10/10/2015 16:48 GMT+7

Nghe bán thuốc dạo rao như "vịt nghe sấm"

NGỌC LOAN - MINH HUYỀN
NGỌC LOAN - MINH HUYỀN

TT - Tại bãi đất trống ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM thường có nhóm làm ảo thuật bán thuốc gia truyền trị bách bệnh, nhưng cơ sở được in trên vỏ hộp thuốc xác nhận họ chưa từng sản xuất.

Khoảng 100 người tụ tập tại một bãi đất trống ở huyện Hóc Môn, TP.HCM để xem ảo thuật và mua thuốc - Ảnh: MINH HUYỀN
Khoảng 100 người tụ tập tại một bãi đất trống ở huyện Hóc Môn, TP.HCM để xem ảo thuật và mua thuốc - Ảnh: Minh Huyền

Ngày 29-9, tại một bãi đất trống trên đường Lê Văn Khương, ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, hơn 100 người dân vây quanh nhóm làm ảo thuật để mua thuốc gia truyền trị bách bệnh... Nhóm bán thuốc này khoảng 10 người, đi xe máy chở theo nhiều thùng thuốc.

“Theo quy định nhà nước, khám chữa bệnh, bán thuốc phải được sở y tế cấp phép, phải có chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh. Những nhà thuốc gia truyền thường bán thuốc ở nhà chứ ít ai bán dạo. Để đảm bảo quyền lợi, người bệnh nên đến các cơ sở y tế. 

BS Trần Viết Hoàng (chủ nhiệm khoa y học cổ truyền Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM)

Hiện tượng “thuốc gia truyền” bán dạo vẫn tồn tại ở một số vùng ven TP.HCM, đáng nói là không ít người mua với quan niệm “không bổ ngang cũng bổ dọc”.

Những lời quảng cáo có cánh

Thuốc đầu tiên được bán là “Trật đả tê thấp hoàn”, trên bao bì ghi sản xuất tại tổ hợp sản xuất thuốc y học cổ truyền Thiện Chí (số 44 Minh Phụng, P.5, Q.6, TP.HCM) của lương y, võ sư Nguyễn Son.

Công dụng được quảng cáo giúp đàn ông tăng cường sinh lý, chữa suy thận, đau lưng, nhức mỏi, tê phong thấp, tiểu đêm; giúp phụ nữ điều hòa kinh nguyệt, mát huyết, chữa kém ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Giá bán 40.000 đồng/hộp, nếu mua ba hộp còn 100.000 đồng. Hộp thuốc mở ra gồm 10 hoàn, mỗi hoàn là một viên thuốc đen nhánh.

Sản phẩm thứ hai là một loại kem bôi mà người bán quảng cáo có thể trị các bệnh ngoài da như mụn, vết bỏng, hắc lào, lang ben, nám, côn trùng cắn...

Thậm chí với thuốc trị bệnh ở những người có mùi ở vùng da dưới cánh tay có giá bán một lọ là 10.000 đồng, mua hai tặng một. Chúng tôi hỏi một người đàn ông mua thuốc trị “viêm cánh” đứng gần đó thì được chia sẻ: “Giá chấp nhận được. Mua về dùng thử biết đâu công hiệu thật, không thì thôi chứ chẳng hại gì vì xức ngoài da thôi”.

Tiếp theo đó, một túi bột bằng đầu ngón tay được giới thiệu là da con nưa sấy khô nghiền thành bột và quảng cáo có công dụng kỳ diệu: “Nếu bị viêm xoang, ngạt thở, nhức đầu liên tục thì hòa vào nước sôi rồi xông mũi, 10 phút sau là hết. Nếu đau răng thì lấy một ít bột nhét vào răng bị đau, sau 3 phút ắt sẽ khỏi ngay”.

Một anh thợ hồ phấn khởi khi mua được cao trăn rẻ từ nhóm bán thuốc đã bộc bạch: “Uống thuốc tây phải đi bệnh viện, không uống bừa được. Mà đi bệnh viện mất thì giờ và tiền bạc lắm. Uống thuốc ta, các loại gia truyền này an toàn hơn. Không bổ ngang cũng bổ dọc”.

Bên trong hộp thuốc “Trật đả tê thấp hoàn” - Ảnh: Minh Huyền
Bên trong hộp thuốc “Trật đả tê thấp hoàn” - Ảnh: Minh Huyền

Thuốc gì cũng không thể dùng bừa

Tìm đến số 44 Minh Phụng, P.5, Q.6, TP.HCM, địa điểm này giờ đây là quán ăn chứ không phải nhà thuốc. Lương y Trần Thới Trương - con rể của lương y, võ sư Nguyễn Son - cho biết: “Cha chúng tôi mất cách đây 20 năm rồi.

Chúng tôi chưa hề sản xuất thuốc “Trật đả tê thấp hoàn” hay bất kỳ loại thuốc nào. Từ ngày cha còn sống, cũng có nhiều người in ảnh và số nhà ông lên hộp thuốc rồi đi bán dạo. Trong khi chúng tôi mở phòng mạch đông y chỉ chuyên khám và bốc thuốc cụ thể cho từng bệnh nhân, từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi cũng nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành nhưng xem ra không thể dẹp được nạn bán thuốc giả này”.

Cũng theo ông Trương, dựa vào kinh nghiệm dân gian thì người dân hay truyền tai nhau những bài thuốc làm từ động vật, cây cỏ. Tuy nhiên, mỗi bài thuốc chữa một nhóm bệnh nhất định chứ không có thuốc nào là thần dược có thể trị quá nhiều bệnh như vậy.

Hơn nữa, thuốc đông y có tác dụng ngấm từ từ chứ không thể giảm đau tức thì như quảng cáo. Dù khám tây hay đông y, khi có bệnh mọi người vẫn nên đến phòng mạch hoặc bệnh viện để được chẩn đoán và kê đơn. Vì mỗi đơn thuốc phụ thuộc cụ thể từng tình trạng bệnh, độ tuổi, giới tính, thể trạng và nhiều vấn đề chuyên môn khác. Mua thuốc dạo không rõ nguồn gốc hoàn toàn không phải cách đúng và hay.

Trong khi đó, ông Trần Quang Duy - chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - cho biết: “Nhóm này không xin phép xã trước khi đến địa bàn xã bán thuốc. UBND xã cũng không cấp phép, không cho phép những trường hợp như thế. Những tổ chức, công ty nào được UBND xã, UBND huyện cho phép tổ chức, hoạt động thì sẽ diễn ra ở ban nhân dân ấp”.

NGỌC LOAN - MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên