Nghề báo đích thực luôn có những nền tảng bất biến

CẦM PHAN THỰC HIỆN 23/06/2013 20:06 GMT+7

TTCT - LTS: Từ cột mốc 21-6 năm trước đến nay là một năm sóng gió của nghề báo. Trên thế giới, báo in Newsweek (Mỹ) đóng cửa, báo mạng Bild.de (Đức) chuyển sang thu tiền để bù cho sự sụt giảm số lượng của bản báo in, Chicago-Sun Times (Mỹ) sa thải toàn bộ phóng viên ảnh...

Ở Việt Nam, báo “lá cải” mọc lên như nấm sau mưa. Câu chuyện chuẩn mực nghề nghiệp trong thời buổi cạnh tranh, ai cũng có thể đưa tin vì thế ”nóng” hơn bao giờ hết. Sứ mệnh nhà báo thời truyền thông xã hội có thay đổi, họ phải thích nghi thế nào? 

TTCT chia sẻ những băn khoăn nghề nghiệp này với các nhà báo kỳ cựu trong và ngoài nước.


Nhà báo Nguyễn Vạn Phú - Ảnh nhân vật cung cấp


Nhà báo NGUYỄN VẠN PHÚ (tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh Tế Sài Gòn):

Vấn đề lớn nhất: độ khả tín đang xuống thấp

Theo anh, đâu là những chuẩn mực nghề nghiệp quan trọng nhất, không thể bị thay đổi đối với nghề báo, cho dù báo chí có bị biến đổi đến mức nào dưới tác động của công nghệ và thói quen nghe đọc của công chúng?

- Theo tôi, có ba điều cơ bản mà nếu phóng viên tuân thủ sẽ duy trì được tính chuyên nghiệp, một đặc tính mà phóng viên phải có bất kể phương tiện truyền đạt thông tin có thay đổi do công nghệ như thế nào chăng nữa. Đó là phải hiểu rõ mọi điều mình viết ra, ghi nguồn đầy đủ và kiểm chứng thông tin. 

Trong khi cái đầu tiên giúp phóng viên đóng trọn vai trò là người “tiêu hóa” thông tin rồi chuyển tải nó đến với người đọc chứ không đơn thuần là chiếc máy ghi âm hay ghi hình, hai cái sau giúp phân biệt phóng viên với những người cung cấp thông tin khác ở ngoài đời hay trên các mạng xã hội.

Một khi phóng viên chưa “tiêu hóa” hết thông tin tiếp nhận được mà vội vàng đưa nó đến với công chúng thì rất dễ xảy ra sai sót, diễn đạt rối rắm, nói sai ý của nguồn tin, bị nguồn tin dẫn dắt - toàn là những điều đang làm người đọc và nhất là nguồn tin mất tin tưởng vào báo chí. Ghi nguồn đầy đủ cũng là cách giải trừ phần nào trách nhiệm phát ngôn cho phóng viên, ngăn ngừa các vụ kiện tụng, giúp phóng viên không trở thành quan tòa cho dư luận xã hội. 

Báo chí có tác động lên cuộc sống của nhiều người nên kiểm chứng thông tin là yêu cầu cơ bản nhất, nhưng thực tế ngay cả ở những phóng viên lâu năm hay những tờ báo lớn cũng quên béng nó đi. Đặc biệt khi nguồn tin là cơ quan nhà nước và đối tượng đưa tin là doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, thì việc kiểm chứng trước khi đưa tin càng hiếm hoi hơn nữa. 

Đối với báo chí Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay là gì? Làm thế nào để vượt qua những thách thức ấy? 

- Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của báo chí Việt Nam là độ khả tín đang xuống thấp. Nguyên do thì có nhiều nhưng thử nhìn theo cách “tự trách mình trước” thì đó là do tính chuyên nghiệp của làng báo ngày càng bị xem nhẹ. Phóng viên đang bỏ qua những chuẩn mực cơ bản nhất của nghề nghiệp, người biên tập cũng không đóng được vai trò canh cửa để duy trì tính chuyên nghiệp dù ở mức thấp nhất. 

Thử phỏng vấn ngẫu nhiên các quan chức, giới doanh nhân, giới văn nghệ sĩ... đoan chắc họ sẽ có cái nhìn rất tiêu cực về nhà báo và nghề báo. Một khi nguồn tin không còn tin tưởng rằng phát biểu của họ được xử lý trung thực, nghiêm túc, chắc chắn họ sẽ im tiếng, lẩn tránh báo chí. Họ dễ dàng làm được chuyện đó vì ngày nay nguồn tin có nhiều kênh khác để đưa thông tin đến với công chúng.

Nhiều người đổ lỗi cho khó khăn kinh tế đã đẩy các báo mạng vào chỗ cạnh tranh khốc liệt về độ “lá cải”, nhưng tôi nghĩ cái đó không lớn bằng sự thiếu chuyên nghiệp ở các tờ báo. Giờ thì báo chí đang phải trả giá, và trả đến mức nào đó thì phải sực tỉnh để điều chỉnh. 

Ngay cả bên giới quản lý cũng phải hiểu nếu không giúp báo chí xây dựng tính chuyên nghiệp thì đến lúc cần phương tiện mà công chúng tin cậy để đưa thông tin đến với người dân sẽ không tìm ra, chỉ còn lại các trang được đọc nhiều nhất vì tin giật gân, người ta đọc để giải trí chứ không ai tin cả. 

Nhà báo cần phải thích nghi với sự thay đổi rất nhanh và rất mãnh liệt hiện nay của việc làm báo ra sao? 

- Học. Học ngay cả cách hoạt động của các dòng thông tin trên các mạng xã hội. Quan sát chứ không phải là bắt chước. Vì phải nhớ một điều, ngày nay bất kỳ ai cũng tường thuật được một vụ đâm chém ngoài đường phố, thậm chí còn nhanh hơn báo chính thống, kèm theo hình ảnh đầy đủ, nhưng chỉ có nhà báo, với sự hỗ trợ của cả một bộ máy tòa soạn, mới có thể tiếp cận sự kiện một cách toàn diện, đầy đủ, mới chuyển tải thông tin chính xác, trung thực, đáng tin cậy đến người đọc. 

Người đọc luôn cần loại thông tin như thế để ứng xử trong cuộc sống. Nhìn ở góc độ đó sẽ thấy việc làm báo luôn có những nền tảng bất biến và thay đổi chỉ là biểu hiện bên ngoài.

Xin cảm ơn anh.

Nhà báo TRẦN ĐỨC CHÍNH (bút danh Lý Sinh Sự, nguyên phó tổng biên tập báo Lao Động):

Chúng ta có ba điều nhầm lẫn


Nhà báo Trần Đức Chính - Ảnh nhân vật cung cấp


Ông nghỉ hưu ở báo Lao Ðộng từ năm 2005 nhưng được biết đến giờ hằng ngày ông vẫn đều đặn viết báo?

- Tôi ra trường năm 1968 thì về báo Lao Động luôn. Cho đến nay tôi chưa thôi nhận lương của báo Lao Động một tháng nào. Tôi nghỉ hưu thì báo ký với tôi hợp đồng cộng tác viên. Từ đó đến nay, ngày nào tôi cũng viết cho báo Lao Động, kể cả thời gian làm tổng biên tập báo Nhà Báo & Công Luận của Hội Nhà báo Việt Nam (2005-2010). Thời điểm này, tôi viết ngày hai bài, một cho mục Nói hay đừng, một cho trang Hà Nội với bút danh Hà Văn. 

Có thời gian tôi cộng tác cùng lúc với sáu tờ báo. Có lần nhà báo Phan Quang nói: "Tao chịu mày, sao mày làm nhiều thế!". Tôi bảo tôi là nhà báo chuyên nghiệp nên ngày nào không viết được một bài thì... 

Thì sao?

- Thì chết! Ngày xưa ông Khổng Tử nói người quân tử ba ngày không đọc sách thì soi gương đã thấy mặt mình dơ lắm rồi. Tôi thì tôi bảo một ngày không viết được hai bài báo thì dứt khoát ngày mai không dám đi uống bia, ăn phở, hút thuốc lá.

Ông nói thế làm thế hệ hậu sinh phát ngượng...

- Nói thế là do tôi chỉ sống bằng nhuận bút. Không viết bài thì lấy đâu ra tiền? Người ta làm báo đi xe hơi, ở biệt thự. Tôi thì chẳng có xe hơi, không có biệt thự. 

Ông nhận được những ý kiến khen chê gì? Hồi đầu, Nói hay đừng nằm ở trang nhất...

- Nếu viết tiểu phẩm phê bình chính luận mà không bị phản ứng thì không nên viết. Vì như thế thì anh viết người tốt việc tốt à? Viết là viết để phê bình. Mà đã viết phê bình thì đừng nghĩ ai cũng khen. Nhưng rồi báo Lao Động cũng phải đưa Nói hay đừng vào trang 5, sau đó lại đưa vào trang 7, giờ đưa ra trang 2. Đấy, người ta kêu ca cũng chỉ đến thế thôi.

Cũng có nhà báo hỏi ông nói thế có sợ người ta ghét không? Tôi bảo chưa bao giờ tôi sợ người ta ghét, bởi trước khi người ta ghét tôi thì tôi đã ghét họ rồi. Tôi ghét họ mới đưa họ ra để nói. Thật ra bên cạnh việc vạch mặt chỉ tên những người làm sai, tôi cũng vạch ra cả cái sai chung. Nói vậy thôi, phê bình người ta nhưng cũng phải làm sao để người ta đọc xong vẫn phải vui vẻ. 

Người ta dự báo tương lai báo chí không mấy lạc quan, còn ông nghĩ sao?

- Ở Việt Nam, báo chí là của Nhà nước. Nhưng trên thực tế truyền thông cực kỳ đa dạng. Chúng ta có hệ thống báo Đảng từ trung ương tới địa phương, do ngân sách chi trả. Nhưng cũng có tổng biên tập nói với tôi: "Em không bao giờ ngủ dậy mà biết mình bán được bao nhiêu tờ báo". Ông ấy chỉ biết mình bán được bao nhiêu tờ vào 9g tối hằng ngày, khi tất cả những sạp báo và hàng bán rong đến trả lại báo ế. 

Câu chuyện này cũng là câu chuyện của nhiều tờ báo khác, phải tự sống. Sự đa dạng của báo chí nước ta trước hết thể hiện ở sự đa dạng về tiềm lực kinh tế của mỗi tờ. 

Báo chí của chúng ta đang ở thế kỷ 21 nhưng vẫn tồn tại ba điều nhầm lẫn: thứ nhất là thấy mình phát hành được ổn định với số lượng lớn mà tưởng mình làm báo giỏi, thật ra là ngân sách rót tiền. Thứ hai, một số báo bán được rất nhiều và cũng tưởng như thế là mình giỏi. Thứ ba là chính những người làm báo, đừng nghĩ mình viết nhiều, nói nhiều, được nhiều nhuận bút mà tưởng mình là nhà báo lớn. 

Nhưng cái lớn nhất là sự thách thức, là "cuộc chiến" giữa mạng xã hội và báo chính thống. Ta phải nhìn nhận là không có bức tường lửa nào ngăn cản được người đọc và công nghệ thông tin giúp người đọc tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng, từ nhiều nguồn. Công chúng là người quyết định. Báo chí chẳng phải là thuốc buộc phải uống mới khỏi bệnh, nên công chúng thích thì đọc, không thích, không mua thì mình thua. 

Báo chí tuy còn nhiều hạn chế nhưng vẫn có sức mạnh, vẫn gây dựng niềm tin trong công chúng. Trong một cuộc tổng kết của Đảng gần đây, báo chí đã được công nhận là góp phần rất lớn vào việc chống tiêu cực, thậm chí hầu hết những phát hiện có tiêu cực là từ báo chí rồi cơ quan chức năng mới đi vào việc. 

Ông nghĩ thế nào về tương lai báo chí? Chẳng hạn liệu báo giấy còn đất sống khi mà báo mạng ngày càng phát triển?

- Tôi từng đi dạy báo chí rất nhiều cũng như thường xuyên cập nhật các vấn đề nghiệp vụ báo chí của thế giới thì thấy báo chí chỉ ngày càng phong phú hơn chứ không có gì thay thế được cái gì. Người ta từng cảnh báo về cái chết của báo in khi có truyền hình nhưng rốt cục báo hình đã không thay thế được báo viết. 

Cũng vậy, báo nói, báo hình, báo giấy cũng đã không chết khi có báo mạng. Khi có Internet thì tất cả vẫn sống. Chúng không những không chết mà hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hơn nữa phải nhớ là công chúng Việt Nam không phải ai cũng tiếp cận được với Internet. Rất nhiều người dân nông thôn, người lao động nghèo có báo là đọc mà thậm chí còn không biết báo ra ngày nào. 

Thế giới đã có cách là làm truyền thông đa phương tiện. Báo nào không làm là báo ấy sẽ chết. Và độc giả của báo chí chủ yếu vẫn là lớp trẻ. Cụ Hồ lập ra báo Thanh Niên làm gì? Để vận động thanh niên làm cách mạng. Bởi không thể vận động các ông già nhà quê mù chữ, các ông Lý toét Xã xệ được. Báo chí nên đi theo con đường của Bác Hồ, tức là hướng về lớp trẻ. 

Xin cảm ơn ông. 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận