Bà Hồ Thị Châu Loan - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Theo bà Loan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc báo chí phản ánh một số người hưởng sai chế độ chất độc da cam, Sở LĐ-TB&XH đã giao các địa phương rà soát hồ sơ của hơn 16.000 người đang được hưởng chế độ chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, qua thống kê đã phát hiện 502 trường hợp hưởng sai chế độ chất độc hóa học. Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã đình chỉ trợ cấp hằng tháng những người này và báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý, thu hồi.
Hồ sơ của những người này có dấu hiệu giả mạo như bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động hoặc suy giảm khả năng lao động, con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật không có khả năng lao động...
Theo quy định, hồ sơ do UBND xã xác nhận. Riêng tình trạng con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật phải có xác nhận của trạm y tế xã. Mức hưởng chế độ ưu đãi hiện nay là hơn 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, báo chí phản ánh một số trường hợp ở Nghệ An không bị nhiễm chất độc hóa học nhưng để "chạy" chế độ ưu đãi người có công do nhiễm chất độc hóa học nên đã khai khống con bị dị dạng, dị tật rồi khai tử đứa con này luôn, miễn là xóm trưởng và trưởng trạm y tế xã xác nhận.
Liên quan đến hồ sơ thương binh hưởng sai, theo bà Loan, đến tháng 1-2019, Nghệ An đã truy thu được gần 2,2 tỉ đồng mà các trường hợp có hồ sơ được phát hiện là giả mạo. Riêng 52 trường hợp do họ đã qua đời nên được miễn, không phải truy thu.
"Tỉnh đang phân loại 516 trường hợp hồ sơ thương binh đã hưởng sai để có kế hoạch phân loại đối tượng và truy thu với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc, không để thất thoát tài sản của Nhà nước", bà Loan nhấn mạnh.
Trước đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phát hiện 569 tường hợp thương binh ở Nghệ An hưởng không đúng chế độ. Các trường hợp này được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị.
Số tiền các đối tượng đã hưởng sai phải truy thu là hơn 118 tỉ đồng. Trung bình mỗi người đã nhận từ khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua.
Cử nhân cử tuyển… thất nghiệp
Về vấn đề học sinh dân tộc thiểu số được cử đi học nhưng thất nghiệp, ông Đậu Văn Thanh - giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An - cho biết đến nay qua thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 274/884 sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm.
Theo ông Thanh, trước đó do các địa phương ồ ạt cử học sinh dân tộc thiểu đi học nhiều hơn so với chỉ tiêu được giao mà không khảo sát nhu cầu thực tế. Có sinh viên cử đi học đại học kéo dài đến 6-7 năm.
Ngoài ra, thực hiện việc tinh giản biên chế, việc tiếp nhận, phân công công tác phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển nhưng qua các đợt thi tuyển thì năng lực chuyên môn của cử nhân cử tuyển khó cạnh tranh với sinh viên tốt nghiệp chính quy.
Trước tình hình trên, từ năm 2015 đến nay Nghệ An không còn chính sách cử học sinh vùng dân tộc thiểu số đi học cử tuyển, đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí việc làm cho những sinh viên đã tốt nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận