10/11/2015 11:00 GMT+7

Nghề porter ở Phanxipăng

MỸ PHƯỢNG
MỸ PHƯỢNG

TT - Hình ảnh những thanh niên vóc dáng nhỏ nhắn, với đôi chân thoăn thoắt vượt mọi đá ghềnh cùng gùi hàng trĩu nặng sau lưng đã trở nên vô cùng quen thuộc với dân chinh phục Phanxipăng.

Các porter gùi lương thực, thực phẩm và vật dụng của du khách lên đỉnh Phanxipăng - Ảnh: M.Phượng
Các porter gùi lương thực, thực phẩm và vật dụng của du khách lên đỉnh Phanxipăng - Ảnh: M.Phượng

Hơn 10 năm trở lại đây, những tour du lịch trọn gói khám phá vườn quốc gia Hoàng Liên hoặc chinh phục đỉnh Phanxipăng - nơi vẫn được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” (cao 3.143m) đã trở nên khá phổ biến, thu hút và tạo điều kiện cho nhiều du khách tham gia.

Cùng với đó là sự phát triển của một nghề vừa tận dụng được nguồn lao động thuần thục đường lối bản địa và lại rất rẻ ở vùng cao - nghề porter, khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch.

Cuộc sống “sáng gà tối chó”

Một ngày bắt đầu khi gà gáy, thậm chí khi đi tour cũng chẳng còn khái niệm đã sang ngày mới, những porter dậy thật sớm, tập trung tại văn phòng tour du lịch và chất đầy dụng cụ, lương thực, thực phẩm, túi ngủ, thảm lát, lều bạt... cho vào gùi của mình để phục vụ cho hành trình chinh phục Phanxipăng của du khách.

Porter có thể làm tự do, dẫn đoàn cho một nhóm khách du lịch, cũng có thể đăng ký đi theo tour của công ty du lịch - chỉ cần có thẻ hành nghề đăng ký 200.000 đồng/năm. Nhưng dù thế nào, phận porter cũng rất đáng để bất cứ ai từng gặp phải mủi lòng thương cảm.

Đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về đội ngũ những người làm nghề porter lên đỉnh Phanxipăng nhưng hằng năm vào hai đợt: từ tháng 3 - 4 và từ tháng 8 - 10, trung bình mỗi ngày hàng chục đoàn lên Sa Pa để chuẩn bị cho hành trình chinh phục độ cao 3.143m này.

Tùy vào số lượng khách du lịch của mỗi tour, nhưng phần lớn cứ khoảng 30 người/đoàn thì cần tới 10 - 15 porter khuân vác đồ và phục vụ ăn, ngủ, nghỉ cho khách.

Không khó để nhận ra porter chủ yếu là người dân tộc Mông, độ tuổi trung bình 18 - 40 tuổi, cái tuổi trai trẻ, khỏe khoắn.

Mỗi ngày tuổi tác của họ như bị “ăn mòn” bởi những gùi hàng 20 - 30kg nặng trĩu trên lưng, những ngày không ngủ dưới cơn mưa rừng và co ro trong cái lạnh thấu đêm thâu, để rồi nhận lại những đồng thù lao ít ỏi, không đáng với sức lao động mà mình bỏ ra.

Để nói lên cái cực nhọc của nghề này, anh Hạng A Trư (30 tuổi) - một porter đã 10 năm gắn bó với nghề - chia sẻ: “Cái nghề này thật sự mà nói giống như... sáng gà tối chó”.

Cũng như bao porter người Mông khác, sau khi mang vác đồ cho khách du lịch đến điểm nghỉ chân (thường là các độ cao 2.200m, 2.800m), anh Trư lại lao vào nấu nướng, sắp đặt, bày biện mâm cơm cho đoàn khách.

Khách du lịch sau nhiều giờ liền “hành xác” trên những cung đường trắc trở, điều hạnh phúc và giản đơn nhất của họ là được ăn vài ba miếng cơm nóng hổi và ngả lưng trong túi ngủ để ngày hôm sau tiếp tục cuộc hành trình.

Thế nhưng, những porter ở đây, cũng với bằng ấy quãng đường, chưa kể khi đi họ luôn nhường đường đẹp nhất cho khách và chọn những đường gồ ghề, trơn trượt để băng qua thì mỗi người còn khẩn trương phục vụ hết đoàn khách này đến đoàn khách khác không ngưng nghỉ.

Nếu như khách mừng rỡ vì đã có túi ngủ và thảm lát được các porter mang theo thì mãi gần nửa đêm, những “siêu nhân” trên đỉnh Phanxipăng mới có chút cơm cạn nồi lấp vơi bụng rỗng.

Chưa chợp mắt được bao lâu thì người nọ đã gọi người kia thức dậy đun nước để pha mì cho khách muốn lên đỉnh sớm.

Cả ngày vất vả theo đoàn là thế, tối đến còn quần quật phục vụ và thậm chí không có một giấc ngủ ấm lưng, vậy mà họ vẫn vô cùng thân thiện, hào sảng giúp đỡ khách trên suốt chặng đường dài.

Không còn lựa chọn

Khi được hỏi tại sao không chọn nghề khác thay vì làm porter, phần lớn thanh niên Mông có sức khỏe này trả lời... không còn lựa chọn nào khác.

Những porter thường có chung hoàn cảnh: nhà nghèo, ít học, ruộng nương làm theo mùa vụ nên tranh thủ đi tour vào mỗi dịp cuối tuần để có thêm tiền trang trải cuộc sống dù thù lao rẻ mạt cùng sự chấp thuận theo những yêu cầu có phần khắt khe từ phía chủ tour.

Chị Giàng Thị Xi (27 tuổi), một trong số ba phụ nữ hiếm hoi theo đoàn đã hai năm “chạy đường rừng” với nụ cười không tắt trên môi vẫn luôn nhiệt tình trả lời các câu hỏi và những thắc mắc không bao giờ là đủ của khách du lịch.

Chị tâm sự: “Mỗi chuyến đi này, chúng tôi được khoảng 300.000 đồng nhưng phải làm tất tần tật từ A - Z, từ gùi hàng, nấu ăn, phục vụ theo những yêu cầu của chủ tour. Đó cũng là giá chung ở đây”.

Trong khi đó, mỗi khách du lịch theo tour, trung bình trả cho chủ tour 1,7 - 1,8 triệu đồng trọn gói. Biết rõ rằng mình được trả quá thiệt so với những gì chủ tour nhận được nhưng họ vẫn cứ làm, mỗi tuần một chuyến.

Những ngày đầu mới làm nghề, các porter từ các bản làng vùng cao như anh Trư, chị Xi thường xuyên uể oải, đau nhức khắp cơ thể sau mỗi chuyến tour nhưng rồi đi riết thành quen, mỗi khi trở trời lại đau lưng, nhiều khi băng rừng bị sốt xuất huyết.

Để trị chứng sốt nguy hiểm này các porter truyền lại một mẹo: các anh lấy cây kim may áo hơ nóng lên, mài nó vào tóc rồi gội đầu. Chỉ hơn một giờ sau, bệnh sẽ đỡ dần và khỏi hẳn.

Với 10 năm làm nghề porter, anh Trư cũng nhiều lần ngã bệnh, kiệt sức bởi leo núi. Sức khỏe của anh đã suy giảm rõ rệt sau những chuyến đi.

Anh tâm sự: “Tôi đi được ngày nào biết ngày ấy, nhưng chắc cũng sớm nghỉ nghề này để về nhà phụ giúp gia đình và nuôi dạy con cái”.

Nếu như bao du khách trăm ngả, bốn phương háo hức đổ về vùng sơn cước mây ngàn Sa Pa với mơ ước một lần chinh phục đỉnh cao Phanxipăng cho thỏa mãn đam mê thì hạnh phúc giản đơn của những porter người Mông là trở về nhà với giấc ngủ bình an sau chặng đường dài rút sức phục vụ khách du lịch, nhưng thù lao chưa đủ làm ấm bụng những đứa trẻ thơ ngây ngày ngày vẫn trông chờ cha mẹ chúng leo núi trở về.

MỸ PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên