Ông Nguyễn Thùy cùng người hàng xóm đưa các cuộn rơm lên cao để tránh bị lũ lụt gây ướt, hư hỏng, không có thức ăn cho bò
Trưa 13-10, ông Nguyễn Thùy (50 tuổi, ở thôn Thạnh Hội) đi cà nhắc do cái chân bị tật teo nhỏ ra bờ sông Ba xem nước sông lớn hay nhỏ. Quay về nhà, ông nhờ một thanh niên trong xóm đến phụ đưa các cuộn rơm lên giàn cao vừa đóng vài ngày trước đó, với hy vọng nếu có lũ lụt thì sau đó mấy con bò, tài sản lớn nhất của gia đình ông, còn có cái để ăn trong mùa đông năm nay.
"Từ sau đợt nước dâng đột ngột năm ngoái, giờ dân thôn Thạnh Hội này sợ lắm. Hễ nghe có dự báo mưa lớn, thủy điện xả lũ tăng là lo, tối không ngủ được luôn. Nay nghe đài báo từ ngày 14-10 sẽ có mưa cực lớn, nên qua nay bà con không ai bảo ai, nhà nào cũng lo kê dọn đồ đạc, lúa thóc lên cao để phòng lụt lớn" - ông Thùy bộc bạch.
Cách nhà ông Thùy vài căn, ông Nguyễn Văn Long (47 tuổi) cũng nhờ người quen đến khiêng mấy bao lúa đưa lên gác, đưa mấy chục cuộn rơm lên giàn cao. "Năm ngoái lũ lớn nhanh kinh khủng, chỉ kịp bỏ nhà chạy thoát thân, khi trở về thì đồ đạc, tài sản hư hỏng hết, mình đã khổ càng khổ thêm. Năm nay rút kinh nghiệm, chủ động lo trước, khi có lụt lớn là đóng cửa, cả nhà chạy đến nơi cao ráo tránh cho an toàn, đỡ lo lắng" - ông Long bộc bạch.
Ông Cao Minh Trọng, nhà ở trung tâm xã Sơn Hà, cách Thạnh Hội 7-8km, trưa 13-10 cũng chạy xe máy về thăm mẹ già đang ở thôn này. "Tôi về thăm chừng coi nước sông ra sao, nếu nguy cơ lớn thì đưa mẹ đi sơ tán cho kịp thời" - ông nói.
Nhiều nhà dân ở thôn Thạnh Hội đã "thủ" sẵn sõng, xuồng đề phòng có ngập lụt đột ngột
Trước nhà của nhiều gia đình ở thôn Thạnh Hội này đã có những chiếc sõng, xuồng nhỏ sẵn sàng để nếu mưa lớn, nước lụt gây ngập đường thì có phương tiện đi lại. "Năm nay thiết bị cảnh báo thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ở trong thôn được thông báo thường xuyên, liên tục mỗi khi có xả lũ, lưu lượng bao nhiêu nên dân cũng chủ động. Đài truyền thanh xã cũng liên tục thông báo tình hình mưa gió nên bà con nắm bắt cũng tốt" - bà Nguyễn Thị Thành cho biết.
Nhớ lại trận lũ dâng cực nhanh tràn vào thôn Thạnh Hội vào trưa 30-11-2021, chị Nguyễn Thị Hằng còn chưa hết hãi hùng. Nước lớn nhanh đến nỗi, chị và con gái chạy xe máy đi sơ tán chỉ vài trăm mét là xe ngập nước, phải dắt bộ đến đầu con đường lớn vào thôn thì hết đi được. "Cả xóm nhốn nháo. Người lội nước, bò lội nước. Sõng, xuồng tứ phía. Nhiều người chạy không kịp, phải ở nhờ các nhà cao tầng chờ ca nô của lực lượng chức năng đến cứu hộ" - chị Hằng nhớ lại.
Lãnh đạo xã Sơn Hà khi đó cho biết 550 nhà dân của thôn Thạnh Hội đều bị lũ lớn nhấn chìm trong chiều và tối 30-11-2021, ngập sâu từ 1-3m. 1 ca nô cứu hộ bị lật làm 2 đứa bé 3 tuổi và 4 tuổi chết…
Chiều 13-10, ông Tô Phương Bắc - chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - cho biết huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương vùng ngập lụt như Thạnh Hội (xã Sơn Hà) và Bãi Điều (thị trấn Củng Sơn) phải thường xuyên thông báo tình hình dự báo thiên tai, xả lũ để người dân chủ động và có phương án di dời khi có tình huống xảy ra.
"Qua trận lũ lớn cuối năm 2021, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu để lập quy hoạch nơi ở an toàn, đưa người dân các vùng thường xuyên bị ngập lụt đến định cư theo hình thức cấp đất có thu tiền. Hiện việc này đang được triển khai" - ông Bắc nói.
Các hồ chứa chủ động điều tiết để cắt giảm lũ cho hạ du
Ngày 13-10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên có công điện khẩn triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Công điện có nội dung yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, nhất là mưa lớn ở thượng nguồn đổ về hạ lưu; chủ động chỉ đạo vận hành, điều tiết, tích nước, đón, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, đảm bảo không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân khu vực ven sông vùng hạ du hồ chứa; thực hiện phương án đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân.
Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra các khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, lũ, ngập lụt, nhất là khu vực ven biển, ven sông, khu vực trũng thấp, ngập sâu, chia cắt; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân; phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận