Các bà nội trợ thường dùng gừng như một loại gia vị không thể thiếu trong nhà bếp. Không ít chị em đã biết công dụng của gừng trong phòng/chữa bệnh; tuy nhiên số khác lại coi thường nó, không để ý.
Ngày xưa các cụ đã từng có câu “gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau” nhắc về sự chung tình của đôi lứa, nhưng cũng cho thấy vai trò của gừng- một vị thuốc đáng nể trong nhà bếp.
Gừng chống say tàu xe
Năm hết tết đến về thăm quê, một số người cứ lên xe, lên máy bay hay đi tàu trên biển là nôn ói. Thực phẩm vào dạ dày, được trộn với acid chlohydric tạo ra mùi chua, nồng, khó chịu. Nếu nôn hết những thực phẩm đã “lỡ ăn”, mà dạ dày vẫn co bóp để tống ngược ra, thì sẽ thấy chất nôn màu xanh hoặc màu vàng, đó là mật. Lúc này khách ở xa về nhà đúng là mệt đến “vỡ mật”! Mọi thứ sẽ không đến nỗi…toang vậy, nếu có gừng tham chiến!
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm vào ba kinh phế, tì, vị có tác dụng ôn trung, hành thuỷ, giải độc. Dạ dày bị chi phối bởi kinh Dương Minh- một kinh làm nhiệm vụ phòng vệ, chống lại những thay đổi của môi trường. Bạn bị say tàu xe, cần uống một ly nước gừng ấm trước khi lên xe/tàu độ 30 phút. Lên tàu/xe cần ngậm vài lát gừng hoặc kẹo gừng, sẽ không bị nôn ói. Nghiên cứu của bác sĩ Julie Upton (đăng trên Appetite for Health) thì cho rằng gừng chống nôn khi đi tàu xe, chống nôn cho phụ nữ mang thai, và cả những người đang hoá trị mà bị tác dụng phụ gây nôn ói. Gừng cũng làm giảm “Hội chứng trào ngược”, nếu sau bữa ăn bạn uống một ly trà gừng.
Gừng chống đầy bụng, đau bụng, táo bón
Ở ta, nhất là mùa liên hoan tất niên, thực phẩm bẩn len lỏi trong các bữa tiệc, những vụ ngộ độc hàng loạt hay diễn ra. Khi bạn bị đau bụng, tiêu chảy thì lúc đó bụng của bạn ở vào thể ‘hàn-lạnh”. Lấy một củ gừng to, bỏ vỏ, cắt lát, nấu nước; uống nước gừng ấm sẽ làm quân bình dạ dày ruột. Trong gừng chứa Zingibain giúp giảm quá trình viêm, sưng ở “bộ đồ lòng”, lại tống được chất độc ra khỏi “bộ đồ lòng” nhanh hơn!
Gừng giúp chữa cảm cúm
Cuối năm, thời tiết khi thì lạnh, lúc thì nóng, làm chúng ta dễ bị cảm cúm. Tạp chí Ethnopharmacology đã đăng tải bài báo công bố là gừng chứa gingerol- hợp chất chống các virus ở đường hô hấp rất hiệu quả. Họ cũng khuyến cáo là dùng gừng tươi sẽ tốt hơn bột gừng khô. Cứ trà gừng mà quất tì tì khi cảm thấy người khó ở, sẽ rất tốt cho những người thích đi du xuân… Ngoài ra, nếu bạn bị ho lại sợ uống thuốc Tây bị nóng người thì chỉ việc nấu ấm nước gừng; khi nước còn âm ấm thì pha thêm mật ong mà uống, những cơn ho sẽ được đẩy lùi nhanh chóng!
Gừng giảm đau
Một nghiên cứu của Trường Đại học Georgia của Mỹ cho biết, các vận động viên thể thao uống nước gừng trước và sau khi tập sẽ giảm đau cơ bắp rõ rệt. Bác sĩ Leah Sherman ở Oregon (Mỹ) giải thích rằng gừng tươi chứa tinh dầu, giúp cải thiện sự lưu thông máu, làm cho các cơ không bị acid lactic đọng lại, nên không đau.
Nếu bạn bị đau khớp do thay đổi thời tiết, hay do…bắt đôi chân du xuân nhiều quá, có thể giã gừng đắp lên vùng đau. Khi bạn bị viêm họng do hát karaoke, hay trò chuyện nhiều quá trong những ngày xuân, việc đầu tiên là uống nước gừng pha chút muối, để “trấn” cái họng!
Phụ nữ bị đau bụng kinh cần uống nước gừng ấm. Đau bụng kinh do cơ thể tăng bài tiết prostaglandin, gừng có tác dụng ức chế prostaglandin nên giảm đau trong đau bụng kinh.
Các bà nội trợ khéo tay hay làm nên sử dụng gừng dạng tươi, dạng trà hay siêng hơn là làm mứt gừng. Ngày xưa, các cụ không chờ các nhà khoa học nghiên cứu, phân tích các kiểu, nhưng đã biết làm miếng mứt gừng thanh tao để tránh đầy bụng, khó tiêu trong ba ngày tết.
Bây giờ khoa học hiện đại, chứng minh lợi ích của gừng đối với sức khoẻ. Những ngày tết ấm cúng này, sẽ càng ấm êm hơn, nếu chị em thủ sẳn một ít gừng trong bếp, để ứng phó kịp thời với những ẩm ương của thời tiết, để có những đối sách thông minh khi gặp các rắc rối về sức khỏe!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận