Ngư dân cột dây neo tàu cá vừa cập cảng Quy Nhơn - Ảnh: LÂM THIÊN
Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều tàu thuyền ở các địa phương khác đã chủ động vào bờ tránh bão, tất bật không kém việc sơ tán người dân trên đất liền. Với các tàu thuyền còn trên biển, chính quyền các địa phương hỗ trợ, yêu cầu phải đến nơi an toàn trong hôm nay.
Dồn dập phát tin cảnh báo
Chiều 26-10, tại cảng cá Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), những thuyền có công suất nhỏ nối đuôi nhau di chuyển về âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang tránh bão. Không khí tất bật bao trùm lên cảng cá. Nhiều ngư dân tỏ ra khá lo lắng với đường đi và cường độ của cơn bão được dự báo mạnh nhất trong năm nay.
Ông Phạm An (trú xã Tam Giang) cùng thuyền viên nhổ neo, đưa tàu đến âu thuyền An Hòa để cột, chằng dây thừng vào các trụ neo nói: "Nghe tin bão mạnh đổ bộ vào nên chúng tôi phải sớm đi tránh bão, chứ gió bão mạnh như thế đánh vào thì tàu thuyền tan tác hết".
Tại âu thuyền An Hòa, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ được ngư dân đưa vào, dùng dây thừng cỡ lớn cột vào các trụ neo. Ông Phạm Ánh Dương (42 tuổi, xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa - 90229 công suất 730CV, cho biết nghe tin bão số 9 rất mạnh đổ bộ vào khu vực Quảng Nam nên trong ngày 26-10 ông phải huy động anh em thuyền viên dọn dẹp ngư cụ đưa về nhà.
"Gần một tháng nay nhiều cơn bão đổ bộ vào khiến ngư dân chúng tôi lao đao, không đánh bắt gì hết. Trời mới hửng nắng được vài ngày, bão số 9 rồi có thể là bão số 10 cũng nối đuôi nhau vào khiến khó khăn chồng chất. Giờ nghe bão to mà ớn, phải nhanh chóng đưa tàu đi tránh bão" - ông Dương nói.
Tương tự, ông Trần Sành (49 tuổi, thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang), chủ hai tàu cá QNa - 91058 và 91259, phải huy động hàng chục thuyền viên đưa ngư cụ trên tàu đem về nhà vì sợ bão vào làm hư hỏng. Một số khác đưa tàu ra âu thuyền để cột, chằng chống. "Nghe bão mạnh lắm nên phải chủ động, tránh những thiệt hại đáng tiếc" - ông Sành nói.
Tại âu thuyền An Hòa chiều cùng ngày, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ đến để thông tin, nhắc nhở ngư dân phải đưa tàu thuyền đi neo đậu những nơi kín gió, chằng chống tàu thuyền thật cẩn thận trước khi bão đổ bộ. Một cán bộ của đồn nói rằng người dân không được chủ quan trước những diễn biến của bão.
"Điều đặc biệt chúng tôi yêu cầu người dân không được ở trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ vào, tránh những hậu quả đáng tiếc về người" - vị cán bộ này nói thêm. Ở một số xã ven biển của huyện Núi Thành như Tam Quang, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Giang, hệ thống loa phát thanh phát đi những bản tin cảnh báo và yêu cầu phòng chống bão, tập trung thu hoạch thủy hải sản ở ao nuôi, lồng bè và tuyệt đối không để người ở lại trông coi khi bão vào.
Tại huyện Duy Xuyên, gần 500 tàu thuyền đã tập trung về âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) tránh trú bão. Ông Huỳnh Đức Minh (56 tuổi, thôn Thành Triều, xã Duy Nghĩa) cho biết hai ngày qua, sau khi nghe tin bão số 9 sắp vào đất liền, nhiều tàu từ các nơi đã tập trung về âu thuyền này tránh trú.
Một số nhà dân ven biển ở địa phương này cũng tất bật chằng mái tôn, nhà cửa. Ông Đặng Văn Thanh (47 tuổi, thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) cho biết sau khi có thông tin bão sắp vào đất liền, trong đó có khu vực Quảng Nam, thì gia đình ông đã chuẩn bị gần 20 bình nước loại 20 lít để chèn lên mái nhà.
Các trường học ở đây cũng triển khai cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trường. Tại Trường mẫu giáo số 1 Duy Nghĩa, do cây xanh trong khuôn viên trường quá nhiều nên các giáo viên đã cùng nhau chặt, tỉa cây, tránh lúc bão vào cây gãy đổ có thể ảnh hưởng đến các lớp học.
Ngư dân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đưa ngư cụ trên tàu về nhà cất giữ - Ảnh: L.TRUNG
Tàu thuyền phải về bến trước chiều tối 27-10
Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 26-10 tỉnh Quảng Ngãi còn 274 tàu thuyền với hơn 3.880 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 14 tàu/142 lao động, quần đảo Trường Sa 157 tàu/3.100 lao động, vùng biển các tỉnh phía Nam 91 tàu/537 lao động và vùng biển Quảng Ngãi 12 tàu/100 lao động.
Ông Hồ Trọng Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi - cho biết đến 15h chiều 26-10 đã có gần 1.200 tàu cá tỉnh Quảng Ngãi vào nơi tránh trú bão. Hiện nay, các đài canh của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và các đài canh cộng đồng đã liên lạc được tất cả các tàu thuyền trên biển và hướng dẫn các chủ tàu nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, chạy vào đất liền. Dự kiến các tàu sẽ vào đất liền trong buổi sáng hôm nay.
Trong khi đó tại huyện Lý Sơn - địa phương sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 9 trực tiếp và sớm nhất, những phương án neo trú tàu thuyền, tìm nơi trú ẩn an toàn cho các hộ dân bắt buộc phải di dời đã hoàn thành.
"Hiện tất cả tàu cá và bè nuôi trồng thủy sản đều vào cảng neo đậu. Đối với việc di tản người dân, địa phương đã chuẩn bị các nhà khách của các cơ quan đoàn thể trên huyện. Trong trường hợp cần thiết sẽ sử dụng hào quân sự để người dân tránh trú bão" - ông Nguyễn Viết Vy, bí thư Huyện ủy Lý Sơn, nói.
Chiều 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương của tỉnh nhanh chóng kêu gọi thuyền trưởng, chủ các tàu cá đang nằm trong vùng biển nguy hiểm lập tức vào bờ trú bão. Theo đó, chậm nhất trong chiều tối nay 27-7, những tàu cá trên phải cập bến cảng Quy Nhơn hoặc Tam Quan an toàn để tránh bão.
"Nếu tàu thuyền nào ở cách quá xa bờ và tính toán quãng đường di chuyển vào cảng Quy Nhơn hay Tam Quan không kịp thì có thể đổi hướng di chuyển vào các tỉnh phía nam Bình Định để trú bão" - ông Dũng nói.
Tại các bến cảng, lực lượng chức năng phải lập tức thông báo cho người dân neo đậu, chằng giữ tàu thuyền an toàn để tránh các tàu va đập vào nhau gây hư hỏng, chìm tàu. Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp cùng địa phương cương quyết di dời, sơ tán người dân đang canh giữ lồng bè nuôi thủy sản, người sống trên tàu phải lập tức vào bờ.
"Tuyệt đối không được để bất kỳ người dân nào ở lại trên biển. Phải đảm bảo an toàn cho người dân. Không có gì quan trọng bằng tính mạng của con người" - ông Dũng nhấn mạnh. Cũng từ 17h chiều qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện lệnh cấm biển, không cho phép bất kỳ phương tiện tàu thuyền nào được ra khơi.
Chế tài người cố trụ lại lồng bè
Người nuôi hải sản trong vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) chằng buộc, neo chặt lồng bè để giảm thiểu thiệt hại trước thông tin bão số 9 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Phú Yên - Ảnh: DUY THANH
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, hết ngày 26-10 còn 7 tàu cá và 62 lao động đang hoạt động trên biển. Các tàu đã nắm được thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Hiện có 1.133 tàu cá Đà Nẵng và các tỉnh đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, 832 tàu được đưa lên bờ và neo đậu ở các tỉnh. Còn 72 tàu hàng đang neo đậu tại vùng nước cảng Đà Nẵng.
Khánh Hòa hiện có 53.544 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển với khoảng 8.000 lao động. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các UBND cấp huyện, nhất là khu vực có nuôi trồng thủy sản phải kiên quyết kêu gọi dân rời lồng bè vào bờ tránh bão.
"Thậm chí phải sử dụng các biện pháp chế tài để đảm bảo an toàn cho người dân" - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nói.
T.LỰC - P.S.NGÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận