12/04/2017 09:28 GMT+7

Nghề 'chữa bệnh' cho đô thị

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Sự phát triển nhanh cùng với những vấn đề bức xúc nan giải của các đô thị, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, đã kéo theo nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực ngành đô thị học ở Việt Nam.

Sinh viên khoa khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV tham gia hội thảo sinh viên về Phát triển đô thị bền vững tại thành phố di sản Penang, Malaysia

Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, TP.HCM và Hà Nội có hai vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết đó là kẹt xe và ngập lụt.

“Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM đặt cho ĐHQG TP.HCM nghiên cứu tìm ra phương án giải quyết. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía khoa đô thị học, với vai trò là một khoa nghiên cứu những chính sách về đô thị.

Thứ hai, khoa đô thị học không chỉ nghiên cứu lý thuyết hàn lâm mà còn phải xây dựng các khoa học ứng dụng, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển TP.HCM cũng như các đô thị tại Việt Nam” - ông Nghĩa nói.

“Khát” nguồn nhân lực

Cùng với xu hướng quy hoạch chung của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, đô thị học ngày càng có tầm quan trọng với đặc trưng là liên ngành, đa lĩnh vực và tập trung vào nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi. Điều này bổ sung cho những kiến thức kỹ thuật trong nghiên cứu đô thị, vốn đang chiếm ưu thế trong môi trường học thuật và làm việc liên quan đến đô thị hiện nay.

“Mình chọn ngành đô thị học không chỉ vì đam mê mà còn vì nhận thấy VN đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và cần một nguồn nhân lực dồi dào để quản lý đô thị.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, muốn có việc làm đúng chuyên ngành đòi hỏi sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn kiến thức mà còn phải thành thạo các kỹ năng mềm và thực hành xã hội” - Lương Thành Đạt (sinh viên năm cuối, khoa đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV -  ĐHQG TP.HCM), chia sẻ.

Nguồn nhân lực của ngành đô thị học tập trung làm các công việc nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng, tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm nhiệm việc tư vấn điều phối, quy hoạch kinh tế - xã hội, thiết kế và xây dựng chính sách;

Thẩm định và đánh giá các dự án có liên quan đến việc phát triển đô thị trong các cơ quan công quyền ở các cấp quản lý hành chính khác nhau (sở quy hoạch kiến trúc, phòng quản lý đô thị - xây dựng…), các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế...

Bên cạnh đó, người học có thể học lên cao học hoặc công tác tại các cơ sở giáo dục, nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực đô thị.

Ngành học theo sát thực tiễn

Đô thị học là một khoa học mang tính hiện đại và liên ngành. Điều này xuất phát từ tính chất của đô thị vốn đa dạng, đa chiều. Vì vậy, người học được trang bị khả năng xây dựng, đánh giá và thẩm định dự án ở các cấp độ khác nhau; khả năng làm việc độc lập, chuyên nghiệp, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong công việc, có khả năng ứng dụng cao, có thể giải quyết và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong đời sống hằng ngày của xã hội.

Ngoài ra, ngành học còn cung cấp những kiến thức để hỗ trợ cộng đồng thông qua việc nghiên cứu các vấn đề trong đô thị và ứng dụng kết quả nghiên cứu để phục vụ cho cộng đồng.

Do tính chất là một ngành học đa ngành nên các môn trải đều ở các lĩnh vực, nhưng hầu hết môn học không chỉ lý thuyết đơn thuần mà mang tính thực tiễn rất cao và sát với ngành học. Ví dụ như khi học đánh giá tác động môi trường, sinh viên được thực tập đóng vai một hội đồng để xét duyệt các dự án, điều đó gây hứng thú học và đòi hỏi sinh viên phải tìm hiểu các quy định, thông tư, chính sách rất nhiều.

Các bài tập không chỉ mang tính sách vở mà phải áp dụng lý thuyết để tiến hành quy hoạch một khu dân cư trong tương lai, qua đó nhìn thấy được ưu và khuyết của từng mô hình phân bố và mô hình nào phù hợp với đô thị nào.

“Kiến thức được học trên giảng đường đa ngành và đa lĩnh vực nên không có sự chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định, nhưng giúp mình nhìn nhận được các vấn đề của đô thị ở góc độ tổng thể và đa chiều mà nhiều khi góc nhìn một chiều không thể đáp ứng được.

Với tính chất khối ngành xã hội - nhân văn nên những kỹ năng thực hành xã hội cũng được chú trọng trong quá trình đào tạo và những kỹ năng đó đủ đáp ứng cho một công việc thuộc khối ngành khoa học xã hội trong tương lai” - Đạt cho biết.

Theo TS Trương Hoàng Trương, trưởng khoa đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, vì là một ngành song hành và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đô thị nên ngoài những phẩm chất cơ bản để trở thành một cử nhân có kiến thức và đạo đức tốt, người học còn cần những tố chất sau: khả năng tư duy phản biện, tư duy tổng hợp và khái quát vấn đề tốt; 

Quan tâm, hứng thú đến việc tìm hiểu, nghiên cứu và giải quyết những vấn đề trong đô thị, có khả năng ngoại ngữ tốt đề tiếp cận các nguồn kiến thức đa dạng, có tinh thần học tập sáng tạo, chủ động, cầu tiến, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đô thị nói riêng và xã hội nói chung.

“Bên cạnh đó, hiện nay, các bạn muốn theo đuổi ngành đô thị học không cần phải e ngại vấn đề ngành đô thị học không có mã ngành nữa vì tháng 12-2016, khoa đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đã tiếp nhận mã ngành đào tạo ngành đô thị học” - ông Trương nói.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên