư.
Lúc tuổi 13, 14 cậu thiếu niên Thể đã tự tập hình thể và là một trong những "người mẫu" có tiếng ở Udon.
Ngày ấy cậu cũng là tay nhiếp ảnh tài hoa. Thế nên, lúc theo cha mẹ trở về Hà Nội sinh sống, ban đầu Lê Văn Thể đã định mở hiệu nhiếp ảnh sinh nhai. Nhưng cuối cùng niềm yêu thích hơn vẫn là được tập thể hình nên cậu lại sang thi tuyển vào lớp xiếc kèm cặp đầu tiên hệ hai năm (1961-1963) của Đoàn xiếc Nhân dân trung ương (nay là Liên đoàn Xiếc Việt Nam) và trúng tuyển.
Đến thời kỳ đỉnh cao, giữa những năm 1970 Lê Văn Thể là diễn viên duy nhất của xiếc Việt Nam làm mưa làm gió trên sân khấu xiếc khi sở hữu những chín tiết mục với đủ thể loại. Trong đó, có những tiết mục ông là người đầu tiên xây dựng thành công như con lăn hai chiều, hất bát đĩa và thìa trên đầu hay những tiết mục đạt trình độ quốc tế mà đến giờ không phải nghệ sĩ nào cũng thực hiện được như: đu thể thao, đua quay, trụ ghế trên con lăn...
Rời sàn diễn vào cuối năm 1984 đến nay, nghệ sĩ Lê Văn Thể lại quay sang huấn luyện cho đồng nghiệp, lớp diễn viên trẻ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn xiếc Hà Nội và học sinh xiếc Việt Nam, Lào.
NSƯT Lê Văn Thể tranh thủ tập ngày nghỉ luyện tiết mục Thăng bằng trên con lăn cho học sinh Nguyễn Văn Tuân - Ảnh: NVCC
Gọi đàn anh Văn Thể là thầy, dù chỉ một lần được ông huấn luyện cho tiết mục "Võng Trường Sơn" (năm 1986) - tiết mục được huy chương bạc tại Liên hoan xiếc toàn quốc năm 1987 và đi biểu diễn ở Pháp, nghệ sĩ xiếc Ngọc Hảo kể: "Với thầy Thể, bất cứ khi nào ông nhìn thấy ai có khả năng và yêu nghề là ông lao vào giúp hết sức, dốc toàn tâm toàn lực, kể cả bây giờ đã gần bước sang tuổi 80. Theo tôi, ông là một nghệ sĩ, một người thầy hiếm có".
Đã 78 tuổi đời nhưng đến giờ NSƯT Lê Văn Thể vẫn cháy bỏng cùng xiếc như thế. Hằng ngày ông chăm chỉ tập bẻ cổ, cách ngày ông vẫn nâng tạ 60kg để đảm bảo sức khỏe tốt nhất rồi lên xe buýt đến với học trò. Thi thoảng bị trễ xe buýt, ông lại phóng xe máy để kịp giờ...
Với ông, làm việc để thỏa "cơn nghiện" xiếc của mình chứ không đợi để được đền đáp...
NSƯT Lê Văn Thể và NSƯT Tâm Chính thời trẻ - Ảnh: NVCC
Mối tình từ xiếc
NSƯT Lê Văn Thể chính là "phu quân" của nữ nghệ sĩ xiếc nổi tiếng: NSND Tâm Chính. Gặp nhau và bén duyên khi hai người cùng làm việc tại Đoàn xiếc Nhân dân trung ương để rồi cùng nhau cháy bỏng với xiếc trong suốt hơn 40 năm, đầy chông gai mà cũng thật ngọt ngào.
Cô con gái Lê Kim Cương tiếp nối mẹ khi liên tiếp giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với tiết mục "Cô hàng giải khát" - tiết mục tủ của NSND Tâm Chính; con dâu là cố NSƯT Nguyễn Hồng Hạnh đoạt hai giải vàng và một giải bạc quốc tế; con trai Lê Quang Tuyến là kỹ sư âm thanh ánh sáng, hiện nay là phó trưởng Rạp Xiếc trung ương.
Trong căn nhà ấm áp của đại gia đình xiếc, hướng ánh mắt đầy yêu thương tới chồng, NSND Tâm Chính nói: "Thành công của tôi và các con luôn có sự hỗ trợ âm thầm phía sau của anh Thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận