31/07/2012 03:20 GMT+7

Ngày trở về của Hùng "Trường Sa"

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Sau tám năm hi sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn (Trường Sa, Khánh Hòa), hôm qua 30-7, hài cốt liệt sĩ Hoàng Thế Anh (hay còn gọi Hoàng Đặng Hùng, sinh năm 1984) - khẩu đội trưởng DKZ, Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân - đã được đưa về an táng tại quê nhà.

q8j6KCZo.jpgPhóng to
Lễ truy điệu, đón nhận hài cốt liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng được tổ chức trọng thể ngày 30-7 - Ảnh: Thân Hoàng

Nghĩa trang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quận Ngô Quyền, Hải Phòng ngày cuối tháng 7 chật cứng người tới dự lễ truy điệu, đón nhận hài cốt liệt sĩ Hùng.

Tuổi 20 nằm lại Trường Sa

Sinh ra trong một gia đình có ba thế hệ với năm người là bộ đội hải quân, trong đó ông ngoại và bác ruột là liệt sĩ, Hùng là con trai duy nhất trong gia đình có ba anh em. Ngay từ khi còn nhỏ Hùng đã luôn mơ ước trở thành chiến sĩ hải quân tiếp nối truyền thống gia đình. Bố của Hùng, trung tá Hoàng Đức Tuấn kể: “Chỉ cần xem một bộ phim, đọc một bài báo về lực lượng hải quân là nó nằng nặc bắt bố mẹ hứa sau này cho nhập ngũ, đóng quân ngoài đảo để canh giữ chủ quyền vùng biển Tổ quốc”.

Tháng 3-2002 Hùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Bố mẹ Hùng khuyên chọn nơi đóng quân gần nhà nhưng Hùng nhất định: “Con muốn rèn luyện ở nơi nào gian khổ nhất. Phải đi xa để bố mẹ thấy con trưởng thành và tự lập. Con sẽ trở thành chiến sĩ Trường Sa”. Kể từ ngày ấy mọi người trong gia đình và hàng xóm gọi Hùng với biệt danh trìu mến: Hùng “Trường Sa”.

Tháng 1-2003 Hùng được điều động ra đảo Đá Lớn A - Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân đảm nhận cương vị khẩu đội trưởng DKZ. Trong gần hai năm rèn luyện trên đảo, Hùng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngày 25-7-2004, một cơn dông lớn với sức gió cấp 7, cấp 8 giật mạnh làm đứt dây buộc xuồng máy của đảo trôi ra cửa luồng. Hùng được chỉ huy đảo giao nhiệm vụ ra cứu xuồng cùng bốn chiến sĩ khác trong đơn vị. Do dòng nước chảy xiết, sóng to gió lớn, xuồng chết máy trôi dạt ra xa khoảng 1,8 hải lý nên các chiến sĩ gặp nhiều khó khăn để cứu xuồng. Khi tiếp cận được xuồng, khắc phục sự cố đưa quay lại bờ thì Hùng không may bị chuột rút, chìm xuống biển và hi sinh khi mới 20 tuổi.

Thi thể người chiến sĩ trẻ được chôn cất tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa.

Về với quê nhà

Gần mười năm sau ngày tiễn con lên đường nhập ngũ, tám năm nén nỗi đau khi nhận tin con hi sinh và cũng chừng ấy năm mong ngóng nhưng chưa một lần bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - mẹ của Hùng - được đến thăm nơi cậu con trai duy nhất rèn luyện và hi sinh anh dũng. Ngày đón nhận hài cốt, kỷ vật của con trai từ phòng chính sách Quân chủng hải quân, bà Thúy rưng rưng: “Thằng Hùng “Trường Sa” của mẹ về rồi”.

Tại lễ truy điệu, đón nhận hài cốt, nói về sự hi sinh của liệt sĩ Hùng, thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân - khẳng định: “Trong thời chiến và ngay cả thời bình vẫn có những người chiến sĩ ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Máu thịt của các chiến sĩ ngấm vào đất, tan vào biển để ngày ngày xây dựng chủ quyền biển đảo thiêng liêng toàn vẹn lãnh thổ. Sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng thêm một lần khẳng định cơ sở vững mạnh đẩy lùi tất cả ý đồ của các thế lực thù địch muốn xâm phạm, lấn chiếm chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc Việt Nam”.

Lễ an táng kết thúc nhưng ông Hoàng Đức Tuấn cứ nấn ná bên ngôi mộ của con trai. Trên gương mặt cương nghị và rắn rỏi của vị trung tá hải quân như toát lên niềm kiêu hãnh, tự hào về cậu con trai đã hi sinh anh dũng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tình yêu đất nước

Ký ức về những ngày rèn luyện trên đảo của Hùng qua những lá thư ít ỏi gửi về mỗi lần có tàu ra thăm được gia đình lưu giữ cẩn thận. Mỗi bức thư, tấm ảnh của cậu con trai gửi về đều được bà Thúy ép plastic và đóng thành cuốn album có tiêu đề “Nhật ký Trường Sa”. Nỗi nhớ nhà, những kỷ niệm trên đảo được Hùng kể qua thư: “Hôm nay con được ra đảo chìm huấn luyện. Cảm giác lạ lắm bố mẹ ạ. Đảo và biển của Tổ quốc mình hùng vĩ hơn nhiều so với hình ảnh trên tivi con xem ở nhà” ... “Con mới được giao nhiệm vụ khẩu đội trưởng khẩu đội pháo. Anh em trong đội ai cũng háo hức được huấn luyện những kỹ năng sử dụng pháo để bảo vệ đảo”... Và cả những lời dạy dỗ, dặn dò em gái: “Quỳnh Anh phải nghe lời bố mẹ, chịu khó học và nhớ con gái phải để tóc dài... À quên, anh dặn mặt lên mụn thì đừng có nặn, bảo mẹ mua Panoxy bôi ngày một lần trước khi đi ngủ. Nếu nhiều mụn chịu khó bôi 8-10 tuần là khỏi”...

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên