30/06/2022 11:46 GMT+7

Nghệ nhân gốm đầu tiên đạt kỷ lục thế giới

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong khi con đường gốm sứ bị gỡ khỏi trang web của Tổ chức Kỷ lục thế giới vì mất vài trăm mét chiều dài do Hà Nội làm đường, Việt Nam vừa có thêm 2 kỷ lục thế giới về gốm sứ và đều thuộc về nghệ nhân Nguyễn Hùng ở Hà Nội.

Nghệ nhân gốm đầu tiên đạt kỷ lục thế giới - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng say mê sáng tạo với gốm - Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Nguyễn Hùng trở thành nghệ nhân gốm đầu tiên của Việt Nam được trao 2 kỷ lục thế giới: Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi chạm khắc lớn nhất thế giới và Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất thế giới.

Đại diện của Tổ chức Kỷ lục thế giới sẽ đến Việt Nam trao tặng bằng công nhận kỷ lục cho nghệ nhân Nguyễn Hùng và Gốm Hương Việt vào hôm nay (30-6), tại Hà Nội.

Trước đó, tác phẩm của Nguyễn Hùng được trưng bày tại Bảo tàng tư nhân XQ ở Huế, được lưu giữ tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Bảo tàng tinh hoa nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). 

Anh Nguyễn Hùng là nghệ nhân "ngụ cư" duy nhất có sản phẩm được trưng bày trong bảo tàng này, bên cạnh sản phẩm của 18 dòng họ lâu đời làm gốm ở làng nghề gốm nổi tiếng bên sông Hồng.

Nghệ nhân gốm đầu tiên đạt kỷ lục thế giới - Ảnh 2.

Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất thế giới

Người thanh niên làng biển mê gốm

Nguyễn Hùng bén duyên nghề gốm khi công việc tại một công ty chuyên về gốm tại Hải Phòng những năm 1980 cho anh cơ hội đi khảo sát, học hỏi về nghề gốm ở khắp các làng nghề gốm trên cả nước. 

Sau những chuyến ngụp lặn ở các làng nghề gốm ấy, chàng trai Hải Phòng quyết định dừng chân ở làng Bát Tràng. Kỹ thuật làm gốm tinh xảo ở đây cùng vỉa tầng văn hóa sâu đậm của một ngôi làng ngoại thành Hà Nội đã níu chân người thanh niên làng biển trót đam mê gốm.

Anh bắt đầu học nghề gốm bằng việc làm thợ cho các lò gốm nổi danh cho tới khi thành thạo những kỹ thuật khó nhất, lại tự mày mò thêm những kỹ thuật mới trong nghề gốm.

Những sáng tạo kỹ thuật làm gốm mới mẻ là kết quả của bao năm mày mò nghiên cứu bằng tình yêu lớn dành cho gốm đã được nghệ nhân Nguyễn Hùng ứng dụng thành công ở hai tác phẩm đạt kỷ lục thế giới.

Đặc biệt, tác phẩm đĩa gốm có tên Phú quý mãn đường đã thể hiện tay nghề "thượng thặng" của anh khi không chỉ nung được chiếc đĩa đắp nổi lớn nhất thế giới (đường kính 1,375m, nặng 400kg, được chế tác liên tục trong 2.500 giờ), mà còn thành công trong việc kết hợp cả gốm và sứ trong cùng một sản phẩm, bên cạnh đó là kỹ thuật đặc biệt đưa điêu khắc và phù điêu đắp nổi trên gốm.

Nghệ nhân gốm đầu tiên đạt kỷ lục thế giới - Ảnh 3.

Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi chạm khắc lớn nhất thế giới có tên Phú quý mãn đường

Và tình yêu với sen

Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất thế giới là tượng Thiềm thừ thiên phong ấn (nặng 1.500kg, với chiều dài 173cm, rộng 110cm, cao 78cm, được chế tác liên tục trong hơn 6 tháng). Tác phẩm này cùng với tác phẩm đĩa gốm đạt kỷ lục cùng dùng men mới được Nguyễn Hùng cải biến từ bài men tro cổ truyền của làng nghề gốm Bát Tràng mà anh đặt tên là Hoàng thổ liên hoa.

Nếu như men tro được làm từ tro trấu (vỏ hạt thóc) đất sét trắng nơi bến sông Hồng thì men Hoàng thổ liên hoa thay thế trấu bằng thân sen khô, với nhiệt độ nung thích hợp đã khai sinh ra màu men riêng có dải màu rộng và đa dạng hơn cho các sản phẩm gốm. 

Nhờ đó, nghệ nhân được thỏa sức sáng tạo màu sắc hơn. Đôi chim công đắp nổi trên đĩa gốm Phú quý mãn đường nếu dùng men bình thường chỉ có thể cho ra sắc xanh của men thủy tinh đồng, nhưng nhờ bài men đặc biệt mà có được gam màu xanh ngũ sắc rất hiếm gặp trong gốm sứ.

Bài men mới sáng chế này chính là kết quả tình yêu da diết của nghệ nhân Nguyễn Hùng với loài sen. Yêu loài hoa ấy, anh không nỡ thấy những thân sen tàn héo rồi rũ mục khi thu sang đông đến. Anh hóa nó thành màu men hun hút xúc cảm chắt từ đời sen và đất mẹ sông Hồng, lửa và cái tình của người làm gốm.

Các sản phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Hùng thường được đắp nổi nhiều chữ Hán. Trong nhà anh thậm chí có một tác phẩm tranh gốm khắc bài thơ chữ Hán Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt mà anh làm từ chữ viết của "ông đồ" nổi tiếng Cung Khắc Lược.

Ông đồ này chính là thầy dạy chữ Hán và thư pháp cho anh suốt 10 năm qua. Yêu gốm và vốn văn hóa dân tộc, anh Hùng không ngừng tìm học mọi thứ để sáng tạo trên vốn nghề của cha ông.

Dấu ấn Phật giáo sống động trên tuyệt tác gốm Nhật Dấu ấn Phật giáo sống động trên tuyệt tác gốm Nhật

TTO - Tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế, cuộc trưng bày 'Dấu ấn Phật giáo trên gốm cổ Satsuma - Nhật Bản' khai mạc chiều cuối tuần qua gây ngỡ ngàng cho người xem bởi sự độc đáo, tuyệt đẹp và quý hiếm.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên