28/10/2017 07:17 GMT+7

Nghe nhạc vui kích thích sáng tạo

MạCH đINH
MạCH đINH

TTCT - Nghe nhạc vui vẻ trong lúc làm việc có thể giúp kích thích suy nghĩ sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hà Lan.

 

Cụ thể, các dòng nhạc cổ điển có âm hưởng tươi sáng và năng động - ví dụ như các sáng tác của nhà soạn nhạc người Ý thời kỳ Baroque Antonio Vivaldi - có nhiều khả năng khuyến khích suy nghĩ sáng tạo nhất, theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Radboud (Hà Lan).

Nhóm nghiên cứu chia 155 sinh viên theo học tại đây thành 5 nhóm và cho họ nghe các dòng nhạc cổ điển khác nhau trong lúc thực hiện một công việc đòi hỏi sáng tạo, trong đó có một nhóm làm việc trong im lặng.

Các bài nhạc được phân loại theo tiêu chí tâm trạng và độ hưng phấn mà nó mang lại cho người nghe. Bản Thiên nga của Camille Saint-Saens đại diện cho dòng nhạc thư thái nhẹ nhàng; bản Bốn mùa của Vivaldi mang âm hưởng vui vẻ; bản Adagio cho đàn dây của Samueal Barber với giai điệu da diết chậm rãi; và bản Op 32 No.1 của Gustav Holst đầy kịch tính.

Các tình nguyện viên được kiểm tra cả hai loại hình chính của tư duy sáng tạo, đó là tư duy hội tụ (convergent thinking) và tư duy phân kỳ (divergent thinking), trong đó tư duy hội tụ nhắm đến việc đưa ra giải pháp sáng tạo cho một vấn đề cụ thể, còn tư duy phân kỳ thì lại tập trung tạo ra càng nhiều ý tưởng khả thi trong một tình huống càng tốt. Một trong những công việc mà các tình nguyện viên được yêu cầu làm để kiểm tra tư duy phân kỳ đó là liệt kê các công dụng khác nhau của một món đồ vật bình thường, ví dụ như cục gạch.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy các loại nhạc nhìn chung không mang lại nhiều sự khác biệt trong kết quả làm bài so với không nghe nhạc, ngoại trừ duy nhất dòng nhạc vui vẻ. Những tình nguyện viên nghe bản Bốn mùa của Vivaldi có kết quả bài kiểm tra tư duy phân kỳ cao hơn hẳn so với những nhóm còn lại. Tâm trạng và gu nghe nhạc của các tình nguyện viên cũng không được ghi nhận là có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, theo bài báo đăng trên tạp chí PLOS One.

“Âm nhạc là một phần quan trọng của cuộc sống, và nó có thể là một phương tiện nuôi dưỡng sáng tạo đầy tiềm năng trong môi trường học đường và công sở. Ngay cả những người không biết chơi nhạc vẫn có thể thưởng thức nó” - Reuters dẫn lời chuyên gia đánh giá độc lập Rex Jung đến từ Đại học New Mexico (Mỹ).■

MạCH đINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Âm nhạc gu nghe nhạc