Chiếc nón lá thành phẩm của làng Gò Găng qua bàn tay người thợ chằm nón - Ảnh: H.V.M. |
Làng nón ngựa Phú Gia và làng nón Gò Găng là hai làng nón lá nằm quanh thành Hoàng Đế đã có tuổi nghề hàng trăm năm...
Nón là mạch sống
Những cư dân ở vùng đất này thời trước đã chọn Gò Găng - nơi cách thành Hoàng Đế chừng ba cây số về hướng đông bắc - để lập nên làng nghề nón lá.
Tuy chỉ là một làng nhưng Gò Găng với nghề làm nón lá thịnh đạt và có ngôi chợ xã nên đã dần trở thành là thị tứ và nay là một phường của thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định).
“Để giữ nghề nón ngựa Phú Gia, năm 2012 ngành khuyến công tỉnh Bình Định đã mở lớp dạy cho nam nữ trong làng muốn học nghề này. May là còn được 4 nghệ nhân của làng đứng dạy, trong đó có tui. Học một khóa 3 tháng, mỗi tuần học 4 buổi, có đến 35 người học. Thấy trên quan tâm giữ nghề cho làng mình như vậy thật đáng mừng. Nhưng một cái nón ngựa làm mất 4 ngày, nó mắc lắm chứ không dễ. Để học viên thành nghề tui nghĩ trên nên dạy thêm cho những người đã học vài khóa nữa... |
Khách lạ đi trên quốc lộ 1 cũng như tỉnh lộ Gò Găng - Tây Sơn đoạn ngang Gò Găng nhìn vào một số nhà hai bên đường có thể biết được đây là làng nghề chằm nón khi thấy nón lá được chất thành những chồng cao bày trước hiên nhà cùng những phụ nữ đang ngồi chằm nón.
“Ai ở làng Gò Găng này cũng dựa vô nghề nón mà sống, chỉ khác là kẻ dựa ít người dựa nhiều thôi. Như ông bà ngoại tui thời Pháp thuộc chuyên đưa nón Gò Găng mình xuống ghe đi Huế bán.
Đến thời cha mẹ tui thì chuyển hướng, đưa xe vô bán ở Sài Gòn. Còn tui thì đưa nón đi Gia Lai, Kon Tum, một số thì bán sỉ tại nhà cho người ta đến mua chuyển đi mấy tỉnh phía Nam...” - bà Phan Thị Sương (63 tuổi), một chủ buôn nón nhà ở Gò Găng, nói.
Người thợ nón Gò Găng coi nghề chằm nón như là mạch sống của họ, dẫu đây là nghề lấy công làm lãi, lãi lại rất thấp.
“Ở Gò Găng mà không chằm nón thì làm gì? Ông bà, cha mẹ mình đã chằm nón, hơn cả trăm năm trước cũng là chằm nón, đến lớp mình cũng chằm nón thôi.
Ruộng đất có ít, phải dựa thêm vô nghề nón. Với lại, chằm nón nhẹ nhàng, dù có làm ruộng thì lúc rảnh chằm cái nón kiếm ngày vài ba chục ngàn cũng là quý...” - bà Nguyễn Thị Đúng (56 tuổi) nói.
Nón Gò Găng có nhiều loại, loại cao giá, loại thấp giá, người chuyên chằm loại này, kẻ chuyên chằm loại nọ. Có người chuyên nhận nón đã chằm rồi về “nứt” lại, tức là khâu thêm chỉ vào cho dày để làm chắc nón hơn.
Nghề làm nón không gây tiếng ồn, những người thợ già thợ trẻ và cả “thợ” con nít miệt mài đắp từng mảnh lá lên khung rồi khâu rồi chằm thoăn thoắt.
Nón ngựa Phú Gia sau khi xong phần khung được nghệ nhân thêu ren - Ảnh: H.V.M. |
Với người thợ Gò Găng, nỗi vui với họ là mỗi chiều luôn có người đến tận nhà mua nón. Vui hơn nữa là chính mình mang chồng nón đến ngồi ở ngã ba, ngã tư làng chờ bạn hàng đến mua, được gặp kẻ nọ người kia để biết được chuyện làng chuyện nghề. Rồi có chủ buôn đến mua nón để chuyển đi bán các nơi xa.
Những chồng nón cao, nón thấp chất lên xe, trong nhà, ngoài đường rộn ràng với chiếc nón, với giá cả, tiền nong.
“Tiền kiếm được thì ít, nhưng cái nghề nón nó làm cho cái làng cái xóm của mình vui lên, người chằm nón cũng vui lên. Nhờ vậy mà làng nghề của mình còn mãi đó...” - bà Đúng tâm sự.
Độc đáo nón ngựa Phú Gia
Có lẽ hiếm có làng nón lá nào làm ra loại nón đẹp được coi là loại nón thủ công mỹ nghệ như ở Phú Gia - ngôi làng phía dưới Gò Găng non hai cây số về hướng đông bắc.
Loại nón được coi là “kiệt tác” của nón lá này được gọi tên là nón ngựa. Chính những nghệ nhân làm nên nón ngựa Phú Gia cũng tự thấy hứng khởi trước vẻ đẹp của chiếc nón họ làm ra.
Họ nói họ cũng tự hỏi không hiểu sao lúc ban đầu cha ông mình đã nghĩ ra việc làm nên chiếc nón được đan bện bằng những sợi nan, những chiếc vành nhỏ như sợi chỉ, rồi thêu ren các họa tiết bằng chỉ màu, chằm lên những lớp lá mỏng mịn để tạo nên cái đẹp độc đáo thế này.
“Không biết nón ngựa có trước thời Tây Sơn hay đến đời Tây Sơn mới có. Nhưng tui nghe ông cha mình nói lại thì làng Phú Gia mình làm ra nó từ lâu lắm rồi. Đời ông cao, bà cao tui đã làm nón ngựa rồi...” - lão nghệ nhân nón ngựa Đặng Văn Tám (80 tuổi) nói.
Nhưng điều ai cũng biết là nón ngựa Phú Gia là loại nón dành cho hàng quan lại, những người quyền chức, giàu sang, quý phái.
Người làng Phú Gia cũng như người buôn bán nón ở Gò Găng luôn có niềm tự hào về việc giữ được làng nghề của mình, nhất là người làm ra cũng như buôn bán loại nón ngựa vốn không hề bị “đụng hàng” với bất kỳ sản phẩm nón nào của các làng nón lá trong nước. Đó cũng là một di sản mà thành Hoàng Đế để lại.
Chợ lúc gà gáy ở Gò Găng Nhưng cái độc đáo nhất của làng nghề này là buổi chợ nón họp từ lúc gà gáy đến sáng mỗi ngày. Thật ấn tượng, và cũng xúc động khi đứng trước buổi chợ đêm nón lá Gò Găng. 3h sáng, người từ các nơi lác đác đổ đến để họp chợ ngay trên lối đi trước cổng chợ Gò Găng. Ai cũng tranh thủ mở từ xe đạp, xe máy lô hàng mình mang bán đặt trên nền đất. Kẻ dùng pin điện, người dùng đèn dầu để thắp sáng cho “gian hàng” của mình. Họ bán những loại giang, tre chẻ miếng hay còn nguyên lóng (ống), lá nón khô, khung chằm, vành nón, kim may, chỉ cước, chỉ màu, giấy báo cũ và cả những chồng nón. Những vật liệu cho nghề nón như giang, lá được nhiều người ở đây đến tận núi cao ở Bình Định lấy về bán hay các chủ buôn mua ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng mang về bán lại. Quên đi nỗi nhọc nhằn vì dậy sớm, ai cũng hăm hở cho chuyện mua bán để rồi lúc mặt trời lên lại rời chợ về nhà cho một ngày làm lụng mới. “Mình sống với nghề, thức miết rồi cũng quen thôi mà...” - nhiều người ở Gò Găng giải thích lý do chọn giờ cho buổi chợ nón của người xưa nơi làng nghề này. |
>> Kỳ tới: : Làm gì để các làng nghề giàu mạnh?
Bài liên quan: Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận