Trong đêm 15-7, khán phòng Nhà hát Bến Thành gần như kín chỗ. Rất nhiều khán giả từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, các tỉnh miền Tây… đã không quản đường xa đặt vé về TP.HCM để được nghe giọng ca của "Hoàng đế vọng cổ" Minh Cảnh.
Minh Cảnh khóc vì hạnh phúc
Khi chứng kiến tình cảm khán giả dành cho mình quá nồng ấm, nghệ sĩ Minh Cảnh đã không kìm được xúc động và bật khóc trên sân khấu.
Ông chia sẻ không ngờ ở tuổi 86 ông vẫn còn có thể bước lên sân khấu hát phục vụ khán giả và vẫn còn được khán giả yêu thương đến thế.
Ông bầu Gia Bảo chia sẻ trước khi nghệ sĩ Minh Cảnh về Việt Nam, ông không may bị té nên khớp chân ông chưa hồi phục, vẫn còn yếu.
Vì vậy trong rất nhiều cảnh phải có hai diễn viên quần chúng kề sát để đỡ ông đi khi di chuyển trên sân khấu.
Tuy vậy, khi giao lưu với khán giả, Gia Bảo hỏi sức khỏe ông sao rồi, ông trả lời rất hài hước: "Ban ngày thì không có sao. Còn tối nay vì chúng ta ở trong nhà hát, có mái che rồi nên chắc… cũng không sao!".
Ông bày tỏ khi được mời về đây hát cải lương, vọng cổ ông rất mừng vì quan niệm: "Còn nghe vọng cổ tức là bài vọng cổ vẫn còn, gốc tích của người Việt Nam mình vẫn còn!".
Có thể nói Minh Cảnh không phải là kép đẹp như Minh Vương, Minh Phụng nhưng giọng ca của ông chính là "bảo chứng" để bao khán giả phải say đắm.
Ông có cách ca vọng cổ rất tươi mới, độc đáo nhiều sáng tạo. Cách ca vọng cổ hơi dài của ông cũng rất riêng, quyến rũ và không làm người nghe bị mệt.
Đó là giọng ca mà NSND Thanh Tuấn cho rằng là giọng ca vàng của làng cải lương Việt Nam.
Thanh Tuấn kể hồi ông 15, 16 tuổi đã theo nghệ sĩ Minh Cảnh lưu diễn.
Thấm thoát đã gần 70 năm nhưng ông vẫn nhớ mãi hình ảnh "anh hai Minh Cảnh" gần gũi, cứ vãn hát là kêu 4, 5 đứa em nhỏ nhỏ như Thanh Tuấn ra đầu đình dạy ca, dạy thêm các đường quyền, thế kiếm để diễn kịch bản kiếm hiệp.
Võ Đông Sơ - Minh Cảnh: tươi nguyên trong ký ức khán giả
Do chân còn đau, tuổi đã cao nên xử lý của Minh Cảnh trên sân khấu không còn nhanh nhạy nữa.
Tuy nhiên, dường như nghề hát đã ngấm vào máu nên giọng ca đó theo năm tháng có thể yếu một chút nhưng đường nét, độ vang vẫn còn bóng dáng của một danh ca thưở nào.
Khi Minh Cảnh cất giọng bài ca cổ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, cả khán phòng như vỡ òa.
Từng tràng pháo tay vang lên tán thưởng. Bởi đó là bài ca cổ ghi đậm dấu ấn của Minh Cảnh.
Nó ảnh hưởng sâu rộng tới mức đi hỏi người mê cải lương chắc ai cũng có thể thuộc làu từng lời ca, giai điệu.
Ngoài bài "tủ" này, Minh Cảnh còn diễn trích đoạn Lưu Bình - Dương Lễ cùng Thanh Tuấn và Ngọc Huyền. Phần "đinh" của chương trình là vở Bao Công tra án Quách Hòe.
Minh Cảnh đã thâu âm tuồng này trước năm 1975 với độ dài khoảng một tiếng. Nay được nghệ sĩ Chí Linh bồi đắp, dàn dựng thành vở cải lương trên sân khấu dài khoảng hai tiếng.
Vở không quá gai góc như những vở mà Chí Linh dàn dựng trước đây nhưng tạo cảm giác dễ chịu bởi độ mượt mà với những nghệ sĩ dàn bao rất cứng như Thanh Hằng, Vân Hà, Chí Linh, Phượng Loan, Trọng Phúc, Linh Tâm, Tô Châu, Tấn Beo, Bảo Trí, Võ Minh Lâm, Nhã Thi…
Nghệ sĩ Minh Cảnh xuất hiện ở phần sau của vở với vai Bao Công. Dù đi đứng khó khăn nhưng vì khán giả cổ vũ quá nồng nhiệt nên nhiều lúc Minh Cảnh dường như quên mất vung tay vũ đạo quá mạnh khiến người xem hết hồn sợ ông bị té.
Nhìn ông diễn chợt nhớ có nhiều nghệ sĩ lớn tuổi từng tâm sự rằng ở nhà đau bệnh rề rề, vậy chớ lên sân khấu không hiểu sao thấy khỏe, diễn rất sung.
Diễn cho thiệt đã rồi về nhà mới… mệt tiếp. Vậy đó, đời nghệ sĩ như kiếp tằm, mà tằm thì cứ muốn nhả tơ hoài!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận