Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với diễn viên Thanh Quý.
"Tôi thương bà Tình, thương lắm"
* Cái tên Thanh Quý quá quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ. Đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau, nhưng dường như chị diễn rất duyên những vai nghèo khổ?
- Bạn biết không, tôi từng ao ước được hóa thân vào cuộc sống của những người lao động, họ bỏ quê bỏ nhà, buôn gánh bán bưng hằng ngày mưu sinh nơi phố thị...
Tôi chưa diễn vai dạng này bao giờ. Vì vậy tôi hạnh phúc khi được hóa thân vào vai bà Tình trong Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Trailer phim Cuộc đời vẫn đẹp sao
Nhân vật người lớn tuổi trong phim truyền hình không có nhiều chuyện khai thác. Nhưng tôi may mắn được tham gia hai phim mà nhân vật đều là những người phụ nữ có nhiều câu chuyện để kể.
Hình ảnh bà mẹ Nga béo trong Thương ngày nắng về lam lũ tần tảo nhưng vẫn là người được làm chủ cuộc sống của mình, có mái nhà để che chở cho con, cho cháu, cho em. Còn bà Tình trong Cuộc đời vẫn đẹp sao mang nỗi đau khác, buồn hơn.
Đó là phận người nghèo khổ, không có lấy một mái nhà che mưa che nắng, không có người thân. Chỉ còn mỗi cô con dâu để yêu thương thì lại xảy ra bi kịch hiểu lầm nhau...
Tôi thương bà Tình, thương lắm. Có lẽ tình thương của người diễn viên với nhân vật đẩy cảm xúc lên rất nhiều.
* Trên các diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả cũng bảo rất thương nhân vật bà Tình. Họ khen chị diễn như thật. Chị có bí quyết gì không?
- Ồ vậy à, tôi không sử dụng Facebook nên không biết được mọi người nhận xét về tôi như thế nào.
Tôi quan sát những người phụ nữ xung quanh cuộc đời mình, đọc báo, xem phim... Tôi từng xem phóng sự bối cảnh quay khu nhà trọ ở Long Biên, nắng nóng quá họ phải lấy chăn phủ lên mái nhà, bơm nước lên cho đỡ nóng. Họ sống tối tăm ẩm thấp, mưu sinh duy trì cuộc sống.
Tôi đã xem phóng sự về những phụ nữ sống vùng biển đau khổ như thế nào khi người chồng, người con của họ đi biển gặp phải dông bão không trở về.
Những câu chuyện đó thật sự làm lay động trái tim những người làm nghệ thuật như tôi. Tôi gìn giữ cảm xúc ấy. Rồi đến ngày nào đó khi hóa thân vào số phận của họ, tôi đã có sẵn cảm xúc...
Bà Tình đúng là người phụ nữ Việt Nam hiền lành chịu khó. Vai này làm tôi nhớ mẹ. Tôi lấy hình ảnh của mẹ mình để vào vai. Mẹ tôi là người phụ nữ lao động vất vả để nuôi đàn con. Ngày xưa cả xã hội cùng khó khăn cả.
Với những gia đình đông con lại càng khổ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mẹ gầy gò, đầu đội cái nón đạp xe đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, ăn tạm bát cơm.
Sống trong tình cảnh luôn có một đàn con đói khát, bà luôn cố gắng làm việc hết mình. Có những ngày bà phải dắt xe trốn đi làm bởi nếu không đi nhanh, bà bị con mình chạy theo níu gọi: "Mợ ơi không có tiền mua rau, nay hết gạo rồi".
Giữ tâm mình bình an
* Bà Tình khổ quá. Cảnh quay nào chị thấy khó nhất, và có khi nào chị thấy mệt mỏi?
- Đã làm nghề này phải chấp nhận. Mình hiểu hôm nay mình đóng vai nhà giàu, đại gia thì ngày mai mình cũng sẽ đóng vai làm nghề gì đấy rất vất vả.
Ở những tập đầu, có cảnh khi phát hiện bị mất chỉ vàng, bà Tình chui gầm giường tìm vàng. Trên phim cảnh quay lướt qua rất nhanh.
Nhưng thật sự khi diễn cảnh này tôi "ám ảnh lắm". Bối cảnh quay phim giống như nhà hoang, trong một ngày không biết có bao nhiêu con chuột chạy ra chạy vào. Khi chui xuống giường, ngửi mùi chuột đái cũng mệt lắm nhưng khi diễn mình coi như không có gì cả...
Người diễn viên phải cảm nhận nỗi khổ, vất vả khó khăn của nhân vật thì mới tạo ra nhân vật được. Khổ thể xác chỉ là một phần thôi. Cái khổ duy nhất theo tôi đó là khi mình không diễn ra được nhân vật mà biên kịch, đạo diễn mong muốn. Khổ tâm lý là khổ nhất.
* Bà Tình trong Cuộc đời vẫn đẹp sao là vậy, ngoài đời diễn viên Thanh Quý như thế nào?
- Tôi sống với con gái, có một cuộc sống giản đơn. Tôi giữ sức khỏe để mình tiếp tục làm phim và giữ tâm mình cho bình an. Mình không bình an thì mình không làm việc được thoải mái. Mà đến tuổi này ai cũng mong mọi cái bình yên thôi.
Tôi cũng có tuổi rồi. Nhiều anh em đoàn phim bảo để cử người đến chở đi đóng phim nhưng tôi vẫn tự lo mọi việc, không muốn mọi người bận tâm. Cũng có người bảo nghỉ ngơi cho khỏe, tuổi già yên vui.
Nhưng ở nhà cũng có cái mệt theo kiểu ở nhà. Nói cho cùng trong cuộc sống, lao động vẫn là một cái gì đó để làm cho người ta bền bỉ hơn về sức khỏe, đầu óc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận