24/12/2021 15:19 GMT+7

Nghe lại những trích đoạn, bài ca cổ của giọng ca huyền thoại Thanh Kim Huệ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Thanh Kim Huệ là giọng ca luôn giữ nét tươi tắn, thanh xuân. Bà là nghệ sĩ biết phả vào câu vọng cổ vẻ trẻ trung, tươi mới. Nghe bà ca, người ta cảm nhận như được tắm mát trong dòng suối trong trẻo.

Nghe lại những trích đoạn, bài ca cổ của giọng ca huyền thoại Thanh Kim Huệ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ và Nam Hùng trong vở Ngao Sò Ốc Hến - Ảnh chụp màn hình: CẨM LINH

Khán giả say đắm bà qua nhiều băng đĩa, tuồng tích như Yêu lầm, Sao không thấy anh về, Chợ mới, Chị Sáu Giồng Trôm, Hoa mua trắng, Cô gái tưới đậu, Thương về miền Trung, Lan và Điệp, Ngao Sò Ốc Hến...

Mời bạn đọc cùng Tuổi Trẻ Online nghe lại giọng ca huyền thoại trong một số trích đoạn cải lương và bài ca cổ:

Ngao Sò Ốc Hến

Với vở Ngao Sò Ốc Hến (đạo diễn: NSND Ba Vân) của soạn giả NSND Năm Châu, lần đầu tiên Thanh Kim Huệ vào vai đào lẳng (Thị Hến).

Với Ngao Sò Ốc Hến, lần đầu tiên Thanh Kim Huệ vào vai đào lẳng - Video: trích từ video HTVC Thuần Việt cung cấp

Cô mất hơn 1 tháng để tập từ cái liếc mắt sắc như dao cau, cái lắc mông làm lũ quan lại chết mê, giọng hát đẩy đưa say đắm. Các nghệ sĩ Giang Châu vai Trùm Sò, Trường Xuân vai Bác Ngao, Thanh Điền vai Quan Huyện, Nam Hùng vai Thầy Đề, Tô Kim Hồng vai Bà Huyện… đều sáng tạo hết mình và rốt cuộc Ngao Sò Ốc Hến trở thành vở cải lương hài độc đáo trong lịch sử sân khấu cải lương.

Các nhân vật trong vở diễn đều đi vào cuộc sống, ai lẳng lẳng sẽ được gọi là Thị Hến, ai keo kiệt bị gọi là Trùm Sò, ai có máu dê bị gọi là Quan Huyện, Thầy Đề…

Lan và Điệp

Cuối năm 1974, soạn giả Loan Thảo cho thâu tuồng Lan và Điệp. Trong tuồng, Chí Tâm hát vai Điệp còn Thanh Kim Huệ vô vai Lan, dàn bao là các nghệ sĩ Hữu Phước, Tú Trinh, Hùng Minh, Mai Lan…

Lần đầu tiên Thanh Kim Huệ thể hiện nhân vật Lan trên sân khấu. Bản dựng này do nghệ sĩ Gia Bảo đầu tư thực hiện năm 2019 - Video: Nghệ sĩ Gia Bảo cung cấp

Tuồng Lan và Điệp phát hành, khán giả khắp nơi mê mệt. Tên tuổi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ nổi như cồn. Tên hai nhân vật đã được dùng để gọi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ kể từ ngày ấy.

Bài ca cổ Sao không thấy anh về

Thanh Kim Huệ kể ngày xưa cứ rảnh là bà thử cách ca vọng cổ, bài lý theo âm sắc ba miền. Có lần bà mất cả tháng trời tập bài Lý giao duyên ca theo kiểu Huế, nghe ngộ ngộ, khoái quá bà rù rì với soạn giả Loan Thảo: "Chú viết cho con một bài để con ca Lý giao duyên theo giọng Huế đi!". Vậy là sau đó có ngay bài Sao không thấy anh về để bà thâu chung với Minh Vương.

Thanh Kim Huệ ca bài Sao không thấy anh về

Chợ mới

Khoảng năm 1978, 1979, Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu thâu bài Chợ mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài ca cổ đó sau này trở thành bài "tủ" của nhiều người dân Nam Bộ.

Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu ca bài Chợ mới của soạn giả Trọng Nguyễn

Trong bài có bài Lý trăng soi là một điểm nhấn. Lý trăng soi nhiều người tưởng dân ca Nam Bộ nhưng kỳ thực là sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lý.

Vị nhạc sĩ từng tâm sự câu mở đầu của bài "Ơi dòng sông, mang nước đi nơi nào…", chữ "nước" trong bài của ông tông ngang nhưng khi Thanh Kim Huệ thâu đã đẩy chữ "nước" cao vút lên, và từ đó người ta chỉ hát chữ "nước" theo kiểu Thanh Kim Huệ chứ không như bản gốc ban đầu. Bị sửa bài nhưng nhạc sĩ Cao Văn Lý thừa nhận rằng cách hát của cô hay hơn bản gốc của ông.

Ngọt lịm giọng ca cải lương của Thanh Kim Huệ Ngọt lịm giọng ca cải lương của Thanh Kim Huệ

Trong thế hệ nghệ sĩ cải lương trưởng thành trong giai đoạn giao thời ở cột mốc 1975, NSƯT Thanh Kim Huệ được xem là một trong những giọng ca nữ nổi bật với chất giọng cao vút, ngọt lịm không lẫn với bất cứ ai…

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0