Nghệ nhân Nhã nhạc Lữ Hữu Thi đánh thử nhạc cụ chuông và khánh (biên chung, biên khánh) trong lễ bàn giao phục hồi biên chung, biên khánh do nghệ nhân Kim Huyn Kon của Hàn Quốc phục chế - Ảnh: Trọng Bình |
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi tham gia vào đội nhạc lễ của cung đình triều Nguyễn từ năm 1940 đến năm 1945.
Ông (sinh năm 1910) được cha truyền nghề từ năm 8 tuổi với những ngón đàn của tam, tỳ, nhị, nguyệt, trống, kèn... Trong một lần tấu nhạc phục vụ nhà vua và các hoàng thân quốc thích tại ở cung An Định, ông được mời tham gia vào đội nhạc Hòa Thanh thuộc đội nhã nhạc của triều đình, cho đến ngày vua Bảo Đại thoái vị.
Từ năm 1945 đến năm 2004, ông tham gia biểu diễn nhã nhạc phục vụ trong các lễ hội dân gian. Sau khi nhã nhạc cung đình Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, ông được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mời vào giảng dạy thực hành nhạc cụ cho các nhạc công tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Tại đây, ông thường cùng các nhạc công nhã nhạc biểu diễn các nhạc cụ như: đàn nhị, trống, kèn, tam âm, phách tiền, mõ, bạt, cùng các bài bản tiểu nhạc: ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, thập thủ liên hoàn, phú lục địch, long ngâm, long đăng, tiểu khúc, và các bản đại nhạc với các bài: đăng đàn cung, đăng đàn chạy, đăng đàn kép, đăng đàn nhanh, đăng đàn chậm, đăng đàn đơn, xàng xê, kèn chiến, tẩu mã...
Đặc biệt, ông là người đã truyền dạy các nghệ sĩ cung đình Huế các bài bản ca “Thài” dùng trong lễ tế Nam Giao.
Gia đình của nghệ nhân Lữ Hữu Thi có năm đời là nhạc công nhã nhạc, từ đời bố ông đến đời cháu gọi ông bằng cố. Các con trai, cháu nội và chắt nội của ông vẫn đang là nhạc công nhã nhạc của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Lễ tang của nghệ nhân nhã nhạc Lữ Hữu Thi được tổ chức tại nhà riêng, số 200 - đường Đặng Tất, TP. Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận