13/07/2018 10:55 GMT+7

'Nghề' cứu hộ hang động

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Dù chẳng có trường đại học hay học viện nào đào tạo, nghề cứu hộ hang động vẫn luôn là lựa chọn của những đam mê riêng tự thân và tự nguyện của nhiều người.

Nghề cứu hộ hang động - Ảnh 1.

Các thợ lặn quốc tế chuẩn bị vào hang Tham Luang - Ảnh: Reuters

Tôi chỉ quan tâm tới hang động nó sẽ đi đâu và kết thúc như thế nào. Tôi cho rằng đó là động cơ thúc đẩy mình tham gia cứu hộ

Rick Stanton (thợ lặn Anh vừa tham gia cứu hộ tại Tham Luang)

Bất cứ ai đã theo dõi những diễn biến cuộc tìm kiếm, cứu hộ và giải thoát các cầu thủ thiếu niên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang (Thái Lan) những ngày qua, đều biết những người đầu tiên tìm thấy các em chính là hai thợ lặn người Anh thuộc nhóm tình nguyện viên ba người đến từ Hội đồng Cứu hộ hang động Anh (BCRC). 

Đó là hai ông John Volanthen, 47 tuổi và Rick Stanton, 56 tuổi, những người có ít nhất 35 năm kinh nghiệm trong nghề.

Nơi khai sinh "nghề" cứu hộ hang động

Cứu hộ hang động gắn liền với môn thể thao khám phá hang động được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới môn thể thao này một phần là nhờ vào những chuyến thám hiểm của ông Édouard-Alfred Martel, nhà tiên phong trong lĩnh vực hang động học tại Pháp, một người đã có rất nhiều thành tựu khám phá nổi bật về các hang động sâu trong dãy núi Alps.

Các câu lạc bộ khám phá hang động đầu tiên được thành lập tại Anh vào những năm 1920 và 1930, khởi đầu tại vùng Yorkshire Dales và ở Somerset. Tổ chức Cứu hộ hang động (Cave Rescue Organisation - CRO) tại Yorkshire là tổ chức cứu hộ hang động đầu tiên trên thế giới thành lập năm 1935. 

Tiếp theo đó là sự ra đời của Tổ chức cứu hộ Mendip tại Somerset năm 1936. Sau Thế chiến 2, các hoạt động thám hiểm hang động tiếp tục được quan tâm và nhiều tổ chức khác được thành lập thêm, như một tổ chức tại Derbyshire năm 1952.

Môi trường dưới lòng đất rõ ràng không chỉ là "địa ngục tăm tối" mà còn thiếu những điều kiện sinh tồn cơ bản với con người. Bị mắc kẹt, bị thương, toàn thân ẩm ướt và rét run ở một nơi nằm rất sâu dưới lòng đất, xung quanh là những lối đi chật hẹp, quanh co có thể đang mau chóng ngập đầy nước, tất cả những điều đó thực sự là ác mộng với bất cứ ai.

Kể từ khi thành lập tới nay, Tổ chức Cứu hộ hang động (CRO) đã hỗ trợ gần 3.500 người trong hơn 2.000 vụ việc khác nhau, phối hợp với các đội khác trên cả nước. Vào những lúc cao điểm, họ cùng lúc giải quyết tới sáu vụ cứu hộ một ngày.

Những sự vụ như vậy có thể mang lại vô số hệ lụy cho người cứu hộ. Nhưng tất cả đều là tình nguyện viên và không ai nhận một đồng thù lao cho những nỗ lực giúp đỡ của họ, những nỗ lực thường gắn với vô số thời khắc sinh tử, khó nhọc kéo dài nhiều giờ dưới lòng đất hoặc trần mình hứng chịu đủ mọi loại thời tiết cực đoan.

Nghề cứu hộ hang động - Ảnh 3.

Các thợ lặn người Anh John Volanthen (trái) và Richard “Rick” Stanton nói chuyện với nhân viên cứu hộ người Thái Lan tại khu vực hang Tham Luang - Ảnh: AFP

Theo ông Jack Pickup, chủ tịch CRO và cũng là một thành viên của tổ chức này từ những năm 1960, thành công từ một cuộc cứu hộ luôn đem lại cảm giác thỏa mãn vô cùng lớn lao. "Bất kể công việc nhọc nhằn kéo dài hết giờ nọ sang giờ kia, nhưng khi kết thúc luôn có một sự phấn khích tột độ" - ông nói. 

"Bạn không thể ngừng suy nghĩ về nó. Rất nhiều khi tôi đã về nhà rồi mà vẫn không sao ngủ được vì vẫn còn quá phấn khích" - chuyên gia cứu hộ kỳ cựu lý giải niềm đam mê đã đeo đuổi ông suốt vài chục năm.

Không dễ để được... tình nguyện

Cũng giống như các tổ chức cứu hộ tình nguyện khác, hơn 70 thành viên tại CRO đến từ đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Họ là giáo viên, kỹ sư, họa sĩ, kỹ sư điện và thậm chí là các giảng viên khám phá hang động chuyên nghiệp. Có những thành viên đã tham gia nhóm trong vài thập kỷ.

Hai thợ lặn người Anh thuộc Tổ chức BCRC cũng có những công việc mưu sinh khác, ông Stanton là một lính cứu hỏa, còn ông Volanthen là kỹ sư máy tính. Ông Stanton từng chia sẻ với tạp chí Divernet rằng công việc lặn và cứu hộ trong hang động của ông chỉ là một "sở thích" và hoàn toàn là "công việc tình nguyện".

Tại CRO, để được tham gia cứu hộ, phải có kinh nghiệm thám hiểm hang động hoặc leo núi. Sau đó phải trải qua giai đoạn thử thách sáu tháng để học hỏi những kỹ năng mới như sơ cứu, điều khiển băng cáng hoặc thiết bị liên lạc, thao tập trong các đợt huấn luyện định kỳ.

So với những ngày đầu tiên, cách tổ chức hoạt động cứu hộ hiện nay của CRO và các nhóm cứu hộ hang động khác đã được "nâng cấp" rất nhiều. Một đội cứu hộ bây giờ được tập hợp bài bản hơn với những người được đào tạo tốt hơn và cũng được trang bị dụng cụ hỗ trợ tốt hơn xưa.

Tại Anh, các nhóm cứu hộ hang động có một danh sách "đường dây nóng" của 200 chuyên gia hang động có thể cầu cứu khi gặp chuyện khẩn cấp.

Nghề cứu hộ hang động - Ảnh 4.

Hình ảnh giới thiệu tất tần tật những dụng cụ liên quan tới công việc của lực lượng cứu hộ hang động như cáng thương, dụng cụ dò khí ga, đèn chiếu, thang kim loại, dây thừng... Ảnh: CRO

Ông Volanthen, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Sunday Times năm 2013, từng chia sẻ bí quyết để làm tốt công việc của một thợ lặn hang động là phải giữ cho cái đầu thật điềm tĩnh. "Hoảng sợ không nên có trong việc lặn hang động - ông nói - Dưới nước mọi thứ xảy ra chậm rãi. Nếu một cái dù không bung ra sau khi nhảy, bạn chỉ có vài giây để trù liệu số phận của mình".

Hầu như ở mỗi nước, mỗi khu vực, đặc biệt những khu vực có hang động, đều có một tổ chức tình nguyện cứu hộ hang động như vậy. Điều đáng nói, hầu như mọi tổ chức này đều là tổ chức tình nguyện, hoạt động bằng tiền quyên góp từ thiện của các tổ chức, cá nhân. Họ tham gia trước hết bởi niềm đam mê với môn thể thao khám phá mạo hiểm và bên cạnh đó là mong muốn giúp đỡ những người khác.

Bất kể chuyện gì xảy ra, các nhóm cứu hộ hang động tình nguyện vẫn tiếp tục lên đường khi có thông tin đề nghị được giúp đỡ. Bất kể hiểm nguy và gian khổ, những người khám phá hang động vẫn luôn giúp đỡ những người khám phá hang động khác. Họ phải làm điều đó bởi không còn ai khác biết cần phải làm việc này như thế nào.

Những thảm kịch không thể nào quên trong hang động Ký ức sống dậy từ vụ giải cứu ở Tham Luang Cuộc giải cứu nhà vật lý trong hang động sâu nhất nước Đức
D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên