Phóng to | |
Khi bắt đầu những hồi ức về người cô tài hoa bạc mệnh, Hữu Châu đã “xin” với Tuổi Trẻ thế này: “Trước giờ tôi thường gọi là “cô” khi có ai hỏi tới cô tôi, nhưng hôm nay cho phép tôi được gọi là “má Ba” - từ mà tôi đã gọi cô tôi suốt tuổi thơ của mình...”.
* 30 năm là một mốc quan trọng để anh và gia đình quyết định tổ chức ngày lễ giỗ đặc biệt này?
- Má Ba của tôi đã nằm xuống 30 năm nhưng chưa bao giờ má ra đi trong lòng những người thân trong gia đình và hàng bao thế hệ khán giả. Tôi biết rõ điều này bởi bây giờ chỉ cần lên mạng là có thể bắt gặp vô cùng nhiều hình ảnh, tư liệu, diễn đàn về cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT Thanh Nga. Những ngày giỗ trước đây chúng tôi chỉ tổ chức trong gia đình nhưng cũng có rất nhiều hoa của khán giả được gửi tới nhà hay đặt trên mộ.
Những khán giả đó gia đình tôi không biết mặt, biết tên, họ đã lặng lẽ đến như viếng một người thân rồi lặng lẽ ra về. Gia đình tôi chỉ biết cúi đầu trước những tình cảm sâu nặng đó. Lễ giỗ lần này như một lời tri ân tới họ.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để cô tôi “gặp” lại những người từng cùng cô đứng trên sân khấu của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga ngày xưa: ông Văn Ngà, cô Thanh Nguyệt, chú Quốc Nhĩ, cô Xuân Lan, cô Thanh Hương, cô Trang Bích Liễu, bác Bảy Hùng Minh, ông Hai Kiên Giang, bác Lê Duy Hạnh... Và cả sự góp mặt của hai nghệ sĩ lớn rất thương cô tôi, một người là chị của cô (NSƯT Kim Cương) và một là em của cô (NSƯT Bạch Tuyết). Toàn bộ nghệ sĩ của sân khấu kịch Idecaf sẽ giúp tôi tiếp khách trong buổi lễ đặc biệt này.
* Hẳn anh có rất nhiều kỷ niệm khó quên với má Ba của anh?
Hoa hồng NSƯT Thanh Nga cùng chồng bị sát hại lúc 23g ngày 26-11-1978 ngay sau khi diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng về. Cô hiện được an táng tại nghĩa trang chùa Nghệ sĩ. Trong tấm thiệp mời dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga in hình một bông hồng vàng chen giữa những bông hồng đỏ. Theo lời gia đình, đó là cách tặng hoa mà Thanh Nga thích nhất khi còn sống, bởi cô luôn cho rằng cuộc đời không có gì là trọn vẹn, rồi sẽ có những xa cách, chia ly, phản bội, vì thế con người nên học cách đón nhận nó một cách bình thản. Hoa hồng cũng sẽ thay thế hoàn toàn cho nhang đèn, hương khói trong ngày lễ giỗ lần này của cố NSƯT Thanh Nga. |
- Hồi ức thì nhiều vô kể, nhưng điều lớn nhất tôi học được từ những hồi ức đẹp đó chính là sự thanh thản, bình dị, gần gũi và đầy tình thương của má Ba. Má Ba của tôi ngoài đi hát thì không biết một chút gì đến chuyện tính toán, hơn thua, xã giao. Má Ba không ồn ào, hoạt náo để chứng tỏ mình là ngôi sao, không xen vào chuyện hậu trường của bất kỳ ai mà vẫn đủ sự ân cần với những người thân, đồng nghiệp, khán giả.
Tôi còn nhớ năm tôi 10 tuổi, có lần sang nhà má Ba chơi, thế là má mặc nguyên bộ đồ bộ, đội nón lá dắt tay tôi ra đầu hẻm mua chuối chiên, vừa ăn vừa đi dung dăng dung dẻ. Ngày má Ba mất, xe tang đi trước, bà bán chuối chiên người Hoa ấy đi sau khóc như mưa.
Lại có lần tôi hư bị má Ba đánh cái bốp vào mông, thế là tôi giận má một tuần. Lúc gặp lại, má nói như khóc: “Con không thương má Ba hả?”. Rồi tôi lại ham chơi để mất chiếc xe đạp inox rất đẹp của má Ba, má không rầy nhiều vì con nít thường không ngoan, nhưng sao bây giờ ở tuổi trung niên ngẫm lại, tôi thấy áy náy và nhớ má Ba vô cùng...
* Ngày NSƯT Thanh Nga bị sát hại, anh vẫn còn là một đứa trẻ?
- Trong ký ức buồn của một đứa trẻ như tôi ngày đó, cảm giác mất đi má Ba yêu thương rất mơ hồ. Má Ba chết đi kéo theo một số cái chết nghiệt ngã khác trong đại gia đình của tôi: anh tôi, ba tôi, rồi bà nội của tôi. Những cái chết đau lòng xảy ra liên tục trong vòng 10 năm sau đó, đến nỗi đám con cháu tụi tôi lúc đó sợ nhất là tiếng còi của xe cứu thương. Sau này lớn lên, cảm giác hụt hẫng và bơ vơ ấy vẫn còn, đầy ám ảnh.
* Bây giờ nhắc đến Hữu Châu người ta có còn nhắc đến danh xưng “cháu của Thanh Nga” không?
- Có thể nói sự nghiệp và tên tuổi tôi có được ngày nay chính là một sự thừa hưởng không thể phủ nhận từ cô tôi. Ngay từ những ngày đầu mới vào nghề, dường như người nào nghe đến “cháu của Thanh Nga” lại mở lòng ra hơn với tôi. Khi tôi diễn trên sân khấu, người này nói: “Hay quá!”, người kế bên nói: “Cháu của Thanh Nga đó!” - tôi thấy tự hào lắm.
Sự ra đi của cô khiến tôi quyết tâm sống chết với nghề tới cùng. Suốt bao nhiêu năm qua, mỗi ngày trước khi ra diễn tôi đều thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ, một nén cho cô tôi và khấn: “Lạy má Ba, con là Châu, con ra hát đây!”.
Bây giờ tôi có ba ước mơ lớn nhất: một là mơ mình có được sân khấu riêng, hai là mơ mẹ sẽ sống lâu cùng tôi, và ba là ước gì trời cho tôi biết được cảm giác tôi đang diễn mà má Ba ngồi dưới khán phòng cổ vũ tôi. Nhưng tôi biết ước mơ cuối mãi mãi chỉ là mơ ước mà thôi...
Nữ hoàng sân khấu miền Nam NSƯT Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31-7-1942 tại Tây Ninh, là con gái bà Nguyễn Thị Thơ - tức bà bầu Thơ nổi tiếng với Đoàn cải lương Thanh Minh lừng lẫy một thời của miền Nam. Với hơn 230 vở diễn trong 28 năm, kể từ khi lên 8 đến lúc qua đời nghiệt ngã ở tuổi 36, NSƯT Thanh Nga đã được khán giả xưng tụng là nữ hoàng của sân khấu miền Nam. Vai diễn chính đầu tiên sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới đã đem lại cho Thanh Nga huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958, khi mới 16 tuổi. Khán giả nhớ đến Thanh Nga bởi nét diễn sống động, tự nhiên, biểu cảm, có sức cuốn hút qua các vở diễn như: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Ánh sáng và bóng tối, Phụng Nghi Đình, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga… Ngoài ra, NSƯT Thanh Nga còn nổi tiếng với các bộ phim: Đôi mắt người xưa, Loan mắt nhung, Nắng chiều, Hai chuyến xe hoa, Mùa thu cuối cùng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận