Nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống Nguyễn Thị Tuyến tất bật hoàn thiện một chiếc đèn ông sao cho chương trình trung thu 2020 - Ảnh: HỒNG QUÂN
Sáng 19-9, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã diễn ra buổi trải nghiệm tiền chương trình Trung thu 2020 sẽ diễn ra vào ngày 26-9 tới.
Bà An Thu Trà - phó trưởng phòng trưng bày truyền thông công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cho biết số lượng nghệ nhân thủ công trong chương trình trung thu năm nay phải giảm đi một nửa do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng không ảnh hưởng đến việc truyền tải thông điệp của Tết Trung thu.
"Với chủ đề 'Người giữ lửa', chúng tôi không chỉ muốn tôn vinh những nghệ nhân tâm huyết lâu năm với nghề mà còn để giới thiệu những bạn trẻ tài năng, sáng tạo với các vật liệu truyền thống như lá dừa hay nguyên liệu tái chế", bà Trà nhấn mạnh.
Trong các hoạt động trải nghiệm, để tăng cường tính tương tác của khách tham quan, ban tổ chức sẽ khuyến khích ông bà, cha mẹ, khách tham quan... trong việc đồng hành cùng các em nhỏ, thắt chặt sợi dây gắn kết gia đình.
Thêm nữa, hoạt động múa lân năm nay sẽ đặc biệt nhất từ trước đến nay. Khách tham quan sẽ được giới thiệu ý nghĩa hình ảnh lân sư trong đêm trăng rằm, cùng với việc được tự mình múa lân, đánh trống, đánh chũm chọe... trong đám rước.
Những em nhỏ đang múa lân - Ảnh: HỒNG QUÂN
"Các nghệ nhân sống với tình yêu với đồ chơi truyền thống, nhất là trong không khí Tết Trung thu", cô Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân làm đèn ông sao, tiến sĩ giấy, thổ lộ.
Hình ảnh mâm ngũ quả Tết Trung thu gồm các thứ sản vật hoa trái, đồ chơi, bánh nướng, bánh dẻo… vốn thể hiện sự biết ơn đối với thần linh sau một mùa vụ trồng trọt. Mâm cỗ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ thường có thêm ông tiến sĩ giấy thể hiện truyền thống hiếu học, gửi gắm tình cảm, sự quan tâm, khát khao thành đạt, đỗ cao của những sĩ tử cũng như gia đình họ.
"Mâm cỗ trông trăng, nhà nào cũng như nhà nào đều làm như truyền thống. Nhiều nhà cầu kỳ còn đặt thêm cả bánh đúc, gói kẹo. Khoảng 9-10h, cả gia đình sum vầy bên mâm cỗ, ông bà, cha mẹ thường dạy con cháu ý nghĩa đêm rằm trung thu và cách sống sao cho sao có ích cho xã hội", nghệ nhân làm phỗng đất (tượng đất) Phùng Đình Giáp chia sẻ.
Một số hình ảnh trong chương trình Trung thu 2020 sáng 19-9:
Đèn kéo quân truyền thống được làm bởi nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền - Ảnh: HỒNG QUÂN
Một chiếc đèn ông sao được làm bởi một em bé 3 tuổi dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến và sự đồng hành của cha mẹ - Ảnh: HỒNG QUÂN
Anh Nguyễn Văn Thắng - một nghệ nhân giàu sáng tạo - đang hướng dẫn các bạn trẻ làm bó hoa bằng lá dừa - Ảnh: HỒNG QUÂN
Nghệ nhân làm cốm vòng - Nguyễn Thị Hòa - đang sàng nia, một công đoạn quan trọng trong quá trình làm cốm - Ảnh: HỒNG QUÂN
Mâm cỗ trung thu truyền thống được tái hiện - Ảnh: HỒNG QUÂN
Nhiều người đến tham dự buổi trải nghiệm tiền chương trình Trung thu 2020 sáng 19-9 - Ảnh: HỒNG QUÂN
Các chủ đề mới, đặc sắc sẽ được giới thiệu trong chương trình Trung thu 2020: "Người giữ lửa trung thu" dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26, 27-9 (tức ngày 10, 11-8 a7m lịch từ 8h30 - 12h30 và 14h00 - 17j30) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngoài ra, chuyến khám phá trung thu cổ truyền dành cho tổ chức công đoàn, công ty du lịch, trường học... sẽ tiếp tục diễn ra đến hết 31-12 năm nay và có thể đến năm 2021 với mức phí 100.000 đồng/người (chưa gồm vé vào cửa, đăng ký trước 3 ngày).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận