Phóng to |
Như hầu hết các buổi họp tòa soạn, cuộc họp này mang tính thân mật – các biên tập viên bỡn cợt hay chế nhạo việc làm của nhau khi họ thảo luận về những công việc nghiêm túc trong ngày. Khi ai đó đề cập đến một tin địa phương quan trọng, người quản trị website phụ trách báo điện tử yêu cầu được cung cấp những tài liệu thiết yếu sẽ được đưa đến với độc giả qua mạng chứ không được xuất bản trên báo in.
Cách đó vài bước trong phòng tòa soạn, phóng viên điều tra Tom Bayles không vui lắm. Anh sắp hoàn tất một dự án kéo dài nhiều năm – điều tra về một vấn đề nghiêm trọng ở Florida – tình trạng xâm thực bờ biển và những nỗ lực tốn kém để khắc phục. Công việc cho nhật báo của anh coi như xong, nhưng anh vẫn phải tổng hợp phần tư liệu bổ sung cho bài viết trên mạng. Tuy nhiên, vấn đề thật sự của anh là một chuyên mục truyền hình sẽ phát qua hệ thống truyền hình cáp của Herald-Tribune suốt ba ngày loạt bài này được đăng tải. Anh tiếc là đã bỏ lỡ hai ngày tập huấn về những kỹ năng truyền hình cơ bản mà tờ báo thường tổ chức cho khối nhân sự báo in. May sao, cứu tinh đã ở cạnh bên. Phòng tòa soạn của ban truyền hình nằm ở gian đối diện bàn làm việc của anh.
Trên đường ra khỏi phòng tòa soạn, chúng tôi gặp cô Jill Obrecht Barton, tốt nghiệp trường báo chí được hai năm và bây giờ đang phụ trách mảng giáo dục cho Herald-Tribune. Jill cảm thấy đã chuẩn bị tốt cho công việc mới, nhưng cũng nói thêm: “Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ học môn Truyền hình Căn bản ở trường”.
Những gì chúng ta bắt gặp ở Sarasota chính là mô hình của một tòa soạn hội tụ (convergence newsroom) hay còn gọi “tòa soạn tích hợp”. Đó là nơi gặp gỡ của các loại hình truyền thông trong cùng một tòa soạn, thậm chí trong cùng một nhà báo, để tận dụng những sức mạnh khác nhau của cả báo in, báo hình lẫn báo mạng. Mô hình tòa soạn hội tụ đã làm thay đổi cách nhà báo tường thuật và cách độc giả tiếp nhận tin tức. Janet Weaver lý giải tầm quan trọng của sự hội tụ một cách đơn giản: chỉ báo in không thôi, Herald-Tribune đến tay 50% số người sống trong và ngoài Sarasota. Cộng thêm báo mạng và kênh truyền hình, và nó vươn ra đến 90%. Khát vọng của bà là đạt đến số lượng độc giả tối đa cho tờ báo của mình.
Dù làm báo bằng niềm đam mê hay chỉ vì lợi nhuận, những tòa soạn riêng rẽ và những tập đoàn truyền thông khổng lồ đang hội tụ lại với nhau. NBC và Microsoft, AOL và Time Warner (bản thân đã là sản phẩm của nhiều loại hình truyền thông sáp nhập thành) đang vượt qua những rào cản truyền thống để cung cấp thông tin trên cả báo in, truyền hình và báo trực tuyến. Những phóng viên mới vào nghề như Jill Barton hay những người kỳ cựu như Tom Bayles đều phải học cách làm tin mới và đối mặt với những sức ép mới trong việc truyền thông đa phương tiện. Nghề báo ở thế kỷ 21 buộc các nhà báo phải liên tục thay đổi chính mình.
Ngay cả bản thân tin tức cũng đang thay đổi. Báo chí, phát thanh và truyền hình – đôi khi làm việc cùng nhau – ngày càng trở thành những người tham gia lẫn người quan sát những vấn đề của công chúng. Phong trào có tên gọi “báo chí công dân” (civic journalism) hay “báo chí cộng đồng” (public journalism) ở Mỹ chính là để hưởng ứng quan điểm thừa nhận rằng báo chí và nền dân chủ phải kết hợp với nhau thì cả hai mới cùng tồn tại. “Những nhà báo công dân” tìm mọi cách để giúp đỡ cho nền dân chủ được thực thi hơn là chỉ đứng đằng sau và tường thuật những thất bại của nó. Không phải tất cả các nhà báo đều đồng tình với triết lý “báo chí công dân”, nhưng hầu như tất cả đều đồng ý rằng vai trò của nhà báo trong thế kỷ 21 sẽ còn tích cực hơn và thậm chí quan trọng hơn hiện nay.
Al Neuharth, người làm thay đổi diện mạo báo chí khi sáng lập tờ USA Today năm 1980, đã đưa ra một viễn cảnh về tin tức kiểu mới như sau: “Tôi tin tưởng và hy vọng rằng báo chí trong tương lai có thể và sẽ mang đến những thông tin hữu dụng – nhưng quan trọng hơn, chúng phải đáng tin cậy – và có chỗ đứng trong đời sống hằng ngày của mọi người, cho dù thông tin nằm ở trong phòng giám đốc hay trong quầy rượu, trong lớp học hay trên cánh cửa cái tủ lạnh”.
Khi được hỏi ông trông đợi tin tức sẽ được cung cấp như thế nào, Neuharth nói: “Tôi nghĩ tương lai của tin tức là ở trên cả báo in, trên truyền hình truyền thống và chắc chắn là trên báo trực tuyến. Đó là sự kết hợp của tất cả những điều nói trên”.
Dẫu có thay đổi, có những điều vẫn giữ như cũ. Thứ nhất là vai trò trung tâm của báo chí trong một xã hội dân chủ. Thứ hai là tầm quan trọng của tính chính xác và sự công bằng khi báo chí giữ vai trò đó. Thứ ba là bạn hay bất cứ ai sẽ trở thành nhà báo phải không ngừng đòi hỏi bản thân phải làm chủ được những kỹ năng cơ bản của việc tường thuật và viết báo – bất kể bạn sử dụng công cụ gì hay bạn đưa tin đến công chúng bằng phương tiện nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận