Thi sĩ Huy Thông, người mà Hoài Thanh - Hoài Chân mô tả là “hiền lành và xinh trai” ấy chính là giáo sư - viện sĩ Phạm Huy Thông (1916-1988). Có vẻ như sự nghiệp giáo dục, chính trị lấn át sự nghiệp thơ và con người thơ của Phạm Huy Thông. Nhưng, nói đến Phạm Huy Thông, không thể không nhắc đến thơ của ông, người một thời nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, với những: Tiếng sóng - Yêu đương (1934), Anh Nga (1935), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1937), Tây Thi (1937)...
Phóng to |
Sách do TS Trương Tuyết Minh, Mai Kiều Sơn sưu tầm tuyển chọn; Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao động ấn hành - Ảnh: V.Q. |
Thật thú vị khi lần đầu tiên một tập thơ Phạm Huy Thông được tuyển chọn và giới thiệu một cách khá đầy đủ. Đọc thơ Phạm Huy Thông hôm nay, chúng ta vẫn thấy cái lòng yêu - cái tình say của một chàng trai trẻ. Chúng ta cũng thấy cái vẻ huyên náo trong thơ, như Lê Ta (tức nhà thơ Thế Lữ) từng viết trên tờ Phong Hóa (năm 1935) rằng: “Gớm! Làm gì mà ầm ĩ lên thế nhỉ? Truyện tình tự là truyện kín đáo mới phải chứ, là những truyện một người yêu nói cho một người yêu nghe...”.
Nghĩa là Thế Lữ ngầm chê thơ Huy Thông “sáo” quá. Nhưng không thể phủ nhận thơ ông có cái vẻ tươi tắn lạ thường, có say mơ đáng yêu. Đặc biệt trong thơ Huy Thông có rất nhiều bài dành cho bóng hồng và mùa xuân. Ta bắt gặp nhiều câu đẹp và cảm động: “Chiều xuân ấy. Sương che vừng ô thắm/Trên cầu ai bỗng nhẹ bước tiên nga.../Và, vấn vương, dừng chân ta lặng ngắm/Người áo xanh, san tía, nhẹ nhàng qua”...
Ông còn có nhiều thơ thế sự, như bài Con voi già (tặng Phan Bội Châu, năm 1935), Chào sứ giả tự do (tặng phái bộ Phạm Văn Đồng, năm 1946) hay bài Giấc mộng Lê Đại Hành đẹp như một tráng ca: “Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy/ Khắp bốn phương trời đất mịt mùng tăm/ Bầu trời mênh mông chuyển động tiếng loa gầm/ Tiếng gươm ca tiếng trống hồi ngựa hí”...
Ngày xuân, đọc thơ Huy Thông để được hòa lòng vào cái vẻ hào sảng, đẹp đẽ của một người, mà khi nhập cuộc thơ, chỉ mong thỏa: Tôi muốn hóa con chim để cùng gió/Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận