Nhà thơ Dương Tường và nhà thơ Phan Huyền Thư trình diễn tại Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam năm 2008 - Ảnh: LƯU QUANG PHỔ
Ông Thanh Tâm chia sẻ trong đêm thơ online nhân Ngày thơ Việt Nam 2022 mang tên Thơ ích gì cho chúng ta? do nhóm Văn và Trạm thơ tổ chức tối 14-2.
Còn TS Trần Ngọc Hiếu thì nói nhiều về "quyền được ương bướng" của thơ.
Lạm phát thơ ư? Hãy sống chung với rác!
Trả lời câu hỏi chủ đề "thơ ích gì cho chúng ta?", TS Nguyễn Thanh Tâm dẫn ví dụ trong tác phẩm đang "hot" hiện nay của nhà văn trẻ Ocean Vuong - Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian - có chi tiết rất hay đó là người con trai gửi bức thư cho mẹ viết bằng tiếng Anh.
Cậu bảo, vì mẹ không đọc được tiếng Anh cho nên cậu mới có thể viết ra được những điều bí mật. Điều này cho thấy có những bí mật, những sự thật được viết ra, nói ra dưới ngôn ngữ mà chúng ta không đọc được. TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng nhiều bài thơ cũng vậy.
"Lâu nay chúng ta đòi hỏi thơ phải ích dụng gì, nhưng chính thơ cũng đòi hỏi chúng ta có một thái độ, tầm đón đợi để có thể đọc được những thông điệp của thơ. Cho nên phải đào tạo người đọc có khả năng thưởng thức thơ", TS Nguyễn Thanh Tâm nói.
Về vai trò của thơ, TS Thanh Tâm cho rằng thơ trong quá khứ đã khẳng định được vai trò của nó với bạn đọc, ngày nay, kể cả dòng truyền thống hay cách tân thì cũng đều thể hiện được thế giới tinh thần của con người đương đại, đó chính là "nỗi bất an của thời bình".
Còn việc một số người phàn nàn chúng ta đang có quá nhiều người làm thơ nhưng ít thi sĩ, có quá nhiều văn bản được gọi là thơ mà ít thi phẩm, ông Thanh Tâm cho rằng chúng ta phải chấp nhận tình trạng cộng sinh, phải sống cùng với rác, với ô nhiễm, phải "chấp nhận nó như một tình thế để tồn tại".
Hãy cho thơ có "quyền ương bướng"
TS Trần Ngọc Hiếu thì cho rằng không nên đặt câu hỏi "Thơ ích gì cho chùng ta?" vì nó phản ánh lối tư duy thực dụng, mà nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng không phải thứ ta có thể dùng tư duy thực dụng trong ứng xử với nó.
Ông nói, cũng có lúc văn chương muốn tỏ ra hữu dụng với đời, có tính thiết thực, nhưng oái oăm là những dạng thơ văn tỏ ra thiết thực, hữu dụng với đời trong chốc lát thì về lâu dài đó lại là thứ văn chương dễ bị lãng quên nhất.
Nhưng nếu phải nói thơ ca có ích gì thì ông Hiếu muốn nói nó đem đến khoái cảm vô tư về ngôn từ - một khoái cảm rất thuần khiết của con người và giúp ta nghe được những cái thật nhất của nội tâm con người. Đó là lý do khiến vài năm qua xã hội chứng kiến sự lên ngôi của rap, là bởi rap có sự hấp dẫn rất gần với sự hấp dẫn của thơ - có vần, có nhịp.
Thơ ca còn giúp con người tri nhận về cõi nội tâm của mình. Nhiều khi trí tuệ sắc sảo vẫn cứ bất lực trước những việc chạm vào những gì u uẩn nhất, phức tạp nhất, riêng tư nhất của con người, nhưng lúc đó, thơ ca có thể cất lời.
Và thơ hay trước hết phải là thơ, không phải là công cụ cho bất cứ điều gì đó. Quan sát thơ trong vài thập kỷ qua, ông Hiếu cho rằng vẫn có những tiếng thơ rất ương bướng giữ sự thuần khiết và duy mỹ của thơ trong một thời đoạn mà người ta muốn thơ ca phải vâng lời.
Ông dẫn trường hợp thơ Phan Đan và bày tỏ quan điểm "hãy cho thơ cái quyền ương bướng, quyền vị kỷ cho chính nó thôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận