Thông tin được con trai bà Thái Thị Liên - kiến trúc sư Trần Thanh Bình - xác nhận với Tuổi Trẻ Online. Từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, sức khỏe của bà Liên bắt đầu yếu đi nhiều.
May mắn, con trai bà - danh cầm Đặng Thái Sơn - về nước sum họp gia đình, có kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết "Tây" với má (bà Thái Thị Liên là người miền Nam nên các con gọi bà bằng má).
Vài năm gần đây, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn về nước nhiều hơn để được gần má. Tết Nguyên đán năm 2022, ông đã có kỳ nghỉ dài bên má và gia đình. Đó cũng là lần đầu tiên ông ăn Tết "ta" ở Việt Nam sau 40 năm sống xa Tổ quốc.
Nghệ sỹ piano 104 tuổi Thái Thị Liên chào mừng cuộc thi piano mang tên Chopin
Trên số báo Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn gần như lần đầu tiên lên báo kể về người mẹ đặc biệt của mình.
Câu chuyện ly kỳ về bà không chỉ là một câu chuyện cá nhân, mà từ cuộc đời thăng trầm và tư chất sáng đẹp của bà kể cho chúng ta hiểu thêm nhiều điều về một thế kỷ nhiều biến động của đất nước.
Bà Thái Thị Liên sinh ra giữa nhung lụa, trong một gia đình thượng lưu ở Sài Gòn năm 1918. Bố bà là người Việt Nam đầu tiên có bằng kỹ sư điện ở Pháp, nên cả nhà bà nhập quốc tịch Pháp.
Tuy mang quốc tịch Pháp nhưng bà Liên và những người anh em trai của mình, trong đó có liệt sĩ Thái Văn Lung, lại hoạt động cách mạng, chống Pháp.
Bà Liên hoạt động cách mạng từ sớm, ở trong nước và cả nước ngoài. Thời gian hoạt động bên Pháp, bà còn đại diện cho Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ thế giới ở châu Phi.
Người chồng đầu của bà là ông Trần Ngọc Danh - em ruột Tổng bí thư Trần Phú. Năm 1948, ông Trần Ngọc Danh được phân công nhiệm vụ là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc, bà Liên cũng đi theo chồng.
Năm 1951, trong nước chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Từ Tiệp Khắc, bà lại theo chồng về thẳng Việt Bắc, tham gia vào cuộc chiến đấu gian khổ với các đồng chí của mình. Không may chồng bà mất vì bệnh ở Việt Bắc, để lại cho bà hai người con thơ.
Bà lấy người chồng thứ hai là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, chính trị viên Đoàn Ca múa nhân dân trung ương khi hai người cùng hoạt động ở Việt Bắc, sinh thêm một người con trai, chính là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Để con trai Đặng Thái Sơn được thuận lợi đi du học Liên Xô, bà Liên đồng ý ly hôn chồng - một nhân vật Nhân văn giai phẩm.
Không chỉ những đóng góp ở chiến khu, sau hòa bình 1954, bà Thái Thị Liên là một trong bảy người thầy đầu tiên lập ra Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (sau này là Nhạc viện Hà Nội và ngày nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Bà làm trưởng khoa piano nên những lứa học sinh piano đầu tiên đều là học trò của bà.
Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn với gia đình bà khi chồng liên quan vụ Nhân văn giai phẩm, mất việc làm. Bà gồng gánh một mình nuôi cả gia đình đông đúc, con chung, con riêng, chỉ bằng nghề dạy đàn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, chia cắt.
Khi Đặng Thái Sơn giành giải nhất Concours Chopin 1980, bà được phép sang Liên Xô sống cùng con trai và theo con từ đó qua Nhật rồi Canada sinh sống, cho tới 6-7 năm nay khi tuổi cao sức yếu bà mới trở về Việt Nam sống.
Suốt thời gian ở với con trai út, bà là người lo liệu mọi giao dịch hành chính giúp con trai đi biểu diễn các nước nhờ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.
Ngoài sự nghiệp là một nhà giáo, được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân thì bà còn là một nghệ sĩ dương cầm rất tài năng.
Đối với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, má là nghệ sĩ biểu diễn tuyệt vời. Bà và chị gái Thái Thị Lang chính là hai người Việt Nam đầu tiên học piano chuyên nghiệp.
Trong khi chị gái biểu diễn rất nhiều trên thế giới thì bà Liên cũng là nghệ sĩ piano biểu diễn nhiều nhất ở miền Bắc giai đoạn từ 1954 - 1975.
Sau này bà vẫn tiếp tục biểu diễn. Bà còn biểu diễn cùng con trai và các học trò trong hòa nhạc mừng bà 100 tuổi.
Video bà biểu diễn hôm đó đạt gần 7 triệu lượt xem trên YouTube. Ở tuổi 105, bà vừa vượt qua COVID-19 và thỉnh thoảng vẫn ngồi đàn, một hình ảnh gây xúc động và tôn trọng đặc biệt với khán giả dành cho người phụ nữ đặc biệt này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận