04/03/2021 13:21 GMT+7

Nghệ sĩ Trần Hạnh - Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ

MI LY
MI LY

TTO - Khi nghệ sĩ Trần Hạnh đóng Nguyễn Trãi, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ khen ông có 'phong thái hào hoa của người Hà Nội'. Về sau, người nghệ sĩ ấy lại gắn bó với vai người nông dân có số phận bi thương, với gương mặt gầy gò, khắc khổ.

Nghệ sĩ Trần Hạnh - Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ - Ảnh 1.

Năm 2019, ở tuổi 90, người nghệ sĩ già Trần Hạnh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong tiếng vỗ tay không ngớt của đồng nghiệp - Ảnh: TTXVN

Nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời vào 2h50 sáng 4-3 bên gia đình. Ông ra đi thanh thản, bằng lòng với cuộc sống trong những năm cuối đời. Trong ký ức của bạn bè nghệ sĩ, Trần Hạnh là người nghệ sĩ đích thực, yêu nghề, tự trọng và không màng danh lợi trong hơn 40 năm theo nghiệp diễn.

Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú không cần làm hồ sơ. Vào năm 2019, ông được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, sau khi được các nghệ sĩ và con cháu thuyết phục làm hồ sơ.

'Mặt tớ khổ nên đừng giao vai giàu sang'

Sinh thời, nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ: "Có những bài báo gọi tôi là ông nông dân sống giữa Hà Nội. Tôi mừng lắm, vì vun vén được một hình tượng về nông thôn, người nông dân như thế là đáng quý lắm chứ. Không phải ai cũng làm được đâu. Người ta xem phim, xem truyền hình cứ nghĩ là tôi vất vả. Nhưng không phải vậy đâu. Tôi sống khỏe mạnh, vui vẻ".

Trong khi đó, nghệ sĩ Trần Hạnh lại là người sinh ra giữa Hà Nội, là chàng trai phố cổ (ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc), có "phong thái hào hoa của người Hà Nội" như lời nhận xét quý giá của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ trong cuốn Người Hà Nội. Đó là lời khen tặng dành cho vai diễn Nguyễn Trãi, một trong những vai được chính nghệ sĩ Trần Hạnh yêu mến nhất, trong vở kịch Lam Sơn tụ nghĩa.

Nghệ sĩ Trần Hạnh - Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Trần Hạnh đóng Nguyễn Trãi trong vở 'Lam Sơn tụ nghĩa', được nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ khen 'có phong thái hào hoa của người Hà Nội'

Chỉ là, là một diễn viên giỏi và hiểu nghề, Trần Hạnh nhận ra thế mạnh của mình nằm ở những vai khắc khổ, có số phận.

Ngoài 3 lần đoạt huy chương vàng trong các vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, giải nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà, nghệ sĩ Trần Hạnh còn có giải thưởng vô giá là tình yêu thương của khán giả.

Ông đóng hàng trăm vai diễn trong điện ảnh và truyền hình, có: Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổ, Người vớt củi, Cuốn sổ ghi đời, Cha cõng con, Bão qua làng.

Trong Chớp mắt cùng số phận, người nông dân Trần Hạnh hướng đôi mắt nặng trĩu nỗi buồn, mặc chiếc áo tơi lội ruộng, nhìn con trai vừa đi bộ đội về và nói: "Mẹ con đã mất hơn một năm rồi". Điểm đáng nhớ của lớp diễn viên thế hệ ông chính là đôi mắt biết nói, ẩn chứa tất cả trong một nét diễn.

Một trong những vai diễn đầu tiên trong phim ảnh của Trần Hạnh là vai chính - ông Khiển trong phim Người cầu may. Ông vào vai một ông già vì mơ trúng xổ số độc đắc nên hết sạch tiền, mất cả xe đạp, bị vợ đuổi khỏi nhà, phải lang thang bơm xe đạp kiếm sống.

Khi ông qua đời hôm 4-3, nhiều khán giả nhớ đến ông vì hình ảnh "khắc khổ nhất màn ảnh Việt". Danh hiệu kỳ lạ đó lại là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ đã suốt đời gắn bó với những vai chính diện, khổ cực nhưng trong sạch và thiện lương.

Nghệ sĩ Trần Hạnh - Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Trần Hạnh trong phim 'Chớp mắt cùng số phận'

Nói với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Khải Hưng - người từng hợp tác với Trần Hạnh từ khi là một đạo diễn trẻ - nhớ lại: "Nghệ sĩ Trần Hạnh là một diễn viên không nề hà bất cứ dạng vai nào, nhưng ông thường đặt điều kiện: Mặt tớ luôn luôn khổ nên cho tớ vào vai nào khổ khổ, đừng giàu sang gì cả".

Từ những bộ phim như Cuộc sống bên tôi, Cuốn sổ ghi đời, Bến đợi, nghệ sĩ Trần Hạnh luôn vui vẻ nhận lời dù là vai chính hay phụ. Phim đầu tiên Khải Hưng làm việc với Trần Hạnh là Bến đợi (1988).

Đạo diễn Khải Hưng nói: "Lúc đó tôi mới ra trường, ông đã là diễn viên già đời. Ông dạy bảo chúng tôi khá nhiều. Ông là người diễn viên rất hiểu nhân vật, rất hiểu kịch bản, thường góp ý với các đạo diễn, nhất là đạo diễn trẻ.

Với chúng tôi, đó là những lời chỉ bảo rất quý báu, chân thành. Ông không đao to búa lớn, luôn nở nụ cười dễ thương và xưng "tớ" khi trò chuyện. Những góp ý của ông cho vai diễn cũng rất đúng. Thậm chí, ông còn tự đề xuất vai nào mới hợp với mình".

Cảm ơn Trần Hạnh, vì niềm tin về thiện lương ở đời

Trên trang cá nhân, nhà báo Vũ Mạnh Cường gọi Trần Hạnh là "người tốt của màn ảnh Việt" và viết: "Trên màn ảnh hay các vở diễn trên sân khấu, ông toàn đóng những vai khổ sở, những người chịu thiệt thòi, những số phận bất hạnh. Đa phần các vai diễn ấy đều là người tốt. Gương mặt của ông khó mà đóng được vai sướng, vai ác.

Nét mặt khắc khổ, nhưng với ánh mắt sáng, giọng nói vang và ấm áp, những vai diễn người tốt của ông luôn đem đến cho khán giả những cảm xúc yên lành".

Nghệ sĩ Trần Hạnh - Người Hà Nội hào hoa gắn với vai nông dân khắc khổ - Ảnh 4.

Trần Hạnh, người nghệ sĩ có phong thái hào hoa của người Hà Nội nhưng ghi dấu ấn với những vai diễn nông dân

Trong những thước phim tài liệu, phóng sự lúc Trần Hạnh về già, người ta thường thấy ông ngồi ở cửa hàng của người con dâu trên phố Trần Quý Cáp ồn ã của Hà Nội. Có lúc ông đi lại, trò chuyện với người quen xung quanh, có những người rất mê những vai diễn của ông.

Khán giả thường đóng đinh người nghệ sĩ với vai diễn nổi tiếng của họ, cho rằng họ chính là nhân vật. Nhưng với Trần Hạnh, điều này có lẽ hợp lý, bởi chính ông đã lựa chọn cho mình những nhân vật đau khổ nhưng thiện lành.

Những vai diễn của ông, dù cực khổ khiến người ta rơi nước mắt nhưng đồng thời mang đến thứ cảm xúc rất trong lành. Đó là niềm tin "vẫn còn những người tốt như thế ở đời".

"Những vai diễn đó là chất người của Trần Hạnh - đạo diễn Khải Hưng nói - Mỗi diễn viên đều có mặt mạnh, mặt yếu. Trần Hạnh biết được thế mạnh của mình và khai thác sâu thế mạnh đó. Lựa chọn này rất chuẩn xác".

Hiện tại, không còn nhiều diễn viên có gương mặt, dáng dấp khắc khổ và nông dân trên màn ảnh Việt. Sự ra đi của Trần Hạnh và những nghệ sĩ cùng thế hệ ngày càng tô đậm thêm sự thiếu vắng này. Đạo diễn Khải Hưng bày tỏ sự tiếc nuối khi lớp trẻ chưa có người thay thế những chân dung như Trần Hạnh.

chi trung

Nghệ sĩ Chí Trung đến thăm nghệ sĩ Trần Hạnh vào năm 2016 - Ảnh: FB NHÂN VẬT

"Chú Trần Hạnh ơi!

Không lẽ là nghệ sĩ cứ phải chịu cảnh nghèo vào cuối đời sao? Cứ phải đi chiếc xe máy cà tàng con gái tặng cho đã 12 năm có lẻ?

Và châm lửa thâm trầm đốt hai bao thuốc lá rẻ tiền để nuốt vào lòng những mặn nhạt cuộc đời, để rồi lặng lẽ cười hiền khi cháu hỏi về những công danh phẩm hàm mà không bao giờ có được khi với lòng tự trọng, người nghệ sĩ già đó không cất lời hỏi xin?" - nghệ sĩ Chí Trung viết bức tâm thư vào năm 2016, sau khi đến thăm khi nghệ sĩ Trần Hạnh.

Khi đó, bức ảnh nghệ sĩ Trần Hạnh đi xe buýt được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đến thăm và mong ông nhận được những danh hiệu, quyền lợi xứng đáng hơn.

NSND Trần Hạnh - ông già đau khổ, thiện lương của màn ảnh Việt - qua đời ở tuổi 92 NSND Trần Hạnh - ông già đau khổ, thiện lương của màn ảnh Việt - qua đời ở tuổi 92

TTO - Tin từ gia đình NSND Trần Hạnh cho biết, người nghệ sĩ 'chuyên trị' vai đau khổ của màn ảnh Việt, vừa qua đời hôm nay, 4-3. Ông hưởng thọ 92 tuổi. Chị Hồng - con dâu trưởng của nghệ sĩ Trần Hạnh - cho biết ông mất lúc 2h50.


MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên