Nghệ nhân Lầu Chá Của thẩm định cây mình mới làm xong - Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Sủng Trái là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đồng Văn. Há Pia lại là thôn nghèo nhất, xa xôi nhất của xã Sủng Trái. Và người chúng tôi đi tìm lại ở trên chòm xóm xa nhất, cao nhất của thôn Há Pia. Ở đấy chưa có điện, phải đi bộ nửa giờ.
Chúng tôi bắt đầu cuốc bộ trên những lối mòn giữa biển đá tai mèo cứ lên cao mãi. Cúi đầu đi, đặt hai bàn chân vào những khe đá cho khỏi trượt ngã, xếp hai tay để dưới rốn, chứ không vung vẩy khi bước cũng là một cách tiết kiệm sức mà chúng tôi học được của người Mông khi leo núi.
Nửa giờ sau, đang cắm cúi thế, ngửa mặt nhìn lên thì ồ lên khi thấy cả một rừng trúc xanh um. "Sau rừng trúc này là đến rồi. Gióng trúc để làm ống khèn, tháng 2, tháng 3 có măng ăn ngon lắm" - anh Ly Mí Pó, chủ tịch UBND xã Sủng Trái, nói.
Làm khèn bán cho khách du lịch thì không khó và có nhiều người làm. Nhưng làm khèn để bán cho người Mông đi thổi đám ma, đám cưới, thổi chơi... thì ở đây chỉ có ông Của làm tốt nhất. Khèn của ông thổi hay, mà dùng hàng chục năm không hỏng
Anh LY MÍ PÓ (chủ tịch UBND xã Sủng Trái, Đồng Văn, Hà Giang)
Giàu hay nghèo thì người đàn ông Mông vẫn gắn bó với cây khèn - Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Từ một lần dỡ tung cái khèn
Chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà được bao bọc xung quanh bởi rừng trúc xanh um mọc trên núi đá tai mèo xám ngắt. Ngôi nhà rất đẹp làm theo kiến trúc Mông truyền thống với bờ rào đá, cổng gỗ, lối đi lát đá tảng, tường trình đất, mái lợp ngói âm dương... Ấy là nhà ông Lầu Chá Của.
Ông Của đang ngồi bên hiên nhà làm khèn, trên vách treo mấy chiếc khèn đã hoàn thiện, quanh chỗ ông ngồi nào đe, búa, bào, dao, gỗ thông đá, gióng trúc... Đang bào thanh gỗ thông đá làm bầu khèn, thấy khách đến ông Của niềm nở đứng lên lấy ghế, nước, rượu, điếu cày mời chúng tôi ngồi chơi, rồi vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ bằng tiếng Mông.
Ông Của năm nay 69 tuổi. Như bất cứ người đàn ông Mông nào, ông mê thổi khèn nên 14 tuổi mua một chiếc khèn về thổi, đi chợ, đi đám ma, đi chơi hội thì mang khèn thổi, rồi học mỗi người một tí.
Đường đi bộ tuy khó khăn nhưng rất đẹp dẫn lên nhà ông Lầu Chá Của - Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Thổi khèn hay rồi lại như có duyên tiền định, xung quanh nhà ông cơ man nào là cây thông đá, trúc, tê già - những thứ cần thiết để làm khèn. Lại nữa, khi không thổi khèn, người Mông treo lên vách nhà, nhà thì tối, khèn thì nhiều ống, nhiều lỗ, thế nên con nhện, con ong thường chui vào làm tổ.
Trong một lần lấy khèn xuống, thấy tổ ong, tổ nhện giăng đầy mấy ống khèn, thế là ông Của phải dỡ tung cái khèn ra, thông, rửa sạch sẽ rồi lắp lại thì lại thổi bình thường. Từ lần dỡ ra lắp lại ấy, ông Của nảy ra ý định tập làm khèn.
Giàu hay nghèo thì người đàn ông Mông vẫn gắn bó với cây khèn - Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Đến kỳ công làm khèn
Để có được một chiếc khèn đúng kiểu, nghệ nhân phải trải qua nhiều công việc kỳ khu, mà việc nào cũng cần để vào đó cả tâm huyết và tài hoa.
Gỗ thông đá và ống trúc sau khi chọn được sơ chế, rồi gác lên gác bếp để sấy khô, vừa chống mối mọt, cong vênh khi dãi dầu mưa nắng vừa có độ chính xác cao khi khoét gióng và đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió.
Sau khi phơi trên gác bếp một thời gian, thanh gỗ thông đá được bào nhẵn, cưa đôi, khoét rỗng, đục lỗ rồi ghép lại làm chiếc bầu (hộp cộng hưởng). Những gióng trúc được khoét một miếng nhỏ (khía rãnh hai đầu) cách mấu 3cm để cài miếng lưỡi gà (bờ lài) bằng đồng.
Ông Lầu Chá Của đang bào thanh gỗ thông đá để làm bầu khèn - Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Thấy khách tỉ mẩn đo độ dài của các ống trúc: 25cm, 30cm, 45cm, 70cm, 75cm, 100cm...; đang thổi thử từng ống trúc phát ra những tiếng tênh, tênh, pì, pè... ông Của dừng lại bảo: "Quan trọng là thử âm rồi cắt gióng dài ngắn tùy mình".
Trong chiếc khèn Mông, quan trọng nhất là cái lưỡi gà (bờ lài). Công việc chế tác bờ lài rất trần ai: phải chọn loại đồng nguyên chất, nấu chảy, dát thành lá mỏng rồi dùng lưỡi một con dao nhỏ sắc lẹm rạch thành những đường thẳng tắp để chia tách, tạo khe. "Khó nhất trong việc làm khèn là khi gắn miếng bờ lài vào ống trúc (trà xông) vì nó quyết định chất lượng tiếng khèn. Gắn chuẩn thì tiếng khèn hay, gắn lệch một chút là tiếng rè ngay" - ông Của đúc kết.
Thế nên gắn được một miếng lưỡi gà, ông phải thổi thử cả chục lần, từ nhẹ đến mạnh làn hơi để thẩm âm, chỉnh từng li từng tí mới được âm chuẩn, thanh thoát. Sau khi lắp ống trúc vào bầu khèn, ông lấy sợi dây tê già quấn quanh khèn, vừa tạo thêm độ chắc chắn vừa để trang trí cho cây khèn.
Kỳ công là thế nên để hoàn thành một cây khèn, trung bình nghệ nhân lão luyện Lầu Chá Của phải mất cả một ngày trời. Cây khèn tốt là khi thổi lên phải thấy được tâm hồn của người thổi lẫn người làm ra khèn.
Phải thực sự yêu thích mới có thể làm ra một cây khèn ưng ý. Chỉn chu, sáng dạ như ông Của mà mất cả năm trời mới thành thục mọi việc để làm ra chiếc khèn đẹp. Còn chuyện có được những tiếng khèn hay nhờ đôi tai tinh tế khi thẩm âm thì phải mất thêm hai năm kinh nghiệm.
Khoét lỗ để gắn lưỡi gà vào ống sáo - công đoạn khó nhất của việc làm khèn. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
"Chắp tiếng gió gửi lời thương lời nhớ"
Làm khèn là công việc đặc biệt, ông Của chỉ làm khi thấy bứt rứt trong ruột, không làm không chịu được. Hoặc khi có khách đến tận nhà đặt hàng, ông uống rượu nói chuyện với người ta rồi mới bắt tay vào làm. Thế nên mỗi chiếc khèn của ông đều là độc bản. Khắt khe thế nên năm 2017 vừa rồi ông chỉ làm 40 chiếc khèn, cỡ nhỏ bán 1,5-2 triệu đồng/cái, cỡ lớn bán 3,5-4 triệu đồng/cái.
Cũng vì khắt khe nên 55 năm theo nghiệp "chắp tiếng gió gửi lời thương lời nhớ", ông Của mới dạy cho bốn học trò, thế mà hai người đã mất. Người học trò sáng dạ nhất của ông là ông Sềnh Phái Sính, người Mông ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. 61 tuổi, ông Sính mới đến nhà ông Của xin học nghề.
"Được ông Của chỉ bảo cẩn thận, nhất là chỉnh âm (việc khó nhất) nên học một tuần là tôi làm được một cái khèn mang ra chợ bán" - ông Sính cho biết. Nhắc chuyện người học trò đặc biệt này, ông Của vui sướng như chính mình năm nào tháo tung cái khèn ra mà mày mò tự làm được cái mới rồi thành nghề, nên nghiệp.
Cái nghiệp ấy tưởng là của riêng ông, nhưng đã góp phần neo giữ "lời thương lời nhớ" của văn hóa người Mông.
Lưu giữ tri thức văn hóa, ký ức dân tộc
Theo ông Nguyễn Trùng Thương - nhạc sĩ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang, khèn Mông chỉ có sáu ống ngang nhưng thổi được bảy nốt trên khuông nhạc. Đó là nhạc cụ đa thanh, âm sắc có nhiều chất kim, hơi rè nhưng mạnh mẽ.
Âm vực của khèn trong vòng một quãng tám, mỗi ống chỉ phát ra một âm thanh. Một số nghệ nhân đã cải tiến loại khèn Mông thành tám ống, chín ống hoặc vẫn giữ nguyên sáu ống nhưng làm khóa bịt mở lỗ bấm để tạo thêm nhiều âm hơn và âm vực rộng hơn. Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót, tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4.
Có tới 360 bài khèn. Hầu hết những tri thức văn hóa và ký ức dân tộc Mông đều được lưu giữ trong các bài khèn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận