Phóng to |
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc tập thiền - Ảnh: Nguyễn Khánh |
"Mình thấy số phận mình cũng có chỗ này chỗ nọ, nhưng không bao giờ để gục ngã" |
Ở tuổi 57, NSND Hoàng Cúc, nguyên phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, vẫn giữ được những nét đẹp của một thời sáng rực trên sân khấu vở diễn Tôi và chúng ta, của một thời là Tám Bính trong phim Bỉ vỏ. Ít ai biết được rằng Hoàng Cúc từng trải qua sáu đợt điều trị hóa chất, hai lần phẫu thuật điều trị ung thư... NSND Hoàng Cúc nói:
- Trong những người đi chữa bệnh cùng tôi năm 2010, đã có hơn 30 người qua đời. Những người mắc căn bệnh này thường nói với nhau một câu: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy... Tôi cũng như vậy.
Giai đoạn tôi đi diễn nhiều nhất là những năm 1990. Nghệ sĩ thì nay đây mai đó, ăn uống thất thường, tôi chỉ nghĩ mình đi nhiều chú trọng uống thuốc bổ. Chị gái tôi bị bệnh Basedow để chạy vào tim, mình nghĩ là mình làm sao đến thế? Nhưng rồi tôi cũng bị Basedow và cũng bị chạy vào tim! Đến lúc định đi mổ thì phát hiện thêm bệnh mạch vành, không mổ được, chỉ uống thuốc thôi.
Phụ nữ hay thích làm đẹp, nên mình có chế độ ăn kiêng tương đối hà khắc, uống thuốc đỡ được bệnh thì ăn kiêng lại làm mình thiếu dưỡng chất, lại bị bệnh. Đến năm 1996, nhiều hôm đi diễn mặt tôi cứ phù lên, nhịp tim tăng nhanh, không thể thở được. Bác sĩ quyết định hoặc là không đi diễn nữa, hoặc phải uống thuốc có chứa phóng xạ. Nhịp tim ổn định hơn, nhưng vẫn chưa đủ và tôi phải uống thêm đợt hai.
Chỉ trong vòng nửa tháng, người tôi gầy rộc đi, cô cháu gái nấu cơm để ở cửa rồi tôi ra lấy vào ăn, cách ly mọi người theo hướng dẫn của bác sĩ. Từ rất thích nghe nhạc, tôi trở nên sợ nghe nhạc, từ rất thích đọc sách thì đọc không thấy vào nữa. Tôi mệt mỏi thật sự.
* Từ tình trạng sức khỏe như vậy, bà làm thế nào để giữ gìn được như hôm nay?
- Sau đận ấy tôi có ý thức để ý sức khỏe thật sự, rút lui về hậu cần nhường sân khấu cho lớp trẻ. Tôi đặt báo chuyên về sức khỏe để xem thêm. Tôi đi khám sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng. Có lần còn đến bệnh viện quốc tế chi 2 triệu đồng để chụp ngực xem có ung thư không. Kết quả là không, nhưng mình vẫn có linh tính không yên. Đến khi con trai lấy vợ, tôi khuyên các cháu đi khám tổng thể trước khi sinh con và mình cũng nhân tiện khám luôn. Kết quả thật là sững sờ: tôi bị ung thư vú, bệnh đang ở giai đoạn 2.
Các bạn bè nghệ sĩ nhiệt tình lắm, nhưng tôi nói với mọi người: Tôi không chết được đâu. Sau khi phẫu thuật, vào sáu đợt hóa chất ở Bệnh viện K, tôi đi nước ngoài chữa trị tiếp và ở đó lại được mổ thêm một lần. Đó là năm 2010-2011. Tóc tôi tốt lắm, trước khi tóc rụng, tôi gọi thợ đến nhà “tông đơ” thành trọc luôn, trọc trước khi bị rụng tóc vì hóa chất. Khi mình đã xác định được thì mình đón nhận nên cảm thấy tâm nhàn.
Sau khi đi chữa bệnh về, tôi đã lên một “lịch” để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận. Tôi nói là “số phận” vì mình có ý thức khám phát hiện bệnh, đi khám từ sớm nhưng bệnh viện không phát hiện mà cuối cùng vẫn bị bệnh...
* Bà đang nói đến “lịch” tập chiến thắng bệnh tật. Lịch ấy như thế nào?
- Tôi tham gia Câu lạc bộ Tình người, có khi đến đó nói chuyện về sức khỏe, thấy thích lắm. Rồi đi lễ chùa cầu an cho mình và mọi người. Mới đây Nick Vujicic (nhà diễn thuyết khuyết tật nổi tiếng) đến VN, nhưng trước đấy thì qua băng tôi đã xem anh ấy diễn thuyết với học sinh ở Mỹ. Một người không có tay, không có chân mà tự tin kinh khủng. Mình thấy số phận mình cũng có chỗ này chỗ nọ, nhưng không bao giờ để gục ngã.
Như tôi bây giờ nghỉ hưu nhưng bận rộn dành thời gian cho cháu nội. Hồi cháu mới sinh, một ngày tôi nấu 5-6 bữa ăn, dọn nhà, con trai tôi rửa bát. Tôi lên lịch tập yoga, trước đây thích tập nhưng không có thời gian, giờ thì lên lịch đàng hoàng mời thầy về dạy, tập cùng một cô bạn bị ung thư còn nặng hơn tôi. Lơi ra lúc nào thì đọc, xem đủ thứ, mệt quá lăn ra ngủ. Đến một lúc nào đó cháu nội lớn hơn, tôi sẽ làm một cái gì đó cho mình, như viết một cái gì đó, một tập truyện ngắn chẳng hạn.
* Lịch tập luyện chiến thắng bệnh tật của bà tương đối thành công. Khi nói chuyện về sức khỏe với bạn bè, bà hay nói gì?
- Trước đây để giữ gìn hình thể, tôi tập aerobic rất chăm, làm được nhiều động tác khó. Giờ lớn tuổi rồi, người cũng cứng hơn, tập yoga nhiều động tác khó không làm được. Ngoài ra, mỗi tối tôi thường dành một thời gian nhất định để thiền. Tôi chỉ khuyên mọi người phải “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, nên đi khám bệnh định kỳ từ sớm, nhờ bác sĩ tư vấn và chọn một môn thể dục vừa sức.
Yoga có thể giúp giảm căng thẳng thần kinh... Yoga có tác dụng làm tăng sức cơ, làm tăng tính linh hoạt khớp, vì thế có lợi cho người bệnh khớp. Tập yoga còn giúp tăng thể tích khí thở, tống bỏ khí cặn, tăng trao đổi khí, do đó tốt cho người bệnh hô hấp. Yoga còn làm tăng chức năng tim mạch, tăng lưu thông máu, giúp mềm mại mạch máu và bình ổn nhịp tim nên có lợi cho người tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Yoga còn được chứng minh là có tác dụng làm giảm căng thẳng thần kinh, giảm lo âu, trầm cảm nên có lợi cho điều trị các bệnh tâm thần. Yoga là liều thuốc tốt cho giấc ngủ, giúp điều hòa, tạo giấc ngủ sâu và kéo dài, để phục hồi chức năng cơ thể. Để có được tác dụng đó bạn cần tập yoga hằng ngày hoặc ít nhất ba buổi/tuần, nên tập yoga vào cuối ngày, mỗi buổi chiều 45-60 phút/buổi và không nên ăn trước khi tập. Chọn các bài tập phù hợp như bài tập thở, bài tập thư giãn, bài tập giảm đau, bài tập tăng sức cơ... Bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận