Nghệ sĩ Thùy Lan từng lồng tiếng cho nhiều nữ diễn viên nổi tiếng như: Ánh Hoa, Thanh Hiền, Trà Giang.
Bà vừa lồng tiếng vai bà ngoại trong hai phim chiếu rạp Việt được nhiều khán giả yêu thích. Đó là bà Mengju phim Gia tài của ngoại (phim Thái Lan) và bà Hoài Niệm trong phim Insides Out 2 (phim Mỹ).
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Thùy Lan xưng "má". Bà bảo hầu như ai gặp cũng gọi bà là "má Lan", riết rồi thành quen. Cũng không biết tại sao lại vậy, có lẽ vì ở cạnh "má Lan", người ta luôn có cảm giác ấm áp.
Lồng tiếng một câu cũng được, có sao!
Năm 1971, Thùy Lan vừa thi xong tú tài. Thấy người ta tuyển ca sĩ, bà đi thi, hát bài Mưa trên phố Huế được hạng nhất. Vậy rồi, bà bắt đầu đi hát.
Sau 1975, bà hoạt động ở Đoàn kịch nói Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, hát chung với vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm.
Lâu lâu, bà cũng sang hát các suất tăng cường của Đoàn kịch nói Kim Cương, Đoàn múa Hương miền Nam.
Nếu đa phần các diễn viên lồng tiếng đều trải qua việc đào tạo chính quy thì bà Thùy Lan lại là tay ngang chính hiệu. Những cơ hội lồng tiếng cho phim đến với bà như một cái duyên sắp đặt từ trước.
Là một lần tình cờ, đạo diễn lồng tiếng Hồng Phúc đi coi hát, thấy Thùy Lan ra giới thiệu chương trình.
Vì ấn tượng nên ông đến gặp bà, hỏi: "Em có biết chuyển âm phim không? Ngày mai lên gặp anh tại phòng thu ở Thi Sách để thử vai".
Vai đầu tiên để bà thử là cô cave trong phim Con thú tật nguyền của đạo diễn Hồ Quang Minh.
"Má cầm kịch bản đọc sao cho khớp, thể hiện một chút nũng nịu cho hợp tính cách nhân vật, rồi được chọn luôn", bà kể.
Rồi bà lại có cơ hội lồng tiếng cho vai bà già người dân tộc trong phim Đất nước đứng lên của đạo diễn Lê Đức Tiến. Đến phim thứ ba là Bụi hồng thì bà được chọn lồng tiếng cho nhân vật chính Diệu Thuần của nghệ sĩ Phương Dung.
Riêng phim truyền hình Đất phương Nam, nghệ sĩ Phương Thanh được giao lồng tiếng cho vai của Ánh Hoa. "Nhưng hôm đó, Thanh đi mổ mắt.
Đoàn phim chọn bao nhiêu người lồng tiếng cũng chưa được nên anh Hồng Phúc bảo "thôi, kêu đại Thùy Lan đi!". May mắn sao mà hợp nên má vô vai luôn", bà nhớ lại. Sau lần thể hiện đó, bà Thùy Lan thường được chọn lồng tiếng cho các vai lớn tuổi. Thời điểm ấy, bà gần 40 tuổi.
Khác với bây giờ có công nghệ tân tiến hơn, hồi xưa, khi thu cho phim nhựa, khoảng 4, 5 người đứng trước micro, nhìn màn hình để thu. Nếu được xếp ở vị trí sau mà nói sai thì tất cả phải làm lại từ đầu.
Khi mới vào nghề, còn nhiều non nớt, đạo diễn Hồng Phúc là người luôn động viên và chỉ dạy bà. Nghệ sĩ Thùy Lan cũng không buồn khi hầu như khán giả ít biết đến mặt bởi bà nghĩ lồng tiếng là nghề "đằng sau gương mặt".
Hỏi bà Thùy Lan: "Theo nghề lồng tiếng, để thấy trọn vẹn và hạnh phúc có khó không?", bà cười xòa, nói: "Chỉ cần nghe điện thoại, có ai gọi đi diễn là má Lan mừng rồi con ơi!
Không kể vai lớn, nhỏ, thậm chí nói một câu cũng không sao, chỉ cần má còn có vai, khán giả còn thương giọng của má là được. Má chỉ nghĩ lồng tiếng sao để cho vai diễn hay nhất, đạo diễn hài lòng, rồi cứ làm thế thôi, chứ không nghĩ nhiều về cát sê".
Tình nghệ sĩ, tình vợ chồng, tình khán giả
Bà Thùy Lan có cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn, người sáng tác bài hát Ngõ vào đời đã đi vào ký ức của bao thế hệ người Việt qua lời hát ru quen thuộc:
"Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ, năm canh dài thức đủ năm canh". Ông Sơn hơn bà Thùy Lan 15 tuổi. Lúc mới đi hát thì bà đã gặp ông. Năm 1977, hai người kết hôn.
Cùng làm nghệ thuật, giữa bà và ông xã có sự đồng điệu nhất định. Trong cuộc sống, nhiều khi không tán đồng ý kiến với chồng, bà nói: "Anh Sơn! Anh nói vậy là không phải nghe anh!", chỉ vậy thôi, rồi hai người lại vui vẻ.
Đôi khi ông viết nhạc thì bà hát tác phẩm của ông. Bà đi lồng tiếng thì ông chụp hình, ủng hộ tinh thần cho bà. Bà Thùy Lan bảo bà luôn trân quý cái tình giữa những người nghệ sĩ.
Cát sê của nghề lồng tiếng không cao. Bà Lan kể có khi tiền cát sê cũng không đủ trả cho hai chuyến xe ôm đi đi về về. Nhưng cũng có nhiều người thương, họ đến tận nơi chở bà đi làm hoặc kêu xe rồi trả tiền cho bà.
Bà tâm sự: "Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi rất thương má nên có vai nào hợp thì đều kêu tham gia. Khi làm việc, Đạt Phi cũng giúp đỡ, góp ý để giọng lồng được tốt hơn".
Rồi thời chưa làm nghề lồng tiếng, bà cũng có thời gian đóng phim ở Đài truyền hình Đắc Lộ chung với nghệ sĩ Thành Lộc, Bạch Lê - chị gái của Thành Lộc. "Má thân với Bạch Lê, Bạch Lý nên thường qua nhà thăm hỏi.
Hồi đó, Thành Tâm (nghệ danh cũ của Thành Lộc - PV) còn nhỏ, hay ngồi trong lòng má chơi. Sau này cũng ít gặp. Một dạo, đi xem kịch gặp lại thì cậu ấy mừng lắm. Má thấy mình vẫn còn được thương, được nhớ đến nên vui chứ", bà nhớ lại.
Gần đây, có một đạo diễn nhờ bà tham gia chương trình từ thiện gây quỹ cho trẻ mồ côi, chưa cần biết sẽ làm gì, bà đồng ý ngay.
Bà vui vẻ kể: "Tụi nó nhờ má hát bài Còn tuổi nào cho em. Má lên hát, vừa dứt câu đầu, thấy khán giả vỗ tay rần rần mà trong lòng mừng rơn bởi vừa giúp được cho người cần giúp mà còn được hát trở lại".
Bà Thùy Lan tâm tình với bà, chỉ cần có ít tiền trong túi, lương tâm không dối gạt ai, còn được làm nghệ thuật phục vụ khán giả, vậy là đủ!
Nghệ sĩ Thùy Lan sinh năm 1951. Bà thể hiện được nhiều loại giọng khác nhau như: giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, giọng Thượng...
Bà lồng tiếng cho rất nhiều phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng Việt Nam và phim hoạt hình nước ngoài.
Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến phim Trừng phạt (lồng tiếng cho nghệ sĩ Trà Giang), Tiếng sét trong mưa (lồng tiếng cho nghệ sĩ Thanh Hiền), Đất phương Nam (lồng tiếng cho nghệ sĩ Ánh Hoa).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận