08/08/2019 09:33 GMT+7

Ngày thứ 57/180 của ông Dương Quang Thiện

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Năm mươi mấy ngày qua, mỗi sáng trên Facebook Quang Thien Duong lại xuất hiện một con số đếm, đếm từng ngày tới mốc 180 - cái mốc 6 tháng mà bác sĩ nói với ông Dương Quang Thiện về thời gian ông có thể sống sau cơn bệnh tái phát.

Ngày thứ 57/180 của ông Dương Quang Thiện - Ảnh 1.

Ông - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khước từ mọi can thiệp y khoa, ông lẫm liệt đi vào cuộc chết của mình, bỡn cợt đếm xuôi đếm ngược mỗi sáng. Ông đếm lần cuối vào ngày thứ 52, và đến ngày thứ 57 thì ông ra đi. Không vướng bận. Không khiến bất cứ ai bón cháo, chăm thuốc.

Ông hẳn đã rất thanh thản và vui vẻ về với "bà đầm" (bà Agnès Dương Quang, quốc tịch Thụy Sĩ, đã mất năm 2012), và để lại cho chúng ta một cuộc đời lớn.

Con người ta sinh ra, không phải chỉ để ăn như nhiều người bỡn cợt nói thế, mà thực chất là để giải quyết các vấn đề cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước hoặc cho nhân loại. Các vấn đề là muôn hình vạn trạng, thượng vàng hạ cám. Mà muốn giải quyết vấn đề thì phải học.

Kỹ sư DƯƠNG QUANG THIỆN

Học để giải quyết vấn đề

Ông viết: "Con người ta sinh ra, không phải chỉ để ăn như nhiều người bỡn cợt nói thế, mà thực chất là để giải quyết các vấn đề cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước hoặc cho nhân loại.

Các vấn đề là muôn hình vạn trạng, thượng vàng hạ cám. Mà muốn giải quyết vấn đề thì phải học. Nếu giáo dục giúp đào tạo đúng và đủ người để giải quyết các vấn đề xảy ra trong mọi môi trường thì đây là một nền giáo dục tốt.

Một nền giáo dục đào tạo được những con người có thể giải quyết vấn đề một cách ngon lành là một nền giáo dục tốt. Thế thôi". Ông đã sống đúng như thế, và mong ước của ông cũng là như thế.

55 năm theo đuổi ngành công nghệ thông tin, là người đầu tiên đã đưa điện toán, tin học, lập trình vào Việt Nam ngay trong những năm chiến tranh ác liệt (1969 - PV), mục đích cuối cùng mà ông Dương Quang Thiện đặt ra cho các dòng lệnh là ứng dụng vào đời sống kinh tế, hành chính, giải quyết các vấn đề đã và sẽ xảy ra trong xã hội.

Vì vậy mà ông đã từ chối việc làm và cơ hội phát triển nghề nghiệp tại Hãng IBM ở Pháp để về Việt Nam đang mịt mù khói lửa chiến tranh vì "Đất nước tôi còn nghèo, còn chưa phát triển sẽ cần tôi hơn".

Vì vậy mà những bộ sách dạy tin học đồ sộ của ông được biên soạn với phong cách rất khác: những kiến giải thật cặn kẽ về các ứng dụng trong thực tế đời sống, khiến người đọc và học phải quan tâm nhiều hơn tới xã hội bên ngoài màn hình máy tính.

Người theo dõi các trang cá nhân của ông sẽ thấy những bài viết đủ các chủ đề: từ giáo dục đến nạn tham nhũng, từ dân số đến cải cách hành chính, từ kinh tế đến quân sự, từ vi mô đến vĩ mô, trong nước đến quốc tế... với số liệu được phân tích, đối chiếu dưới mắt một kỹ sư, và những nhận định của một trái tim yêu nước đến thao thiết.

Bộ sách tâm huyết cuối cùng của ông Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản trị xí nghiệp cũng không ngoài mục đích ấy.

Ông tự giới thiệu: "Tập sách này không phải là phần mềm ERP (Enterprise Resources Planning - Hoạch định nguồn lực xí nghiệp), mà là sách hướng dẫn bạn tự tạo một phần mềm ERP thích ứng với xí nghiệp của mình, giống như bạn tự tay làm một cái bánh theo kiểu của mình, thay vì ra siêu thị mua bánh sản xuất hàng loạt...".

Với những chiếc bánh ERP ấy, ông hi vọng sẽ sớm đến ngày chúng ta có một xã hội được quản trị bằng công nghệ thông tin với hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất.

"Lúc đó, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, dễ dàng, biến mất những bộ máy hành chính cồng kềnh để mọi người lo việc khác, và sẽ biến mất cả những cơ hội tham nhũng nữa", ông Thiện đã cười rất tươi mà trình bày về ERP với tất cả những ai quan tâm, dù đó có phải là "dân công nghệ thông tin" hay không.

Ngày thứ 57/180 của ông Dương Quang Thiện - Ảnh 3.

Ông Dương Quang Thiện và vợ (bìa phải) tại lễ khánh thành năm lớp học từ kinh phí do ông bà tài trợ ở Trường phổ thông cấp I Bình Thuận, xã Tân Quý Tây (Bình Chánh, TP.HCM) năm học 1993-1994 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Giáo dục nuôi giáo dục

Thảm cỏ của căn biệt thự hôm nay vẫn mướt xanh, những nhành hoa lan vẫn tươi thắm. Trong gian phòng, những chồng sách vẫn đang chờ được lật giở, nụ cười của hai ông bà trong những tấm ảnh vẫn nhuần hậu như bao giờ.

Một góc phòng, cô "thạc sĩ mắm ruốc" Đào Thị Hằng - người mà ông đã hỗ trợ và nhận làm người nhà qua chương trình Tiếp sức đến trường, ngồi trào nước mắt. "Từ nay, Sài Gòn với tôi đã không còn sự ấm áp của "nhà", vì không còn ông", cô nghẹn ngào.

Hằng chỉ là một trong số rất rất nhiều những sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ đã từng nhận học bổng, sự trợ giúp, hỗ trợ vô điều kiện từ ông bà Dương Quang Thiện thông qua các chương trình mà ông bà tham gia.

Đến với "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ từ năm 1989, đến nay đã chẵn 30 năm những khoản tiền từ nhuận bút, bán sách của ông được biến thành những suất học bổng cho sinh viên nghèo, những cây cầu bắc đến ngôi trường vùng khó, thay thế vật liệu cho những lớp học tranh nứa lá.

Cũng chuyên nghiệp như viết sách, làm sách, kế hoạch tài trợ của ông bà được hoạch định chi tiết từng tháng, từng năm, bền bỉ và vững chãi.

"Đây là khoản đầu tư cho tương lai chứ không phải làm từ thiện, các em không nợ chúng tôi cái gì, hãy trả lại cho cuộc đời", lúc nào ông cũng nhắc lại câu ấy mỗi khi tận tay trao học bổng sinh viên, và cả lúc chỉ còn có thể gọi nhân viên của báo đến tận nhà lấy vì không còn có thể ra khỏi nhà.

Khi nào cũng là những lời dặn dò chí tình, khi nào cũng là điệu cười xòa sau những câu hỏi ra vẻ thật khó tính.

Những tháng năm cuối cùng, khi bắt đầu chương trình đếm ngược đếm xuôi từng ngày sống, một trong những mối bận tâm cuối cùng của ông vẫn là những suất học bổng mà ông sẽ "đầu tư cho tương lai".

Nhiều kế hoạch, nhiều phương án đã được ông đặt ra, thảo luận, tìm người ký thác. Cho đến ngày cuối cùng, ông bảo: "Xong rồi, tôi có thể về sớm với bà đầm rồi". Và ông đi...

Cuộc đời ông thanh thản khép lại, nhưng sự nghiệp "lấy giáo dục nuôi giáo dục" của cả hai ông bà vẫn còn tiếp tục.

Và những câu chuyện, những vấn đề ông từng cùng những người trẻ thảo luận, đối thoại thì lại vẫn cứ tươi mới, vẫn hừng hực nhiệt huyết của cống hiến. Lần giở, đọc lại và nghe thấy giọng cười "Hay ta..." của ông đâu đây.

Bắt đầu công trình “Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản trị xí nghiệp” từ tuổi 80 chỉ với một cộng sự duy nhất, sau ba năm ông đã hoàn thành bộ sách 8 tập và lại tiếp tục xắn tay lên trực tiếp phát hành từng cuốn một, trực tiếp hướng dẫn từng người trẻ tiếp cận ERP, và không quên thổi vào họ nhiệt tâm cống hiến cho xã hội, cho đất nước... Cho đến ngày cuối cùng, ngày thứ 57/180 của ông.

Ông Dương Quang Thiện sinh 1934, mất lúc 16h06 ngày thứ tư 7-8-2019, thọ 85 tuổi.

Lễ viếng lúc 7h30 ngày 8-8 tại tư gia số 84A/7 Trần Hữu Trang, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (cuối đường Trương Quốc Dung).

Lễ động quan lúc 5h30 ngày 11-8. Hỏa táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM.

Vĩnh biệt mạnh thường quân Dương Quang Thiện - một đời sáng rỡ như tên

TTO - Dù ông vướng bạo bệnh, từ chối mọi can thiệp y khoa, đã lên trang cá nhân đếm từng ngày theo thời hạn sống bác sĩ đưa ra, tin ông Dương Quang Thiện mất lúc 16h06 ngày 7-8-2019 vẫn khiến nhiều người bàng hoàng.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên