Mua ô tô vì nhu cầu hay 'đua nhau'?
Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, trong năm 2021 số lượng ô tô cá nhân từ chín chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Nghệ An là 24.287 xe, xếp vị trí thứ tư của cả nước.
Năm 2022, tỉnh này có 27.404 xe ô tô được đăng ký mới. Trung bình, mỗi tháng ở Nghệ An có 2.283 ô tô đăng ký mới.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Nghệ An năm 2022, Nghệ An vẫn còn hơn 100.000 hộ nghèo, cận nghèo. Đây là một trong 10 tỉnh có nhiều hộ nghèo của cả nước nhưng lại là một trong những địa phương mua nhiều xe con nhất trong hai năm qua.
Về những địa phương ở Nghệ An có thể thấy được sự "thay da đổi thịt" ở những vùng quê nông thôn trước đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Từ miền quê nghèo, thuần nông, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An trở thành xã giàu có bậc nhất xứ Nghệ nhờ xuất khẩu lao động.
Dạo quanh một vòng các con đường, không khó để người dân ghé qua thấy những căn biệt thự, những ngôi nhà khang trang kiên cố, xe hơi.
"Hầu hết nhà lầu, biệt thự, ô tô… ở đây đều là tiền con em đi làm từ nước ngoài gửi về", ông Vũ Hồng Sơn - xóm trưởng xóm Phú Vinh, xã Đô Thành - nói. Theo ông Sơn, vào những dịp lễ, Tết các con đường ở trong xóm "cũng tắc đường như ở phố" vì người dân sở hữu ô tô ngày càng nhiều.
Sau nhiều năm lao động ở nước ngoài, tích góp tiền trả nợ, xây nhà, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Sinh - ngụ xã Khánh Thành, huyện Yên Thành - vay mượn thêm 200 triệu đồng từ ngân hàng mua chiếc xe hơi trị giá gần 800 triệu đồng vào dịp Tết vừa qua.
"Họ hàng nội ngoại gia đình tôi ở xa nhau gần 100km, những ngày mưa gió muốn thuê ô tô tự lái cũng khó nên tôi quyết định mua xe để gia đình đi lại đỡ vất vả hơn. Theo tôi, người dân mua ô tô vì nhu cầu sử dụng nên họ bỏ hàng trăm triệu ra để sắm xe, "nuôi xe" hằng tháng phục vụ cá nhân, gia đình", anh Sinh cho biết.
Tỉnh nghèo nhưng không phải dân nghèo
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc, người dân xung quanh câu chuyện "Vì sao người dân Nghệ An vào 'tỉnh tốp đầu' mua ô tô?" mà Tuổi Trẻ Online đăng tải.
Bạn Lộc DC cho rằng Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số quy mô đông thứ tư cả nước. Diện tích 10 huyện miền núi, trong đó năm huyện miền núi cao chiếm gần 85% nên số người mua ô tô nhiều nhất cả nước hay số người nghèo cũng nhiều nhất cả nước cũng là chuyện bình thường.
"Một đất nước có nghèo đến đâu thì cũng có những nơi rất phát triển. Một nước có giàu đến đâu cũng sẽ có người vô gia cư thôi. Mọi người đừng nghĩ tỉnh kia nghèo chắc cả tỉnh không có ai mua được ô tô hay gì cả. Tỉnh nghèo không có nghĩa là tất cả mọi người đều nghèo. Xã hội phát triển thì nhu cầu con người cũng cao", bạn Lộc DC nhận xét.
Đồng quan điểm, bạn Kim Sơn chia sẻ: "Xe cộ là phương tiện đi lại, và là nhu cầu chính đáng của người dân, kèm theo đó là an toàn và tiện lợi nên người dân mua là bình thường. Mình ở Sài Gòn không có ý định mua ô tô, nhưng luôn ủng hộ anh chị ở quê mua ô tô (dù trả góp) vì nó rất tiện đủ đường, xa trung tâm, thời tiết khắc nghiệt, chỗ đậu xe thoải mái".
"Tôi thấy về vùng nông thôn thì người dân mua ô tô rất nhiều do bán đất, không biết nên mừng hay lo vì nó không phản ánh đúng thực chất là giàu thật hay là giàu tạm thời.
Chỉ mong rằng những chiếc ô tô được mua đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng thời không ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai của bản thân. Đó là điều đáng mừng cho xã hội và cho nền kinh tế. Tôi chỉ sợ cái tâm lý rằng "mua cho bằng chị bằng em", cầm cố nhà cửa để mua xe, đó mới là điều đáng lo ngại", bạn Tuân 123 bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận