Nghề làm “giáo sư Xoay” trăm họ

HOA KIM 18/03/2021 18:30 GMT+7

TTCT - Ở tuổi thất tuần, Vishwanath là một trong những người trả lời năng nổ nhất trên Quora và được người dùng của nền tảng hỏi đáp này yêu mến nhờ cách tiếp cận dí dỏm nhưng không kém phần sắc sảo đối với những câu hỏi xoay quanh các chủ đề tưởng chừng như nhàm chán.

Ông Gopalkrishna Vishwanath tại một sự kiện

 Gopalkrishna Vishwanath, 73 tuổi, là một cựu sinh viên Viện Khoa học và công nghệ Birla ở Pilani, miền Bắc Ấn Độ. 

Ở tuổi mà hầu hết mọi người hưởng thú điền viên, ông trở thành một hiện tượng trên Quora - trang web hỏi đáp phổ biến nhất thế giới - với hơn 9.100 câu trả lời thuộc nhiều lĩnh vực mà ông cần mẫn gửi cho những người hoàn toàn xa lạ từ năm 2015. 

Gia tài quý hơn vàng của Vishwanath là danh hiệu Quora Top Writers (người trả lời hàng đầu) trong hai năm 2017 - 2018, 208.000 người theo dõi và hơn 80 triệu lượt xem các nội dung do ông đăng tải trên nền tảng chia sẻ kiến thức miễn phí.

Tự viết về mình là “một người đam mê Internet/mạng xã hội” trong hồ sơ cá nhân trên Quora, Vishwanath từng có 28 năm làm việc trong vai trò kỹ sư kết cấu tại một công ty tư vấn xây dựng nhà nước, sau đó ra mở một công ty thiết kế nhỏ của riêng mình trước khi về hưu từ cuối năm 2011. 

Trả lời phỏng vấn tạp chí The Interview Times vào cuối năm 2020, ông Vishwanath tự cảm thấy bản thân dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tâm hồn vẫn “mãi mãi tuổi 21” với năng lượng và nhiệt huyết vô bờ dành cho việc giải đáp những thắc mắc vô tận của nhân loại.

Đến với Quora là duyên phận

Ông Vishwanath biết đến Quora một cách tình cờ vào tháng 7-2015 trong một lần sang Mỹ ở cùng gia đình con gái trong 6 tháng. “Con gái và con rể tôi đi làm suốt, để vợ chồng tôi một mình ở nhà chẳng có gì để làm. Không “cảm” được các chương trình truyền hình nước ngoài, tôi bắt đầu dành cả ngày vùi đầu vào chiếc máy tính xách tay và lướt Google” - người đàn ông với mái tóc và bộ ria bạc trắng nói với The Interview Times.

Ông bắt đầu tò mò khi thấy đứng vị trí hàng đầu trong các kết quả tìm kiếm thường là các liên kết dẫn đến Quora; và khi hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần ông quyết định bỏ thời gian khám phá trang web này xem có gì hay ho mà phổ biến đến vậy. Không mất nhiều thời gian để Vishwanath quả quyết đây chính là thứ mà ông tìm kiếm bấy lâu: nó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức của ông và cho phép ông thỏa mãn niềm đam mê viết lách và kết nối với những độc giả đa dạng cả về địa lý và văn hóa.

“Nó đáp ứng nhu cầu giao lưu trên Internet, thu thập thông tin và nâng cao kiến thức của tôi. Hơn nữa, nó giữ cho trí óc tôi bận rộn và giúp tôi tránh khỏi trầm cảm và cô đơn trong những ngày tháng sống đời hưu trí” - ông thổ lộ.

Vishwanath bắt đầu mày mò trả lời những thắc mắc của người dùng khác đăng tải có liên quan đến những lĩnh vực mà ông am hiểu. Kiến thức rộng cộng với sự sắc sảo pha lẫn dí dỏm trong những câu trả lời giúp ông dần nổi lên trong cộng đồng sử dụng Quora và bắt đầu kiếm ra tiền từ công việc giết thời gian lúc rảnh rỗi.

 
 Ảnh: interviewtimes.com

 Bình thản trước khen chê

Vang danh trên Quora là vậy nhưng Vishwanath cho biết sự nổi tiếng ảo “không ảnh hưởng chút nào” đến đời sống cá nhân mình, và “đến con chó gặp tôi ngoài đường còn không vẫy đuôi nữa là”. Ông thích tận hưởng cái mà ông gọi là “hạnh phúc của sự ẩn danh”. “Các thành viên gia đình không bận tâm đến sự nổi tiếng trên Quora của tôi, còn đám con tôi thì biết tôi có hoạt động trên đó nhưng chẳng bao giờ chịu đọc những thứ tôi viết trừ khi tôi gửi link kêu chúng đọc” - ông nói.

Những người con thường khuyên ông không nên tiết lộ quá nhiều về đời tư ở chốn công cộng và cấm tiệt ông không được nhắc về chúng trong các câu trả lời, và ông hoàn toàn tôn trọng điều đó. Hàng xóm, họ hàng và người quen của Vishwanath hầu như không biết đến sự tồn tại của Quora, và khi ông nói ông dành nhiều thời gian trên Quora từ lúc về hưu, họ thường hỏi ngược lại “Kora à? Là cái gì vậy? ”. Vợ ông tuy cũng có chút hứng thú với sự nổi tiếng của chồng mình nhưng không cho đó là điều gì to tát đáng để tự hào.

Có lần ông nghe bà càm ràm với bạn bè rằng ông lúc nào cũng tỏ ra “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” khi đối đáp với người dưng trên mạng nhưng lúc vợ hỏi đến thì… cái gì cũng tắc tị. Có lần ông “lỡ miệng” khoe với bà về số người theo dõi “khủng” trên Quora của mình, bà chịu hết nổi bèn sổ toẹt: “Bao nhiêu người trong đám đó sẽ nấu cho ông được một bữa cơm tử tế? Hãy nhớ rằng tôi là người duy nhất đã thực sự dõi theo ông suốt 45 năm đấy”. Theo Vishwanath, câu nói của người vợ đã đưa ông trở về mặt đất và khiến ông ngay lập tức nhận ra sự nổi tiếng trên mạng chỉ là phù phiếm. “Nếu trang web này dẹp tiệm, tất cả những người theo dõi tôi sẽ biến mất trong tích tắc, không giống như người thật bằng xương bằng thịt ngoài đời” - ông nói.

Làm người nổi tiếng ắt không tránh khỏi khen chê thị phi, nhưng cách ông chọn đối diện với chúng là để ngoài tai tất cả. “Tất nhiên, lời khen bao giờ cũng dễ nghe. Nhưng tôi không cho phép chúng vận vào đầu. Tôi hoan nghênh những lời chỉ trích và xem xét chúng một cách nghiêm túc để nhìn nhận lại bản thân” - ông chia sẻ thẳng thắn.

Khi có người chỉ ra điểm chưa chính xác trong câu trả lời, ông thoải mái nhận sai, đính chính và công khai cảm ơn người đã phê bình mình. Nếu không đồng tình với ý kiến chỉ trích, ông lịch sự giải thích rõ ràng, và nếu lời giải thích vẫn bị bác bỏ dẫn đến những tranh cãi tiếp theo, ông chọn cách lặng lẽ rút khỏi cuộc tranh luận và không trả lời nữa. “Tôi không bao giờ cố gắng nói lời sau cùng và chấp nhận để đối phương hả hê với cảm giác thắng cuộc. Tôi chỉ tắt thông báo, chặn và báo cáo người dùng đó (với Quora). Và cuối cùng là quên chúng đi” - Vishwanath tỏ ra bình thản.■

Điều thú vị ở chỗ dù là chuyên gia trả lời, nhưng Vishwanath lại kiếm được tiền bằng cách đặt câu hỏi. Quora có chính sách trả tiền cho các đối tác (những người dùng có chất lượng câu trả lời tốt, lượt xem cao) để họ đặt câu hỏi “mồi” nhằm kéo traffic về cho trang, từ đó tăng doanh thu quảng cáo. Mỗi lượt nhấp vào quảng cáo xuất hiện tại một câu hỏi, người đặt câu hỏi sẽ được trả hoa hồng tương ứng.

Có lúc cao nhất ông kiếm được 744 USD/tháng, còn “tàn tàn” thì cũng khoảng 330 USD/tháng cho việc đặt câu hỏi bằng tiếng Anh và Hindi. Thời hốt bạc rực rỡ nhất của Vishwanath là năm 2019, ông kiếm được tổng cộng 4.200 USD/năm từ thú vui này. Tuy nhiên, sau đó Quora siết lại chính sách chi trả cho đối tác và nguồn thu này của ông bị giảm khoảng 90%. Hiện tại, ông bỏ túi khoảng 30 USD/tháng từ việc đặt 15-20 câu hỏi mỗi ngày.

Đặt câu hỏi sao cho “đắt” để hút tương tác cũng là cả một nghệ thuật. Bản thân Vishwanath cũng thừa nhận không phải câu hỏi nào của ông cũng hái ra tiền: có câu không kiếm được đồng nào, có câu thu về chỉ vài cent. Thường chỉ có 1/10 số câu hỏi của ông là kiếm được từ 1-2 USD, và phải 20 câu hỏi mới có một câu kiếm được nhiều hơn thế.

Không như một số đối tác chạy theo số lượng để kiếm tiền và không ngó ngàng đến những câu hỏi mình đã đặt, Vishwanath cho biết ông luôn suy nghĩ để đặt những câu hỏi mang tính gợi mở và dành thời gian đọc tất cả trả lời bên dưới câu hỏi của mình. “Tôi không sẵn sàng đánh mất uy tín của mình trên diễn đàn này vì tiền” - ông giải thích. Cũng chính vì vậy mà cho đến giờ ông vẫn tránh nhận các hợp đồng “chèn” quảng cáo sản phẩm vào các câu trả lời của mình dù nhận được rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn. Có đơn vị ngỏ ý mượn tên ông để đăng tải câu trả lời do họ soạn sẵn, ông chỉ việc ngồi không là có tiền nhưng Vishwanath vẫn kiên quyết từ chối.

 

Tri thức là nền tảng

Quora ra mắt khá trễ (vào tháng 6-2010) khi mà ý tưởng xây dựng những trang web nơi người dùng có thể đặt câu hỏi và nhờ cộng đồng mạng giải đáp đã xuất hiện từ năm 2003 với AnswerBag, trước khi bùng nổ từ năm 2006 với sự ra đời lần lượt của Yahoo! Answers và Askville (của Amazon). Nhưng “sóng sau đè sóng trước”, trong khi các nền tảng tiên phong hoặc chết yểu hoặc trở thành web “rác” thì Quora vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cộng đồng hỏi đáp chất lượng với lượt truy cập thuộc hàng top thế giới. Một bài blog trên Medium của tác giả với nickname “aahanbhatt” lý giải những khác biệt tạo nên sự thành công của Quora so với người tiền bối Yahoo! Answers.

Thứ nhất, người dùng của Quora được chọn lọc kỹ lưỡng từ khi mới hình thành nhờ chính sách “invite only” (ai được mời mới được đăng ký tài khoản). Nhờ đó, những câu hỏi ban đầu trên nền tảng này đều do chuyên gia am hiểu lĩnh vực giải đáp, dần dà tạo nên một cộng đồng biết cách đặt những câu hỏi thông minh và trả lời văn minh dù sau này Quora cũng “mở cửa” cho tất cả đối tượng tham gia.

Ngược lại, việc Yahoo! Answers chào đón tất cả người dùng từ sớm khiến trang web này gặp phải vấn nạn spam (đặt câu hỏi nhảm, vô nghĩa, hoặc quảng cáo trá hình) biến nơi đây chẳng mấy chốc trở thành một trang web giải trí hơn là nơi tìm kiếm tri thức đúng nghĩa. Sự thiếu kiểm soát nội dung từ phía Yahoo khiến trang này tràn ngập những câu hỏi “khó đỡ” và trở thành chủ đề đùa cợt một thời của cộng đồng mạng như: “Nếu tự ăn thịt mình thì tôi sẽ bự gấp đôi hay biến mất?”, “Mật khẩu vào mạng của tôi là gì?”, “Có bao nhiêu con ma cà rồng đã bị xúc phạm bởi phim Twilight?”… và còn nhiều vô kể. Trong khi đó, chính sách nội dung của Quora đảm bảo những nội dung sai sự thật, nhằm mục đích đùa giỡn hay thiếu tôn trọng người khác đều sẽ bị chặn.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quora còn có tính năng “Asked to Answer” cho phép người dùng chỉ đích danh người mà họ mong muốn sẽ giải đáp thắc mắc của mình, thường là người có am hiểu về lĩnh vực hoặc người mà người hỏi cho là có khả năng trả lời tốt nhất câu hỏi của họ. Tính năng này giúp đảm bảo mọi câu hỏi đều có khả năng cao nhất tìm được câu trả lời phù hợp, tránh tình trạng “tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời” do số lượng câu hỏi quá nhiều mà người trả lời thì có hạn.

Cuối cùng là thời điểm: Yahoo! Answers ra mắt vào lúc thị trường chưa thật sự sẵn sàng cho loại nội dung mới mẻ này, còn Quora đến trong bối cảnh Internet thật sự “đói” nội dung mang hàm lượng tri thức cao để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng khắp thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận