05/10/2017 16:03 GMT+7

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Sau khi thi đỗ Bôm tập đàn miệt mài. Có hôm tôi về nhà lúc 23h30 mà vẫn thấy cu cậu đang tập đàn. Bây giờ cả thầy và bố phải nghĩ cách kéo cậu ta ra khỏi đàn', nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, cha của Bôm cho biết.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 1.

Biên tập viên Diệp Chi thay mặt chương trình Điều ước thứ Bảy chúc mừng Bôm nhận được học bổng - Ảnh: NGỌC DIỆP

Vừa qua con trai của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tuấn là Nguyễn Anh Tuấn (tức Bôm) đã đỗ vào Khoa nhạc Jazz, hệ trung học dài hạn kéo dài 7 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Hôm nay (5-10), Bôm đã được Học viện trao tặng học bổng 2 năm học, như một sự động viên cho sự cần cù, hiếu học, nỗ lực vượt qua khó khăn suốt 15 năm qua của Bôm.

Cuộc sống Bôm xoay quanh cây đàn

Mặc dù đã phải chiến đấu với bệnh tật suốt 15 năm qua, trải qua 10 cuộc phẫu thuật, nhưng với nỗ lực phi thường, Bôm đã đỗ được vào ngôi trường cậu mơ ước.

Hiện Bôm vẫn học văn hóa ở trường THCS Alpha, song song cậu học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Gia đình dự định sau khi Bôm học xong lớp 9 tại trường Alpha, Bôm sẽ chuyển hẳn sang Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Kể từ khi đỗ vào Học viện Bôm tập luyện miệt mài, có ngày tới 7-8 tiếng đồng hồ, đến mức cả bố và thầy đều phải tìm cách "hãm phanh" cho cậu bé.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn cho biết cha con anh xác định vào học viện là tham gia môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp và khắc nghiệt nên xác định sẽ phải rèn luyện bài bản.

Bôm sau khi đi học về nhà là lại lao vào đàn. Cuộc sống bây giờ chỉ có đàn. Khi nào căng thẳng quá cu cậu lại lấy khăn lau đàn. Thỉnh thoảng bố phải tìm cách lôi anh ấy ra ngoài, vì chỉ ngồi một chỗ tập cũng không tốt.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn

Cha của Bôm cho biết ngoài tập đàn Bôm còn rất thích và chịu khó nghe nhạc. Ở nhà có hàng trăm đĩa nhạc Jazz, Country cho Bôm nghe.

"Thường các trường học không cho các cháu mang thiết bị điện tử tới lớp. Nhưng trường Alpha Bôm đang học biết cháu có thiên hướng âm nhạc vẫn cho Bôm mang ipod tới lớp. Giờ ra chơi là cu cậu lại nghe nhạc", Quốc Tuấn cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, giảng viên Khoa nhạc Jazz, người trực tiếp hướng dẫn Bôm cho biết anh rất vui vì Bôm tỏ ra đặc biệt yêu thích âm nhạc và học hành rất chăm chỉ.

"Tới lớp Bôm chỉ biết có thầy và đàn, đàn và thầy thôi. Khi thầy nói Bôm phải rèn luyện từng này thời gian là về nhà cậu ấy cũng làm đúng như thế".

Sau lần đầu tiên biểu diễn trước đông người tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, Bôm chững chạc hơn hẳn.

Trong buổi lễ trao học bổng tại học viện cậu bé vui vẻ trả lời mọi câu hỏi của phóng viên. Khi đứng lên Bôm có thói quen vuốt quần áo cho phẳng phiu, đứng thẳng, trả lời dõng dạc.

Chính thầy Tiến Mạnh là người dạy cho Bôm phong thái khi biểu diễn cũng bất ngờ về Bôm.

Tôi biểu diễn không bao giờ run, nhưng khi học trò lên sân khấu nhiều lúc cũng rất run. Có rất nhiều em lúc tập rất tốt, nhưng lên sân khấu do run mà phong độ kém hẳn. Còn Bôm thì hoàn toàn thoải mái với sân khấu, rất "máu" sân khấu. Tôi vẫn trêu là điếc không sợ súng..

Thầy Tiến Mạnh

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 4.

Bôm tra tên nhạc sĩ yêu thích khi được phóng viên hỏi - Ảnh: NGỌC DIỆP

Ưu ái nhưng vẫn nghiêm khắc với Bôm

Thầy Tiến Mạnh cho biết Bôm đã thi đỗ bằng thực lực của chính mình. "Em có tai nghe rất tốt, cả thầy trong nước và thầy nước ngoài kiểm tra đều khẳng định điều đó.

Do tay của em từng trải qua phẫu thuật nên có khó khăn hơn các bạn bình thường vì thế cũng phải cố gắng gấp 2-3 người bình thường.

Tôi phải khắt rèn khắt khe từng nốt nhạc, từng ngón tay, bây giờ tay Bôm đã mềm hơn. Cháu cực kì đam mê âm nhạc, tôi có thể khẳng định khả năng của cháu rất tốt.

Tôi không dám hứa trước, nhưng nếu Bôm học tốt, cháu hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài học.

Với ngành nghệ thuật tôi vẫn phải khẳng định 1% là tài năng, còn 99% là khổ luyện. Mà tôi thấy Bôm không ngại khổ luyện.

Thầy của thầy tôi bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh, nhưng ông vẫn vươn lên trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Nên không có gì là không thể".

Ở nhà, ngoài việc học Bôm được cha hướng dẫn cho ý thức tự học và làm việc nhà. Cậu biết phơi quần áo, làm món mỳ Ý, và riêng việc học thì không bao giờ để bố phải nhắc nhở.

Bôm nói "anh Tuấn rất khó tính" (cậu vẫn thường gọi bố là anh) khi rèn cho Bôm tập đàn hàng ngày. Và Bôm cũng tỏ ra rất "khó tính" khi nhận xét về bố: "Bố nấu ăn nghiệp dư, lắp bóng điện nghiệp dư…".

Với Bôm tình yêu dành cho cha to bằng cái nhà. Nay cậu có thêm một người cha nữa là thầy Tiến Mạnh. Cậu nói tình yêu cậu dành cho thầy "to bằng nhà thờ".

Thầy Tiến Mạnh cho biết dù anh rất yêu mến Bôm, sẽ cố gắng truyền dạy cho Bôm những gì anh đã học được nhưng sẽ vẫn nghiêm khắc với Bôm.

Đã làm giáo viên là phải công bằng, các cháu cần được đối xử bình đẳng. Trong âm nhạc cũng không thể có sự ưu ái, tất cả mọi người đều nói ngôn ngữ chung là âm nhạc. Nên tôi cũng nói với Bôm con phải cố gắng, nếu con làm không tốt thầy vẫn đánh trượt con như thường.

Thầy Tiến Mạnh

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 6.

Bôm trò chuyện với Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Ảnh: NGỌC DIỆP

Xem những bức ảnh của Bôm trong ngày nhận học bổng Học viện âm nhạc quốc gia - Ảnh: NGỌC DIỆP

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 7.

Bôm và thầy Tiến Mạnh

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 8.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 9.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 10.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: Giờ phải kéo Bôm ra khỏi đàn - Ảnh 11.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên