Sáng 16-11, tại TP.HCM diễn ra tọa đàm "Áp lực che giấu bản thân và bức bối giới: Đối mặt với body shaming - all shapes, all shades", trong đó chỉ ra thực trạng về định kiến giới của xã hội hiện nay.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Người trẻ và giới do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam - chi nhánh tại TP.HCM tổ chức, với mong muốn góp phần cải thiện nhận thức về sức khỏe tinh thần của người trẻ, từ đó nâng cao nhận thức về các vấn đề tinh thần và giới cho mọi người.
Diễn giả sự kiện là anh Huỳnh Minh Thảo (được biết đến với nickname Sas Ri) là nhà hoạt động xã hội thúc đẩy quyền cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam và nhà sáng tạo nội dung Trần Huy Hoàng.
Che giấu bản thân không hẳn là xấu
Theo chị Trần Huy Hoàng, chị trước đây và nhiều bạn trẻ ngày nay đã, đang phải che giấu chính mình vì mang trong lòng những uẩn khúc khó chia sẻ.
Áp lực từ những ánh nhìn phán xét, chỉ trích và định kiến xã hội về ngoại hình, tính cách hay hành vi, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giới khiến không ít người trẻ không dám sống thật với bản thân.
Việc phải gồng mình trong vỏ bọc lâu dài khiến các bạn dần đánh mất sự tự tin, trở nên tự ti và khép mình hơn.
Huy Hoàng chia sẻ: "Che giấu bản thân không hẳn là xấu. Nó là một cơ chế bảo vệ khi bạn chưa sẵn sàng đối mặt với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, đừng để điều đó trở thành gánh nặng. Hãy dành thời gian để nhìn lại chính mình và học cách yêu thương, chấp nhận những phần chưa hoàn hảo trong bản thân".
Còn anh Huỳnh Minh Thảo cho rằng việc che giấu bản thân chủ yếu xuất phát từ thực trạng body shaming (miệt thị ngoại hình), định kiến và bức bối giới.
Body shaming là một phần của định kiến và định kiến là nguyên nhân chính của bức bối giới.
Bức bối giới cùng những áp lực phải che giấu bản thân gây ra những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của mỗi người.
"Có rất nhiều hình mẫu, khuôn mẫu mà xã hội đặt ra.
Chính những chuẩn mực này vô tình xâm chiếm vào suy nghĩ của mỗi người, khiến chúng ta đôi khi có những lời nói và hành động thiếu suy nghĩ, gây tổn thương cho người khác" - anh Thảo nhận định.
Điển hình là một chàng trai có thể bị phê phán hoặc chế giễu nếu thể hiện cảm xúc yếu đuối hoặc khóc, vì xã hội thường áp đặt nam giới phải luôn mạnh mẽ.
Những câu nói như "Con trai mà khóc, sao yếu đuối vậy?" hoặc "Đàn ông phải mạnh mẽ, đừng tỏ ra như vậy" thường xuyên tạo áp lực khiến nam giới kìm nén cảm xúc của mình.
Tương tự, phụ nữ có thể bị đánh giá thấp khi ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo, vì người ta cho rằng họ sẽ phải nghỉ sinh con và làm gián đoạn công việc. Điều này vô tình thể hiện sự phân biệt giới tính, hạn chế cơ hội phát triển nghề nghiệp của phụ nữ.
Ngay cộng đồng LGBT cũng tồn tại định kiến giới
Minh Thảo cho rằng định kiến giới hiện diện ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, thậm chí ngay cả trong cộng đồng LGBT.
Dù là những người đang đấu tranh để được công nhận bản dạng giới và tính dục của mình, nhưng đôi khi, trong cộng đồng này cũng tồn tại sự kỳ thị hoặc những quan niệm truyền thống về giới.
Anh kể: "Tôi từng quản lý một diễn đàn cho người đồng tính nam. Dù tôi là người trong cộng đồng, nhưng tôi thừa nhận cũng từng có định kiến giới khi không cho phép họ sử dụng từ ngữ xưng hô nữ tính như cô, bà, chị... vì cho rằng như thế là ẻo lả, yếu đuối".
Ngay cả Huy Hoàng - một người chuyển giới từ nam thành nữ - cũng từng thỏa hiệp khi bị nhận xét là “tính nam cao” chỉ vì quá quyết đoán.
Nhưng theo thời gian trau dồi tư duy và đọc nhiều sách, Huy Hoàng nhận ra sự quyết đoán không phải là đặc điểm riêng của đàn ông, mà là phẩm chất cần thiết cho bất kỳ ai muốn đạt được mục tiêu và thành công trong cuộc sống.
Chị hiểu không có gì sai khi giữ vững chính kiến và việc sống thật với bản thân mới là điều quan trọng nhất, thay vì cố gắng thỏa mãn kỳ vọng của người khác.
Để khắc phục, Minh Thảo cho rằng hành trình vượt qua định kiến giới là quá trình lâu dài và cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất.
"Điều quan trọng là phải tự nâng cấp bản thân không chỉ về mặt kiến thức, mà còn trong cách nhìn nhận và đối diện với những thử thách.
Đồng thời, việc kết nối và duy trì những mối quan hệ tích cực, cùng những người đồng hành có cùng chí hướng là điều cần thiết để tiếp thêm cho chúng ta động lực và sức mạnh vượt qua những định kiến" - anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận