Tang lễ của cố nghệ sĩ Thụy Vân được tổ chức tại nhà riêng, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Thụy Vân và vai diễn để đời trong phim Nổi gió
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - chia sẻ tin buồn của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Anh em ngành điện ảnh vừa tưng bừng tổ chức kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng hôm 15-3 thì hôm nay nhận tin buồn về nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh cách mạng, không tránh khỏi nhiều cảm xúc, dù biết bà bệnh đã lâu.
Thụy Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thụy Vân, sinh năm 1940, tại Ninh Bình.
Năm 1959, bà theo học lớp diễn viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh, cùng thời với các nghệ sĩ như Trà Giang, Lâm Tới, Trần Phương...
Năm 1966, bà đóng chính trong phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành, chuyển thể từ vở kịch của nhà văn Đào Hồng Cẩm.
Trong phim, bà vào vai nhân vật Vân - một nữ chiến sĩ cách mạng, có em trai (Thế Anh đóng) tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Trong phim, bà phải chịu nhiều cảnh tra tấn, đánh đập... Đặc biệt cảnh nhân vật bị quấn băng gạc, tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi bị châm lửa đốt đã trở thành một cảnh phim kinh điển về tội ác chiến tranh cũng như lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng.
Để vào vai Vân phim Nổi gió, Thụy Vân phải về Nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) để học lối sống của người miền Nam tập kết ra Bắc. Bà học cách chèo thuyền, đi cầu khỉ...
Vai diễn đã tạo nên tên tuổi của Thụy Vân, đưa bà trở thành diễn viên hàng đầu của điện ảnh cách mạng.
Từ bộ phim thành công này, bà còn tham gia nhiều bộ phim như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Rừng xà nu, Sao tháng Tám, Hai bà mẹ, Đứa con nuôi...
Năm 1985, vai diễn trong phim Xa và gần giúp Thụy Vân đoạt giải Bông sen vàng cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam.
Nhưng vai Vân trong Nổi gió vẫn là bộ phim xuất sắc nhất của bà và được nhiều người nhớ tới hơn cả. Bộ phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức năm 1970.
Không chỉ dừng lại với vai trò diễn viên, năm 1988 bà còn làm đạo diễn phim Cơn lốc đen. Bộ phim nhận giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam 1988.
Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2019.
Họ đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới về người phụ nữ Việt Nam
Là người gắn bó và làm nhiều phim tài liệu về các nghệ sĩ điện ảnh gạo gội, đạo diễn Nguyễn Thước rất xúc động trước những đóng góp của thế hệ những nghệ sĩ như bà Thụy Vân cho điện ảnh Việt Nam.
Cũng như những đóng góp của thế hệ vàng này cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, khi nghệ thuật trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, còn người nghệ sĩ trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
"Trong cuộc phỏng vấn đạo diễn Hải Ninh, có một câu ông nói mà tôi nhớ mãi: "Những ngày ấy chúng tôi làm phim không ai nghĩ đến tiền…".
Lúc phỏng vấn tôi không cảm giác gì lắm nhưng khi thực hiện bộ phim về Nghệ sĩ nhân dân, diễn viên Trà Giang cũng như nhìn lại sự nghiệp của những diễn viên như Thụy Vân thì tôi mới hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu nói đó.
Có thể nói giai đoạn đó điện ảnh Việt Nam đã có một thế hệ vàng những Thụy Vân, Trà Giang, Lâm Tới, Trần Phương… Họ đã lớn lên trong dòng chảy của điện ảnh cách mạng đó.
Lớp diễn viên đầu tiên như Thụy Vân, Trà Giang, Tuệ Minh, Ngọc Lan, Minh Đức… đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới về người phụ nữ Việt Nam", đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận