Chiều 1-7, áp thấp nhiệt đới đã hình thành, có khả năng di chuyển về hướng đất liền Việt Nam, dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ - Ảnh: NCHMF
Chiều 1-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vùng áp thấp trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 15h ngày 1-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ vĩ Bắc, 114,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía đông bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, và có khả năng mạnh thêm.
Đến 15h ngày 2-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ vĩ Bắc, 111,7 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, với việc hình thành, phát triển ngay trên biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp.
Đặc biệt, sau khi mạnh lên thành bão có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-7 và 4-7.
Đáng lưu ý, ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết sự ảnh hưởng của bão đối với các tỉnh miền Bắc, miền Trung đợt này sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to trong khu vực Bắc Bộ, khu vực Thanh Hoá -Thừa Thiên Huế.
Trung tâm Dự báo cũng cảnh báo ở các tỉnh miền Bắc, khi mưa lớn xảy ra với vường độ mạnh kèm theo những sạt lở trước đó, vì vậy cần rà soát để chủ động di dời dân khỏi khu vực xung yếu phòng tránh sạt lở đất, lũ quét.
Tương tự, ở miền Trung, nơi vừa xảy ra đợt nắng nóng kéo dài, khô hạn, khi chịu ảnh hưởng mưa cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần chủ động đề phòng.
Mưa lớn giúp ngăn chặn cháy rừng
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nhận định do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa nhỏ, mưa gián đoạn sẽ ảnh hưởng ngay từ chiều tối ngày 1-7. Tiếp đến, từ ngày 2-7, mưa tăng dần, lượng mưa sẽ giúp ngăn chặn tình trạng cháy rừng đang diễn ra ở một số tỉnh.
"Trong đêm 2-7 và ngày 3-7 sẽ là khoảng thời gian có mưa to. Ở khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hướng về vịnh Bắc Bộ, mưa to sau khi hạn hán và cháy rừng sẽ khiến nguy cơ sạt lở tại khu vực vùng núi các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Thanh Hoá-Nghệ An tăng cao" - ông Lâm cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận