1. Hơn nữa, đời trôi qua mải miết trong sự sắp đặt của người khác, đây là lần đầu tiên tôi tự quyết định việc của mình.
Ngày nhỏ, tôi ăn gì, mặc gì, học gì... nghe theo lời ba mẹ đã đành. Đến khi lớn lên, chọn ngành nghề học để đi làm, tôi cũng chọn giải pháp an toàn khi ba mẹ bảo "học ngành này ra trường khỏi lo thất nghiệp". Nên dù không thích nhưng tôi vẫn cố theo học.
“Bốn mươi tuổi khởi nghiệp là muộn? Nhưng muộn còn hơn không bao giờ bắt đầu.
THỦY VŨ
Chưa cầm bằng tốt nghiệp đại học, gia đình đã "dọn sẵn" cho tôi một chỗ làm yên ổn trong cơ quan nhà nước. Ba mẹ "ấn" tôi vào, mặc tôi vùng vằng khó chịu khi làm nhân viên văn phòng.
Mỗi ngày tám giờ đồng hồ tôi ở bàn giấy mà không thể thoát ra được khi nhìn xung quanh bạn bè mình, đứa nào không vào nhà nước thì lông bông cà phê tối ngày, đứa đi làm "thợ đụng" - đụng đâu làm đấy - chớ biết làm gì ở một tỉnh nghèo miền núi.
Trong mắt người dân quê lúc bấy giờ, học hành ra trở thành công chức, viên chức nhà nước không chỉ là ước mơ cá nhân mà còn là niềm tự hào của gia đình, sự hãnh diện không nhỏ của dòng họ khi có dịp gặp gỡ hỏi thăm nhau.
2. Ba mẹ tôi vẫn luôn tự đắc đã lựa chọn được cho con mình con đường đi đúng, một nơi "ngồi mát ăn bát vàng" mà không cần quan tâm đến tôi đang mong muốn, suy nghĩ gì.
Ba mẹ không thể nào hiểu được tôi thuộc nhóm người yêu thích tự do, khám phá và đam mê những điều mới mẻ.
Đối với tôi, cuộc sống có muôn ngàn điều kỳ diệu và một trong những thứ luôn hấp dẫn tôi là hạt cà phê. Tôi say mê cà phê từ cách trồng, chọn giống đến cách pha chế, mỗi một loại cà phê, mỗi một cách pha chế sẽ cho ra một ly cà phê khác nhau.
Ngay từ những ngày nhỏ, tôi đã luôn đặt ra muôn ngàn câu hỏi tại sao với cà phê. Tôi biến thành một người khác, say mê và cuồng nhiệt đến mông muội, có thể quên ngủ, quên ăn để đón chờ từng giọt cà phê rơi.
Thế nhưng trái ngược với sự mong mỏi của tôi là được gắn bó với cà phê, gia đình đã sắp đặt sẵn mọi "công ăn việc làm" mà tôi không cần phải mó tay vào bất cứ thứ gì.
Khi nghe những lời đề nghị của tôi, gia đình luôn gạt phăng đi ngay cùng bài ca muôn thuở: "Người ta tốn cả trăm triệu "chạy" vào công việc nhà nước không được, mình giở chứng lại nghỉ việc. Làm nhà nước cứ đến tháng lãnh lương mà không phải âu lo. Chỉ có ai không xin được vào nhà nước mới phải ở ngoài bươn chải bạc mặt ra đấy".
Hết gia đình đến họ hàng liên tục đưa ra nhiều ví dụ cụ thể của những người đang khốn đốn vì sản xuất, kinh doanh cà phê. Họ tạo áp lực buộc tôi phải dẹp đi khát khao tạo ra một thương hiệu cà phê gì đó cho riêng mình.
Tôi đành tiếp tục chặc lưỡi xuôi theo xếp đặt của gia đình mà an phận: "Người ta sao mình vậy, người ta sống được mình sống được". Tôi bình lặng sống trôi qua trong sự tẻ nhạt...
Tôi chuyển hết cơ quan này đến cơ quan khác trong sự chán chường đến mỏi mệt. Tôi cũng đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình với công việc được giao.
Nhưng tôi không tìm thấy niềm vui trong công việc, khi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày một cách tẻ nhạt theo những giấy tờ văn bản hành chính rập khuôn.
Những đề xuất cải tiến của tôi luôn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đồng nghiệp, "làm chơi chơi cũng chừng đó lương mà lãnh, bày ra chi cho nhiều không chỉ mệt mình mà còn làm mệt người".
Tôi hụt hẫng, làm việc như được lập trình sẵn, không vui không buồn, đến và về đúng giờ, không luận bàn, chẳng tranh cãi. Tôi chỉ mong hết giờ, về nhà, để chơi cùng hạt cà phê.
3. Đó là trò chơi ưa thích của tôi từ ngày còn nhỏ. Tôi mang vốc cà phê Moka trộn cùng hai vốc cà phê Chery, rồi đem rang lên, xay ra vẫn chưa ưng ý. Tôi tiếp tục mang ít cà phê Arabica trộn lẫn Culi và Robusta.
Tôi say mê cân đo, rang xay, pha trộn theo cách riêng của mình với tất cả sự háo hức, hưng phấn. Trong những giấc mơ tôi cũng thấy hình ảnh mình khắc khoải bên những hạt cà phê. Một loại cà phê theo hương vị riêng của mình, không giống bất kỳ ai.
Rồi trong một dịp tình cờ, người bạn thân đưa theo người bạn Pháp ghé thăm nhà. Tôi đã mang thứ cà phê "hổ lốn" mình thử nghiệm đem ra mời.
Hai bạn uống ly cà phê và khen rối khen rít, nhờ tôi mua giúp vài ký mang sang Pháp biếu người thân. Lúc bấy giờ tôi phải thú thật với bạn mình chính là người làm ra cái loại cà phê "không giống ai" đó.
Một thương hiệu cà phê riêng của mình, đó là ước mơ từ rất lâu của tôi nhưng chưa thực hiện được bởi sự do dự của mình, sự bàn lùi của người khác.
Tôi không thể để giấc mơ ấy trôi theo tuổi tác của mình. "Hơn bốn mươi tuổi mới bày trò khởi nghiệp, muộn quá rồi, an phận làm công chức đi thôi".
Tôi quyết định viết đơn xin nghỉ việc, buộc mình không còn đường lùi.
Nếu bây giờ tôi không thực hiện thì đến bao giờ mới thực hiện?
Bốn mươi tuổi khởi nghiệp là muộn? Nhưng muộn còn hơn là không bao giờ bắt đầu. Tôi chưa biết mình có thành công hay không, nhưng được làm công việc mình đam mê chắc chắn không bao giờ thất bại, ít ra thì tôi cũng sẽ không hối hận vì đã tự mình tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn.
Tôi muốn tự mình đón gió cuộc đời mình...
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận