Nghệ sĩ Trí Nguyễn và nghệ sĩ violon Byunta - Ảnh: Q.N. |
Đây là album nhận huy chương vàng và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất của Global Music Awards hồi tháng 7-2015.
Nói về album này, Trí Nguyễn thổ lộ: “Có những nghệ sĩ dùng nhạc cụ dân tộc Việt Nam để chơi nhạc Tây. Nhưng tôi thì muốn các nhạc cụ phương Tây hay nhạc Tây phải nương theo mình”.
Cái tự tôn dân tộc của Trí Nguyễn không chỉ ở âm nhạc mà còn ở cái chuyện khư khư giữ lấy quốc tịch Việt Nam của mình sau 28 năm định cư tại Pháp.
Hỏi vì sao anh không đăng ký hai quốc tịch để thuận tiện hơn trong công việc và các sinh hoạt khác tại Pháp, Trí Nguyễn cười hiền nhưng đầy quả quyết: “Tôi sinh ra là người Việt Nam, nói tiếng Việt, viết tiếng Việt. Tôi có nhập tịch nước này hay nước khác thì tôi cũng là người Việt. Dù tôi có đi đâu, làm gì thì tôi cũng là người Việt nên quốc tịch của tôi phải là Việt Nam.
Dĩ nhiên, nếu mang quốc tịch Pháp thì đi lại, làm việc và nhiều thứ khác sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn nhưng điều đó không quan trọng. Cái cực nhất tôi thấy khi mang quốc tịch Việt Nam là phải xin visa khi công tác ở nhiều nước. Nhưng có sao đâu, chỉ mất cùng lắm là một ngày thôi mà vẫn được là người Việt”.
Anh cũng cho rằng với anh, quan trọng là sự nỗ lực trong công việc. Nghề nghiệp nào thì cũng phải khổ luyện, toàn tâm toàn ý mới thành công chứ không phải nhờ quốc tịch nào đó mà thành công.
Chuyện khổ luyện với Trí Nguyễn là... bình thường bởi anh đã chịu một nền giáo dục vô cùng nghiêm khắc từ thuở nhỏ, cầm kỳ thi họa đều được rèn kỹ. Có thể nói, hiện nay Trí Nguyễn là một trong số hiếm nghệ sĩ Việt được học bài bản tới nơi tới chốn và chơi tốt cả hai nhạc cụ piano và đàn tranh.
“Để luyện được ngón đàn như hôm nay, tôi từng bị phạt đòn và quở trách của thầy và nhạc sư rất nhiều...”. Anh kể và cho rằng chính sự nghiêm khắc đó đã giúp anh có được những thành quả như ngày hôm nay.
Trình tấu đàn tranh bằng hai ngón tay chứ không phải ba ngón như phần lớn nghệ sĩ thời nay, nên các kỹ thuật diễn tấu như mổ, rung, nhấn... của Trí Nguyễn cũng khác hẳn. Không tìm được kiểu đàn xưa, đàn thập lục (16 dây), anh đành phải dùng loại đàn 17 dây và bỏ không chơi dây cuối cùng.
Không chỉ tham gia trình diễn, anh còn tự mình thực hiện những video clip chơi đàn tranh trên nền những hình ảnh phương Tây và đưa lên YouTube để khán giả trên toàn thế giới tiếp nhận nhạc Việt và đàn tranh một cách dễ dàng hơn.
Với album Consonnances cũng vậy, những violon, viola, cello, guitar, bộ gõ đậm âm sắc phương Tây sẽ làm nền cho tiếng đàn tranh đậm âm sắc Việt Nam trong những bản nhạc dân tộc: Khốc hoàng thiên, Trăng thu dạ khúc, Sầu buồn và hò, Nam ai, Ái tử kê, Sương chiều, Lý quạ kêu, Lý kéo chài, Lý ngựa ô, Tử quy từ... Tất cả đều do Trí Nguyễn chuyển soạn và trình tấu.
Trí Nguyễn cũng “bật mí” về album thứ hai đang trong quá trình thực hiện với những kết hợp thú vị giữa nhạc Việt và nhạc Ả Rập.
Ngoài việc thực hiện các đĩa nhạc, anh cũng sẽ bỏ nhiều tâm sức hơn trong việc tìm kiếm và đào tạo cho những ai thật sự yêu mến đàn tranh. Bởi với anh, đó là cách duy nhất để giữ nghề và giữ âm nhạc quê hương.
Chương trình mang tên Đối thoại Đông - Tây của nghệ sĩ Trí Nguyễn diễn ra vào 20g ngày 23-10 tại Nhạc viện TP.HCM (112 Nguyễn Du, Q.1) sẽ trình tấu piano trong phần 1 của chương trình với những bản valse và tango cổ điển cùng nghệ sĩ violon Pháp gốc Nga - Byunta Goryaeva. Ở phần 2, anh sẽ trình tấu đàn tranh, giới thiệu các tác phẩm dân tộc trong album Consonnances với các khách mời: Byunta (violon), Đình Bình (violon), Hoàng Yến (viola), Thanh Hoài (cello), Thành Lộc - Khương An (guitar acoustic) và Quang Quyền (bộ gõ). |
Không chỉ nhận được giải thưởng từ Global Music Awards tháng 7-2015, album Consonnances của Trí Nguyễn còn là sản phẩm bán chạy trên hệ thống iTunes. Có những bản nhạc trong album này của anh được iTunes chào bán với giá 1,38 USD (vì bán chạy) so với mức giá thông thường là 0,99 USD. Từ album này, anh cũng được mời trình diễn trong Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP21 tại Paris (Pháp) vào tháng 12 tới. “Lần này tôi sẽ tạo nên những tác phẩm mang màu sắc của nhạc Việt Nam xen lẫn Ấn Độ vì chủ đề của hội nghị năm nay là về nước với các vấn đề của sông Hằng. Nghệ sĩ Hải Phượng sẽ cùng trình diễn với tôi trong hội nghị lần này” - anh cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận