26/08/2019 09:54 GMT+7

Nghề nghiệp trong phim Việt chỉ để trang trí?

MI LY
MI LY

TTO - Không ít khán giả sau khi xem Once Upon a Time in... Hollywood (Tuổi Trẻ 21-8) rất xúc động trước những áp lực, sự cầu toàn và cả những góc khuất của những người chọn nghề diễn để đeo đuổi.

Nghề nghiệp trong phim Việt chỉ để trang trí? - Ảnh 1.

Hình ảnh một biên tập viên thời trang, giải trí trong phim Cua lại vợ bầu

Sẽ thật khập khiễng khi so sánh với việc khai thác đề tài nghề nghiệp trong phim Việt, nhưng một câu hỏi không thể không đặt ra: phim Việt đã thực sự đi đến tận cùng thân phận nhân vật qua cái nghề họ được vận vào hay chưa?

Tôi đặc biệt ấn tượng với vai diễn của Leonardo DiCaprio trong Once Upon a Time in... Hollywood vì nhân vật đó khiến tôi nghĩ về tương lai của nghề diễn viên, cũng là nghề nghiệp của chính mình. Cảnh Leonardo tập thoại, chửi thề, cảnh cáo bản thân và khóc nấc khiến tôi rất day dứt và không thể quên.

Diễn viên LÃNH THANH (phim Thưa mẹ con đi)

Nghề nghiệp trong phim Việt chỉ để trang trí? - Ảnh 3.

Diễn viên LÃNH THANH


Chưa nhiều câu chuyện nghề nghiệp

Gần đây, trong số những phim Việt thu hút sự chú ý của khán giả, có một số phim mô tả ngành nghề, công việc của nhân vật rõ nét như: Cô Ba Sài Gòn (nghề may áo dài và biên tập viên thời trang), Song Lang (nghề ca cải lương và đòi nợ thuê), Hai Phượng (đòi nợ thuê), Chàng vợ của em, Hồn papa da con gái (người làm kinh doanh, tiếp thị ở vị trí cấp cao), Nắng (nhặt ve chai nghèo khổ)...

Thực tế, danh sách nghề nghiệp của nhân vật trong phim Việt không dừng lại ở đó. Nhưng phải thừa nhận phim Việt chưa đi sâu vào thân phận người lao động trong các ngành nghề, chưa nhiều câu chuyện lấy chủ đề chính là ngành nghề cụ thể như phim về cảnh sát, nhà báo, luật sư, người đàm phán, doanh nhân, nhà sản xuất âm nhạc... hoặc thậm chí là nghề diễn viên như ở các nền điện ảnh khác.

Một số ý kiến cho thấy mặt bằng phim Việt những năm qua, hiện tượng "nghề nghiệp nhân vật là để trang trí" có thể là 50/50. Không ít phim gán cho nhân vật một nghề mang tính danh nghĩa, tuy cũng có một số phim khá đi sâu vào nghề nghiệp nhân vật, như Lô tô, Chị Mười Ba, Sắc đẹp ngàn cân hay 11 niềm hi vọng.

Nghề nghiệp trong phim Việt chỉ để trang trí? - Ảnh 4.

Nhân vật chính của Hai Phượng làm nghề đòi nợ thuê, được khắc họa khá rõ - Ảnh: ĐPCC

Đòi hỏi hiểu 200% về nghề nghiệp đó

Trước thực trạng nghề nghiệp vẫn là yếu tố phụ để xây dựng nên thân phận nhân vật, giúp nhà làm phim kể câu chuyện họ muốn, trao đổi với Tuổi Trẻ, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh cho rằng: "Một vấn đề quan trọng của điện ảnh Việt Nam là kịch bản.

Các biên kịch điện ảnh hiện nay phần lớn là các bạn trẻ, họ chỉ muốn khai thác đến các chủ đề như tình yêu, tâm lý, hướng đến khán giả trẻ nhiều hơn. Nghề nghiệp của nhân vật thường chỉ là nền cho câu chuyện, chứ không phải là yếu tố trung tâm".

Hơn nữa, theo Hồng Ánh, phim điện ảnh về nghề nghiệp đòi hỏi nhà làm phim bỏ rất nhiều thời gian đi thực tế, tìm tư liệu nên họ không mặn mà.

Về dòng phim bám sát một nghề cụ thể (cảnh sát, luật sư, nhà báo, công nhân...), đại diện một công ty sản xuất phim điện ảnh Việt ở TP.HCM nhận định: "Phim ngành nghề đặc thù đòi hỏi dấn thân thực sự, phải hiểu nghề đó đến 200% và phải kể được những câu chuyện lồng ghép. Câu chuyện này lại vừa phải đúng với thực tế ngành nghề, vừa phải có tính thương mại để thu hút khán giả. Một khi đã làm thì không thể làm qua loa".

Câu trả lời này đặt ra thêm một vấn đề, chủ đề ngành nghề có đủ thu hút khán giả đến rạp? Ông Châu Quang Phước, chuyên viên truyền thông lâu năm, nói với Tuổi Trẻ: "Nhìn vào danh sách phim Việt chiếu rạp những năm gần đây, đặc biệt các phim có doanh thu trên dưới trăm tỉ đồng, có thể thấy rõ nhiều phim không có sự hiện diện của nhân vật nghề nghiệp đúng nghĩa, dẫu phim nào cũng phải có các nhân vật từ chính đến phụ làm nghề này kia".

Bởi vậy, "nhân vật làm nghề gì" chưa phải là yếu tố quyết định lựa chọn của các nhà đầu tư phim Việt. "Điểm chung của các phim Việt thành công về doanh thu những năm qua là ở thể loại: lãng mạn hài, hành động thuần chất hoặc pha hài" - ông Quang Phước nhận định.

"Phim Việt chỉ mới cho nhân vật cái nghề"

le na

TS Đào Lê Na

Đó là chia sẻ của TS Đào Lê Na - trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh ĐH KHXH&NV TP.HCM - về hình tượng nhân vật trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Khai thác người lao động dưới điểm nhìn nghề nghiệp, từ đó phóng chiếu ra bức tranh xã hội, bức tranh đời sống, đặc biệt là bức tranh thị thành Sài Gòn là những gì TS ĐÀO LÊ NA mong muốn ở các lớp đạo diễn trẻ.

* Là người giảng dạy về sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, chị nhận xét gì về hình tượng người lao động trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực phim ảnh?

- Nghĩa chung nhất của từ "người lao động" là người sử dụng sức lực của mình để làm công việc tay chân hoặc trí óc. Khi nhân vật người lao động được đưa ra trong sân khấu, điện ảnh hoặc nghệ thuật nói chung, họ sẽ được xây dựng cùng với ngoại hình, tính cách, đặc điểm nổi bật và thường kèm với một nghề nghiệp nào đó.

Nhưng vấn đề cần quan tâm ở đây là nghề nghiệp đó được nhìn như thế nào trong cả tác phẩm, chứ không phải đưa ra cho nhân vật có một nghề. Phim ảnh hiện nay là loại hình nghệ thuật dễ tiếp cận và thu hút giới trẻ nhất. Trong phim ảnh, ta luôn luôn thấy xuất hiện một nhân vật có nghề nghiệp kèm theo, nhưng nghề nghiệp đó lại không được khai thác.

Muốn thật sự đào sâu vào đề tài người lao động phải hoàn toàn nhìn từ điểm nhìn của người lao động, rồi phóng chiếu ra bức tranh xã hội. Mà điều đấy gần như các bộ phim Việt chưa làm được, hoặc có thì cũng rất ít.

* Có ý kiến cho rằng nghề nghiệp thường bị xem là yếu tố phụ góp vào xây dựng hình tượng nhân vật?

- Bất kỳ nền tảng nào đưa vào phim cũng cần được khai thác triệt để. Nghề nghiệp là yếu tố thường bị bỏ qua. Mặc dù trong phim nhân vật vẫn được cho làm một nghề gì đó nhưng cả phim lại không thấy mâu thuẫn, xung đột, giải quyết dựa trên hiểu biết của người làm phim về nghề nghiệp. Nghề nghiệp và những yếu tố khác của nhân vật phải được hiểu đúng và sâu mới làm ra được những bộ phim có nhân vật đáng tin cậy. Do đó, nghề nghiệp không bao giờ là yếu tố phụ, kể cả bộ phim có lấy nghề nghiệp làm đề tài hay không.

KHÁNH MY - KIM TÂM thực hiện

Once Upon a Time in... Hollywood: Đáng xem từng phút hay quá chán? Once Upon a Time in... Hollywood: Đáng xem từng phút hay quá chán?

TTO - Bộ phim được khán giả yêu điện ảnh chờ đợi của đạo diễn Quentin Tarantino, với dàn sao Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Maggot Robbie gần như gây chia rẽ trong khán giả khi rời rạp chiếu.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên