15/11/2019 10:10 GMT+7

'Nghe con là lon xon mắng người', bảo sao không có bạo lực học đường?

TRẦN VĂN TÁM - THÁI HOÀNG
TRẦN VĂN TÁM - THÁI HOÀNG

TTO - 'Nghe con là lon xon mắng người', cứ như thế, bạo lực học đường ngày càng gia tăng mà gốc rễ của tình trạng ấy chính là gia đình.

Nghe con là lon xon mắng người, bảo sao không có bạo lực học đường? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM) diễn kịch về bạo lực học đường để cùng nâng cao nhận thức và hành động chống lại vấn nạn này - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bạo lực học đường xảy ra từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi không từ chỗ nào. Nhiều người đổ lỗi cho nhà trường, rằng trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, chỉ lo chú trọng dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy trở thành người lương thiện, người có đạo đức, gương mẫu.

Tuy nhiên, gia đình cũng không vô can!

Tưởng con ngoan hiền

Phân tích các vụ bạo lực học đường thì thấy trẻ đánh bạn thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo đông anh em, cha mẹ bận bịu lo kế sinh nhai không có thời gian gần gũi và chăm sóc con cái.

Cũng có nhiều trẻ xuất phát từ gia đình không trọn vẹn, cha mẹ ly hôn... Tuy nhiên, không phải cha mẹ có vị trí, có đạo đức, có học vấn, nhà khá giả thì chắc chắn con sẽ ngoan và không bạo lực. Câu chuyện có thật dưới đây là một ví dụ.

Cách đây vài năm, báo chí đưa tin con của một quan chức cấp huyện ở tỉnh Tây Ninh vô cớ đánh chết người vì chuyện không đáng. Theo báo chí, tối hôm đó có hai thanh niên từ Củ Chi lên Trảng Bàng uống cà phê. Khi đi xe máy ngang qua chỗ mấy thanh niên đang ngồi nhậu ngoài đường, hai người tưởng người quen nên dừng lại nhìn. Chỉ có vậy mà nhóm thanh niên kia dùng gậy đánh một người gãy tay, một người bị đánh vỡ sọ chết.

Tìm hiểu thêm được biết nhóm này thường tụ tập ăn nhậu hằng đêm, thường xuyên tổ chức đua xe gây náo loạn cả đoạn đường dài, còn chuyện vô cớ đánh người thì xảy ra như cơm bữa. Người dân ai cũng biết chuyện và bất bình, chỉ ra từng "gương mặt đen" cụ thể, báo cho chính quyền, công an ấp, xã biết nhưng vì cha của một người trong nhóm này là một chức sắc ở địa phương nên dù nhiều lần được trình báo, mọi việc vẫn rơi vào quên lãng.

Hôm đám tang anh thanh niên bị hại chết, cha của người gây án thổ lộ: "Đúng là gia đình tôi có lỗi chưa thật sự quan tâm đến con cái, tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, chiều thấy con ăn cơm chung cứ tưởng nó ngoan hiền, tối tối thỉnh thoảng thấy con đi chơi vòng vòng trong xóm tưởng bình thường như bao thanh thiếu niên trong ấp khác, nào ngờ giờ xảy ra chuyện lớn".

"Nghe con là lon xon mắng người"

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều, càng "bạo lực" khiến chúng ta đau đớn lòng. Mỗi lần xem clip hay đọc tin tức về bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng, chúng ta lại xót xa. Những lý do chẳng đâu vào đâu cũng dẫn đến tệ nạn đau lòng này.

Biện pháp nào để tệ nạn bạo lực học đường ngày càng giảm? Có nhiều nguyên nhân, nhưng từ góc độ gia đình có thể khẳng định gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi nhau, bạo lực gia đình... vô tình gieo cho con cái tính cách ấy. Từ đó, con cái sẽ "thực hành" ở trường, ở lớp. Và như thế, bạo lực học đường dễ "thực hành" bắt nguồn từ gia đình.

Bên cạnh đó, khi con cái gây gổ nhau ở trường, về nhà kể cha mẹ nghe, nhiều bậc phụ huynh thay vì khuyên con ứng xử hay, đẹp trước tình huống ấy thì lại tỏ ra bực tức về những đứa học trò đó trước mặt con mình; thậm chí có những bậc phụ huynh "nghe con là lon xon mắng người" bằng cách lên tận trường "dằn mặt" những đứa trẻ ấy. Cứ như thế, bạo lực ngày càng gia tăng mà cái gốc của sự gia tăng ấy chính là gia đình.

Gia đình là cái nôi rất quan trọng để hình thành nhân cách của con cái. Bởi vậy, sự quan tâm, giáo dục con cái từ các bậc làm cha làm mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy thực sự là tấm gương sáng để các con noi theo.

Chủ động quan tâm con cái

Trẻ hư hỏng thường do gia đình chưa quan tâm, không kiểm soát được giờ chơi, giờ học của con cái. Mong các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm đến con cái, dành thời gian gần gũi con để phát hiện diễn biến tâm lý khác thường của con mà kịp thời uốn nắn. Đừng để khi con mình tham gia chuyện băng nhóm, dùng bạo lực, bạo hành thanh toán lẫn nhau bị pháp luật trừng trị thì lúc đó có vò đầu bứt tai, than thân trách phận cũng bằng con số không.

Học trò đánh nhau dã man, người lớn ở đâu hết rồi? Học trò đánh nhau dã man, người lớn ở đâu hết rồi?

TTO - Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra ở các địa phương trên cả nước. Thậm chí có vụ học sinh chém nhau, phụ huynh cũng xông vào trường đánh học sinh… khiến dư luận mệt nhoài.

TRẦN VĂN TÁM - THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên