Phóng to |
Phóng to |
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn - Ảnh: Gia Tiến |
Với chủ đề Đặng Thái Sơn trong âm thanh thế kỷ 21, lần đầu tiên NSND Đặng Thái Sơn sẽ trình diễn một số tác phẩm viết cho piano của các nhà soạn nhạc Việt Nam tại Việt Nam. Nhân dịp rất đặc biệt này, ông cũng đã dành cho Tuổi Trẻ Online một cuộc trò chuyện thú vị trước thềm liên hoan.
Là một nghệ sĩ piano nổi danh với các tác phẩm thuộc thời kỳ lãng mạn, đặc biệt là các tác phẩm của Chopin, vì sao lần này ông lại chọn trình diễn những tác phẩm tương đối mới?
- Chương trình 2-12 sẽ có ba cái lần đầu tiên của tôi: lần đầu tiên trình diễn một chủ đề với toàn các tác phẩm của thế kỷ thứ 20 tại VN, lần đầu tiên diễn tác phẩm của các nhà soạn nhạc VN tại VN và lần đầu tiên đánh song tấu piano kết thúc cho chương trình và giới thiệu thế hệ nghệ sĩ trẻ VN Lưu Hồng Quang.
Ông có thể chia sẻ lý do chọn lựa hai tác phẩm Người đi đâu? của Đỗ Hồng Quân và Chùm hoa Việt Nam của Đặng Hữu Phúc để trình diễn tại liên hoan lần này? Ông có hay chọn các tác phẩm VN để trình diễn tại nước ngoài?
- Trước tiên vì cả hai đều là những người bạn lâu năm của tôi. Đặng Hữu Phúc là bạn học của tôi từ những năm 70, khi tôi còn ở Hà Nội, còn Đỗ Hồng Quân là bạn học bên Nga. Khi Phúc sáng tác bài mới, tôi gần như luôn là người đầu tiên trình diễn các tác phẩm của cậu ấy.
Nhưng lý do quan trọng hơn để tôi chọn hai tác phẩm này, hay nói đúng hơn là hai tác giả này là vì các sáng tác của họ thật sự ấn tượng. Kỹ thuật sáng tác của cả hai rất chuyên nghiệp và tiêu chuẩn quốc tế, tác phẩm của họ kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hiện đại mà vẫn đậm chất VN qua các chất liệu dân ca, quan họ... mà họ sử dụng. Vậy nên tôi rất thích.
Gần đây tôi đã biểu diễn biến tấu trên chủ đề Người đi đâu? của Đỗ Hồng Quân ở rất nhiều nơi như: Nga, Ba Lan, Brazil... Còn Chùm hoa Việt Nam của Đặng Hữu Phúc thì tôi biểu diễn rải rác từ năm 2009 đến nay. Vừa qua tôi cũng đã diễn tác phẩm này ở Canada trong chương trình chào mừng 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada.
Ngoài hai tác phẩm này, ông cũng dành toàn bộ phần một của chương trình để giới thiệu các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp C.Debussy?
- Dù tôi được cho là "Người Chopin chọn" nhưng tôi cũng không thể mãi đánh các tác phẩm của ông ấy. Nhạc Pháp chiếm vị trí quan trọng trong sự nghiệp của tôi những năm gần đây vì nó cho tôi sự tự do bay bổng, theo những gì mình muốn. Khi chơi nhạc Pháp, đặc biệt là các nhạc phẩm của Claude Debussy, tôi cảm giác có màu sắc của ánh sáng. Cảm giác đó cộng với giờ đây mình đã có đủ công cụ lẫn kỹ thuật để thể hiện thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Hẳn là ông đã chuẩn bị khá lâu cho chuyến trở về lần này? Riêng Nhạc viện TP.HCM - nơi tồ chức liên hoan - cho hay đã mời ông từ hai năm trước, khi vừa kết thúc Liên hoan piano quốc tế lần đầu tiên.
- Vâng, chủ yếu là sắp xếp thời gian thôi. Ngoài biểu diễn, hiện tại công việc giảng dạy chiếm rất nhiều thời gian của tôi. Tôi giảng dạy chính thức ở Đại học Montreal (Canada) Khoa âm nhạc. Tuy nhiên, tôi thường tổ chức rất nhiều lớp học nâng cao (master class) cho trại hè ở nhiều nước và là thành viên trong ban giám khảo cho nhiều cuộc thi piano trên khắp thế giới.
Cả việc giảng dạy master class lẫn chấm thi đều dài ngày và tốn nhiều thời gian. Thêm một hoạt động mà tôi tốn nhiều thời gian lẫn tâm sức nữa là thu băng đĩa. Vậy nên tôi luôn muốn có thể về VN mỗi năm nhưng đều không thu xếp được. Tôi cũng có ước nguyện mở được nhiều lớp master class ở VN hơn vì tôi biết hiện VN đang có rất nhiều bạn trẻ có thể đào tạo thành những nghệ sĩ giỏi. Dù không thề thu xếp về lâu đến cuối năm, tôi rất thích về VN dịp cuối năm, vì tháng 12 là mùa thi ở bên Canada và tôi phải về chấm thi nhưng tôi rất vui vì lần này cũng kịp làm một master class vào sáng ngày 3-12 tại Nhạc viện TP.
Đã từng giảng dạy ở nhiều nơi, ông nhận định về các sinh viên piano ở VN như thế nào? Có ưu, khuyết điểm gì so với các sinh viên nước khác?
- Không riêng gì tôi mà giáo sư danh tiêng ở các nước khác cũng nhận định rằng năng khiếu âm nhạc của học sinh VN là tuyệt vời. Các em có nhạc cảm tốt và mạnh về giai điệu, trầm bổng. Tôi nghĩ một phần vì ảnh hưởng của ngôn ngữ. Tiếng Việt có sáu dấu nên sự trầm bổng trong ngôn ngữ, giai điệu ở những cái à ơ là sẵn có trong mỗi người. Nhưng về tiết tấu thì học sinh VN chưa tốt. Cũng dễ hiểu vì văn hóa chúng ta không nhảy múa nhiều, các điệu nhảy cũng không đa dạng nên về tiết tấu sẽ không nhanh nhạy bằng các học sinh ở những quốc gia mạnh về khiêu vũ.
Hiện sinh viên Khoa piano của Nhạc viện là đông nhất (khoảng 400 em) và xu hướng học piano của cả nước hiện cũng tăng. Đây có phải là xu hướng chung của thế giới?
- Cách đây ba tuần tôi có đọc một bài viết về hiện tượng học piano ở Trung Quốc trên BBC thì biết rằng số người theo học piano ở Trung Quốc bây giờ vào khoảng 40 triệu! Một con số quá lớn, đủ để thấy đây là một trào lưu, xu hướng thật thụ.
Piano được chọn học nhiều cũng dễ hiểu vì đây là cây đàn cơ bản, từ đó đã đẻ ra nhiều nhánh nhạc cụ khác nhau. Piano cũng có thể trình diễn một mình, tự hòa thanh cho mình mà không cần sự trợ giúp của nhạc cụ khác. Vậy nên người sáng tác cũng rất dễ khi biết hơi piano.
Các chỉ huy dàn nhạc thường cũng thể nhiệm cho piano trước mới viết cho dàn nhạc sau. Ở nhiều nước, piano cũng gần như là một môn học phổ thông nên sự phổ biến của nó không có gì đáng ngạc nhiên.
Những nhà soạn nhạc piano nổi tiếng cũng thường là những nghệ sĩ dương cầm cự phách. Với kỹ thuật thượng thừa của mình cùng kinh nghiệm sống phong phú, ông đã có những sáng tác cho riêng mình?
- Đúng là để có thể là một tác giả giỏi thì rất cần thiết phải là một nghệ sĩ dương cầm giỏi. Đỗ Hồng Quân hay Đặng Hữu Phúc đều là những pianist tuyệt vời. Nhưng sáng tạo với tôi chính là sự thể hiện trong biểu diễn. Biểu diễn cũng là thế mạnh duy nhất của tôi. Vì vậy tôi hi vọng là mọi người không thất vọng khi biết rằng bây giờ và cả trong tương lai tôi cũng không có sáng tác nào (cười to).
Liên hoan piano Quốc tế lần 2 -2013 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 7-12 tại Nhạc viện TP.HCM. Liên hoan quy tụ hơn 80 nghệ sĩ piano trong nước và quốc tế tham dự: NSND Đặng Thái Sơn, Nguyễn Bích Trà, Nguyễn Nhật Quỳ (Việt Nam), Olivier Chauzu (Pháp), Alexander Strukov (Nga), Ernest Lim (Singapore), song tấu piano Hirsch - Pinkas (Mỹ), tiến sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Minh Anh (La Thương) - trưởng khoa piano Học viện Âm nhạc quốc gia VN, nghệ sĩ Lê Hồ Hải, Nguyễn Thùy Yên - phó trưởng khoa piano Nhạc viện TP, các học sinh - sinh viên xuất sắc đang học tập trong và ngoài nước: Lưu Hồng Quang (Úc), Seraphin Maurice Lutz (cha Đức mẹ Việt), hai chị em Trần Diệu Linh và Trần Diệu Ân (Nga), Phan Thiên Bạch Anh, Bùi Vũ Nguyệt Minh và sinh viên của Nhạc viện... Lịch diễn 2-12 (19:30 - 22:00): Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới Thế kỷ 20 - Nhạc viện TP 3-12 (19:30- 22:00): Tài năng trẻ - Nhạc viện TP 4-12 (19:30 - 22:00): Tài năng trẻ - Nhạc viện TP 5-12 (19:30 - 22:00): Giảng viên Nhạc Viện Tp. HCM và các Nghệ sĩ khách mời - Nhạc viện TP 6-12 (19:30 - 22:00): Giảng viên Nhạc Viện Tp. HCM và các Nghệ sĩ khách mời - Nhạc viện TP 7-12 (19:30 - 22:00): Hòa nhạc bế mạc Giảng viên Nhạc Viện Tp. HCM và các Nghệ sĩ khách mời - Nhà hát TP 8-12: (19:30 - 22:00): Hòa nhạc miễn phí cho người dân TP - sân khấu Sen Hồng công viên 23-9 Bên cạnh đó là các buổi master class, tọa đàm, thuyết trình của các nghệ sĩ. Thông tin chi tiết về lịch diễn và các hoạt động bên lề liên hoan có tại http://www.hcmcpianofestival.com/ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận