Phóng to |
Nguyễn Thế Vinh đang chơi cùng lúc hai nhạc cụ guitar và harmonica Ảnh: H.S. |
Tuổi thơ bất hạnh
Quê của Nguyễn Thế Vinh vốn là một vùng đất nghèo ở Bắc Bình, Bình Thuận. Ba Vinh mất trong chiến tranh. Ba năm sau ngày ba mất, mẹ của Vinh cũng buồn khổ mà chết khi anh mới tròn 7 tuổi. Bốn anh em nheo nhóc mồ côi được ông bà ngoại đem về cưu mang.
Sau mỗi buổi học về, Vinh lại dắt đôi bò của hợp tác xã đi chăn để phụ giúp ông bà. Trong một buổi chiều xui rủi, Vinh bị ngã từ trên lưng bò xuống và gãy tay. Nếu như được đưa vào bệnh viện băng bó kịp thời thì chẳng có chuyện gì lớn, đằng này Vinh lại được đưa đến một thầy lang và không biết ông ta chữa trị như thế nào mà sau đó ít hôm cánh tay phải của Vinh bị hoại tử, phải cắt bỏ. Hai chữ “độc thủ” đeo bám đời Vinh từ đó.
Bôn ba tìm kế sinh nhai
Với hai nhạc phẩm Một cõi đi về và Ngụ ngôn mùa đông, anh đã làm ngây ngất những ai có mặt trong đêm nhạc “Cõi tình - Trịnh Công Sơn”. Đây cũng là chương trình lớn đầu tiên anh được tham gia (sau khi trở thành thành viên của hội quán Hội Ngộ chừng hai tháng nay) và ngay lập tức tạo được một tình cảm đặc biệt nơi công chúng yêu nhạc Trịnh. Sau mỗi ca khúc của Vinh, mọi người lại vỗ tay không ngớt và dành cho anh những bó hoa tươi thắm nhất. Có ai đó còn thốt lên rằng: “Lại xuất hiện thêm một “quái kiệt” mới trong làng âm nhạc thành phố!”. Quái kiệt hay không còn phải chờ thời gian thẩm định thêm. Chỉ biết rằng trong giờ phút ấy, ai tinh mắt sẽ nhận thấy những giọt lệ đang lặng lẽ lăn ra từ khóe mắt Vinh. Anh xúc động tột cùng vì lâu nay anh tập chơi đàn cốt để thỏa mãn đam mê âm nhạc, để gửi gắm tâm sự cuộc đời chứ đâu ngờ lại có thể đem niềm vui đến cho người khác. |
Thời gian đầu Vinh gặp rất nhiều khó khăn vì phải gò viết bằng tay trái, nhưng với ý chí vượt khó của một cậu bé đầy nghị lực, Vinh vẫn học rất chăm và luôn đạt kết quả cao trong học tập.
Dù còn một tay nhưng Vinh vẫn tiếp tục phụ chăn bò cho gia đình đến hết lớp 7... Thấm thoắt vậy mà cậu bé một tay ấy cũng học hết lớp 12.
Sau khi tốt nghiệp THPT, vì không muốn phụ thuộc gia đình nên Vinh quyết định vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Trong thời gian tá túc “ké” mấy anh sinh viên ở cơ sở D Trường ĐH Kinh tế (sau lưng nhà hát Hòa Bình), được mấy anh khuyến khích, động viên, Vinh quyết định học tiếp và mượn sách vở của các anh để ôn thi.
Năm 1989, Vinh trúng tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Để có tiền ăn học, Vinh đã phải dành dụm số tiền học bổng ít ỏi hằng tháng và làm đủ thứ nghề từ vá xe đạp, dạy kèm cho đến giữ xe chung cư...
Tuy học quản trị kinh doanh nhưng Vinh lại rất mê ngành điện tử. Anh đã học lóm nghề này từ một người bạn và mua sách vở mày mò học thêm. Vậy mà không ngờ chính nghề điện tử này lại gắn bó với anh đến tận bây giờ (hiện anh đang là thợ sửa chữa điện thoại di động và có hẳn một cửa hàng riêng ở Gò Vấp).
Ba năm cho một ngón đàn
"Năm học lớp 6, mặc dù bị cụt một tay nhưng khi thấy người cậu chơi đàn guitar, mình rất mê. Hễ có dịp là mình lấy đàn ra tìm cách đánh thử. Khi thì kẹp phím vào cùi tay cụt để gảy, khi thì gảy thử bằng chân... nhưng tất cả đều thất bại" - Vinh nhớ lại.
Mãi đến ba năm sau Vinh mới nghĩ ra cách để có thể chơi đàn với tay trái duy nhất của mình: dùng ngón trỏ để gảy và các ngón còn lại bấm phím. Thời gian đầu anh chỉ tập bấm từng nốt một, tập một cách mày mò, kiên trì vì chơi đàn như thế rất khó và hầu như chưa thấy ai chơi như vậy bao giờ. Dần dà Vinh cũng đàn được một số bài hát và chừng đó cũng cảm thấy sướng lắm rồi.
Tuy nhiên đàn từng nốt như thế thì chưa thể gọi là đàn nên sau khi vào đại học, Vinh dành dụm tiền đi làm thêm - được 60.000 đồng - và mua một cây đàn guitar mà đến nay anh vẫn còn nhớ ngày mua là 14-6-1990.
Có đàn, Vinh bắt đầu tập bấm hợp âm, từng đêm tỉ mẩn mày mò khổ luyện tập từng hợp âm một. Mỗi hợp âm như thế Vinh phải tập cả tháng trời, khi đã nhuần nhuyễn mới tập tiếp hợp âm khác. Cứ thế anh âm thầm luyện ngón đàn trong ba năm và thành công ngoài mong đợi. Các ngón tay Vinh giờ đây dường như đã độc lập với nhau và anh có thể đàn một cách rất bài bản, chỉ với một bàn tay!
Song song với chơi guitar, Vinh còn chơi tốt harmonica từ khi học lớp 10. Sau này anh nảy ra ý định "sao mình không thử hòa âm harmonica với guitar nhỉ?". Thế là anh lại lao vào cuộc chơi mới vừa đánh guitar vừa thổi harmonica.
Để hai tiếng đàn và kèn này hòa âm đồng bộ với nhau thì đây lại là một giai đoạn tập luyện kỳ công nữa của Vinh. Cuối cùng, với lòng kiên trì và quyết tâm, Nguyễn Thế Vinh đã chơi được cùng lúc hai nhạc cụ, với một sự kết hợp tuyệt vời mà nhiều người không hiểu tại sao anh có thể làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận