Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn tất môn hóa tại cụm thi trường ĐH Saì Gòn - Ảnh: Như Hùng |
- Trời, vậy còn đỡ, tui từ miền Trung, xin cái giấy thông hành cùng 15kg gạo vào Sài Gòn để thi đại học. Vừa vào tới nơi tui bán ngay và quay về làm thêm chuyến nữa rồi mới tập trung cho chuyện thi. Nhờ vậy không những không tốn đồng nào của ba mạ mà còn rủng rỉnh vài đồng dằn túi...
Có rất nhiều câu chuyện “ngày xưa” như thế, mà người lớn chúng ta thường nhắc lại trong những ngày gần đây.
Còn ngày nay?
Nhiều năm gần đây cứ mỗi kỳ thi là xã hội như náo loạn. Cha mẹ lo sốt vó. Xã hội xắn tay áo vào cuộc. Các cơ quan báo chí mở hết chương trình này đến chương trình nọ để tư vấn cho học sinh lớp 12 chọn ngành, chọn nghề.
Người dân, với tấm lòng quảng đại, thấy mấy sĩ tử con nhà nghèo nên thương đã mở rộng cửa nhà đón tiếp. Thậm chí đến chùa chiền, nhà thờ cũng mở cửa chăm lo cho sĩ tử cùng ba mẹ các em. Trong những ngày diễn ra kỳ thi thì khỏi nói.
Trước các điểm thi, cha mẹ nằm ngồi lo lắng, gần hết giờ là dáo dác nhìn vào. Thấy con bước ra mặt hớn hở thì cha mẹ cũng hớn hở; thấy con chau mày lo lắng thì cha mẹ cũng sốt ruột lo theo. Nửa muốn hỏi con có làm bài được không, nửa lại sợ hỏi quá con đâm run.
Chính vì cảnh tượng này mà Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn “Tuổi 18 đã lớn chưa?”.
Theo dõi diễn đàn từ hôm mở đến nay, tôi thấy băn khoăn nhiều. Những ông cha bà mẹ chăm chút con cái từng li từng tí cũng có cái lý của họ với việc xã hội bây giờ nhiều cạm bẫy quá. Phần các cô cậu tú tuổi 18 lại chẳng muốn cái cảnh bị ba mẹ đối xử như em bé và cũng biết mắc cỡ, thậm chí nổi nóng, khi nghe ba từ “bám váy mẹ”...
Ngày mai, làm sao để hết những cảnh không vui đó? Liệu ngày mai, những bạn trẻ tuổi 18 của chúng ta có được như thiên hạ, nghĩa là tư duy độc lập, sống độc lập?
Tôi nghĩ câu chuyện tuổi 18 chưa trưởng thành của hôm nay là bởi cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là người Á Đông có truyền thống bảo bọc con cái. Chẳng thế mà ở thế kỷ 19, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật Fukuzawa Yukichi đưa ra tư tưởng “thoát Á” thể hiện trong tác phẩm Thoát Á luận.
Nghĩa là phải thoát khỏi cách suy nghĩ theo kiểu Á Đông nhiều thứ, trong đó có cách thức dạy dỗ con cái, giáo dục học sinh... Nước Nhật đã đi theo tư tưởng như thế và trở thành một cường quốc của thế giới. Rồi sau đó, đến lượt người Hàn Quốc cũng học theo, bê nguyên xi sách vở của Nhật Bản vào hệ thống giáo dục của mình và kết cục cũng đã thành rồng.
Còn chủ quan, chúng ta không thể tránh né một điều đó là con cái chúng ta ngày nay được bao cấp quá nhiều. Bao cấp trong cuộc sống, ngay từ khi lọt lòng cho đến lúc trưởng thành, bởi các bậc phụ huynh. Và bao cấp cả về suy nghĩ (qua kiểu giáo dục cứng nhắc, rập khuôn) khi cắp sách đến trường.
Liệu VN chúng ta có cần thiết cũng phải làm như người Nhật, hay chúng ta có cách làm khác hay hơn? Tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn mà Nhà nước cần nghiên cứu, xã hội cần quan tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận